Anh Đức trở lại tuyển Việt Nam để 'kèm cặp' lứa Văn Toàn, Công Phượng?

Phải mời lại lão tướng Anh Đức, HLV Park Hang Seo dường như đã hết nhân sự tốt trên hàng công.

Nâng số cầu thủ triệu tập lên 36 người (thay vì 25, 30 cầu thủ như mọi lần), HLV Park Hang Seo muốn "diện kiến" mọi tài năng ưu tú của bóng đá Việt ở đợt tập trung này. Tuy nhiên, nếu hàng hậu vệ, hàng tiền vệ đầy đủ những cái tên chất lượng và hứa hẹn, hàng công lại là nỗi lo của ông Park.

Những chân sút được triệu tập lần này được chia thành 3 nhóm: Công Phượng, Văn Toàn, Tiến Linh là những cái tên cũ, Xuân Nam, Tuấn Tài là những cái tên mới (dưới thời HLV Park), còn Anh Đức là nhân tố vừa cũ, vừa mới.

Anh Đức (số 11) trong màu áo tuyển Việt Nam.

Anh Đức (số 11) trong màu áo tuyển Việt Nam.

Anh Đức từng là tiền đạo số 1 của HLV Park Hang Seo, góp công lớn ở ASIAD và AFF Cup 2018. Sau chức vô địch ở sân chơi khu vực, Anh Đức xin nghỉ với lý do nhường đất diễn cho các tiền đạo trẻ. Tuy nhiên, khi những chân sút hậu bối hầu như không thể hiện được gì, Anh Đức đã được HLV Park Hang Seo gọi trở lại đội tuyển.

Sự hiện diện của Anh Đức ở tuyển Việt Nam không phải bước tiến. Cựu tiền đạo Bình Dương còn nguyên khát khao thi đấu (thể hiện bằng hợp đồng với HAGL), giàu kinh nghiệm và hữu dụng trong nhiều trường hợp, nhưng phải gọi lão tướng mới đá 1 trận trong năm nay trở lại tuyển, HLV Park Hang Seo có quá ít sự lựa chọn.

Sự xuất hiện của Anh Đức và phong độ ghi bàn kém cỏi của các tiền đạo Việt Nam ở V-League năm nay có mối liên hệ mật thiết. Ở tuổi đỉnh cao sự nghiệp, Công Phượng, Văn Toàn, Tiến Linh vẫn chưa thể "tự lực cánh sinh". Cả ba cần Anh Đức hỗ trợ, chỉ bảo trên tuyển.

Ngoài Công Phượng đang chơi khá ổn, có hiệu suất ghi bàn, kiến tạo tốt ở CLB TP.HCM, Văn Toàn hay Tiến Linh đều chưa để lại dấu ấn. Văn Toàn thi đấu tròn vai, nhưng không phải mẫu tiền đạo săn bàn nhạy bén trong vòng cấm. Tiến Linh có những trận hay song hiếm khi ghi bàn đều đặn.

Văn Toàn (áo trắng) thiếu nhạy bén trong vòng cấm.

Với kinh nghiệm thi đấu quốc tế phong phú, Văn Toàn hay Tiến Linh không còn được gọi là "trẻ" nữa, dù vậy, tốc độ trưởng thành của cả hai vẫn khiến ông Park đau đầu.

Hai cầu thủ thuộc nhóm nhân tố mới như Xuân Nam, Tuấn Tài cũng chưa hẳn xuất sắc. Xuân Nam sau khởi đầu ấn tượng ở AFC Cup và V-League bắt đầu khựng lại. Từ sau đợi nghỉ dịch COVID-19, "gà son" của CLB TP.HCM không còn ghi thêm bàn thắng nào.

Điểm mạnh của Xuân Nam là khả năng chạy chỗ, quấy phá đối thủ và dứt điểm sắc bén. Sự khó lường trong lối đá giúp tiền đạo sinh năm 1994 hợp với vai trò siêu dự bị, nhưng cũng giống Tiến Linh hay Văn Toàn, Xuân Nam thiếu sự ổn định cần thiết. HLV Park Hang Seo đang cần một tiền đạo săn bàn thực thụ, chứ không kiếm tìm nhân tố đột biến.

Tương tự, Tuấn Tài là trung phong điển hình hiếm hoi mà bóng đá Việt Nam đang có, nhưng hiệu suất làm bàn của cầu thủ này còn... kém hơn Xuân Nam hay Văn Toàn.

Tuấn Tài (trái) chưa lấy lại phong độ.

Từ đầu mùa, không phải Tuấn Tài, mà Văn Đức mới là cái tên nguy hiểm nhất của SLNA. Tuấn Tài có tốc độ, khả năng rê dắt, càn lướt, nhưng phối hợp không tốt với các đồng đội xung quanh. Đây lại là điều ông Park "kỵ" nhất.

Từng sang Na Uy để đánh giá khả năng của Alexander Đặng, HLV Park Hang Seo đã dùng mọi tài nguyên. Song chiến lược gia Hàn Quốc khó tìm được chân sút vừa ý ông: có tốc độ, thể lực, sức mạnh, săn bàn tốt và phối hợp hay. Mỗi cầu thủ chỉ có một vài điểm mạnh, thiếu sự toàn diện của một trung phong đích thực.

Khi ấy, HLV Park phải tự hài lòng với những cái tên mà ông có, dù việc nhân sự hàng tiền đạo rõ ràng là một bước lùi.

Hồng Nam

Nguồn VTC: https://vtc.vn/anh-duc-tro-lai-tuyen-viet-nam-de-kem-cap-lua-van-toan-cong-phuong-ar563376.html