Anh đào muôn thuở

Ở Nhật, anh đào mọc tự nhiên bên hồ, trên núi đã đành, nó được trồng mọi nơi, không chỉ trong khung cảnh đời mà rất nhiều ở khung cảnh chùa. Thế cho nên Basho mới viết: Chuông chiều tắt dần/Hương hoa đào ấy/Vẫn còn rung ngân. Và ông hay ai đó viết: Một đám mây hoa/Chuông chùa Ueno vọng/Hay chùa Asakusa?

Con đường hoa anh đào sau tượng Phật Ushiku Daibutsu, tỉnh Ibaraki

Con đường hoa anh đào sau tượng Phật Ushiku Daibutsu, tỉnh Ibaraki

Như kỳ trước đã viết, thi hào Basho đến với hoa anh đào như đến với người con gái, đến với người yêu dấu: Năm dặm mỗi ngày/Ta đi tìm em đấy/Hoa đào yêu dấu ơi! Hoa anh đào đã được nhân cách hóa. Không dừng lại ở đó, người Nhật còn Phật hóa hoa anh đào. Người ta không đến với hoa anh đào bằng một thân tâm phàm tục. Thơ Issa: Nước nóng tắm xong rồi/ Vừa xong lạy Phật/Hoa đào ta ơi. Cũng chính Issa viết: Quan Âm Phật Bà/Nơi nào có mặt/Anh đào ra hoa.

Basho tiến một bước hơn so với Issa. Với ông loài hoa ấy chính là Phật đấy. Ông tụng, ông niệm hoa anh đào: Trước cành hoa đào/Rộ đời hương sắc/Nam Mô hoa đào. Và: Nam Mô hoa đào Phật/Nam Mô hoa đào Pháp/Nam Mô hoa đào Tăng/Nam Mô hoa đào Kinh.

Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng ở chùa Asakusa

Ở Nhật, anh đào mọc tự nhiên bên hồ, trên núi đã đành, nó được trồng mọi nơi, không chỉ trong khung cảnh đời mà rất nhiều ở khung cảnh chùa. Thế cho nên Basho mới viết: Chuông chiều tắt dần/Hương hoa đào ấy/Vẫn còn rung ngân. Và ông hay ai đó viết: Một đám mây hoa/Chuông chùa Ueno vọng/Hay chùa Asakusa?

Chùa Ueno ở đâu? Hình như cũng chính Tokyo? Còn Asakusa (tên chính thức là Sho - Kannon) chính là ngôi chùa lớn và linh thiêng nhất thủ đô Nhật Bản. Và cũng cổ xưa nhất, có từ năm 645. Bước chân theo tua du lịch cũng đã đưa tôi đến đó. Tháng 4, các lối đi trong chùa đầy những cây anh đào lớn nở hoa trắng xóa, đúng là những đám mây hoa. Những mái chùa cổ kính nhô cao cái thấp thoáng sau, cái vượt vút lên trên những tán anh đào như sóng xô màu trắng. Cảnh tượng đúng là tiên Phật. Vậy nên ở đây mới đông người như thế. Không chỉ là du khách đủ quốc tịch, màu da và đương nhiên là nhiều người Nhật. Họ có thể đến để lễ chùa. Cũng có thể chỉ đến để dạo bước dưới những tán anh đào, tìm một chút thư giãn giữa nhịp sống cuồng căng, hay phổ biến nhất là chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm. Nhiều thiếu nữ Nhật diện kimono sặc sỡ tạo dáng dưới anh đào trong chùa và không ai thấy có điều gì áy náy. Theo họ, nhiều cô gái Trung Quốc, và có cả Việt Nam cũng đến đây thuê kimono để có những tấm ảnh để đời.

Tượng Phật Ushiku Daibutsu ở tỉnh Ibaraki

Ở chùa Asakusa hôm ấy, tôi đi theo để chụp một vài nhóm thiếu nữ Nhật. Họ không có vẻ gì là khó chịu, ngược lại còn sẵn sàng đứng vào tạo dáng ở những gốc anh đào tôi muốn. Họ còn đưa điện thoại của mình để tôi chụp ảnh hộ. Người đẹp dưới hoa. Nhìn những gương mặt tươi hồng xinh đẹp của họ dưới tán anh đào trắng phớt hồng, nhất thiết phải nhớ đến câu thơ của Thôi Hiệu đời Đường: Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng (Mặt người và hoa đào cùng một ánh hồng). Tôi không cưỡng lại nổi ý định muốn thêm một câu nữa vào bài thơ tụng niệm hoa anh đào của Basho: Nam mô anh đào Đời!

Bầu trời, cảnh Phật rực rỡ anh đào khác trong chuyến đi của tôi là tượng Phật Ushiku Daibutsu - nếu tính trong các tượng chất liệu đồng thì tượng này cao nhất thế giới, 120 mét - nằm ở Ishiku, tỉnh Ibaraki. Trước tượng, chếch một bên là những cây anh đào nở hoa trắng đứng bên hồ nổi bật lên trên nền những thảm hoa màu hồng đỏ. Sau tượng, cũng chếch một bên là con đường anh đào, cây hai bên giao tán, giao cành, hoa hình như đã đến độ mãn khai. Hiếm có du khách nào nhìn thấy con đường đó cưỡng lại được ý muốn thả bộ trên đường hoa ghi lại vài kiểu ảnh. Cũng say mê như thế là chụp tượng Đức Phật qua những tán hoa. Quả thực là Nam mô anh đào Phật!

Sự có mặt ở mọi nơi của anh đào khiến nhiều người nhầm về quốc hoa của Nhật Bản. Không phải anh đào, hoa cúc được các quân vương xưa chọn vì nó là biểu tượng cho sự trường tồn, vĩnh cửu và sự đầy đặn. Nhưng dù sao cả trong cuộc sống thường nhật lẫn trong văn học nghệ thuật và đời sống tâm linh, anh đào mới thực sự là trái tim, là hồn cốt của người Nhật Bản. Người Nhật có câu: Nếu là hoa, hãy là hoa anh đào/Nếu là người, hãy là samurai. Những samurai Nhật Bản, những chiến binh thiện chiến sẵn sàng chết trước đao kiếm của kẻ địch hoặc của chính mình lại lấy biểu tượng là thanh kiếm và hoa anh đào. Vì sao trái tim người Nhật lại chọn anh đào, thứ hoa nở rộ rất nhanh rồi rơi rụng cũng rất nhanh, mong manh như hơi thoảng mùa xuân, yếu đuối trước gió mưa ấy?

Tôi đã đọc nhiều câu trả lời.

Cũng có thể đó là thứ hoa của cả đời người, mỗi năm đúng hẹn xuân lại trở về, mang lại niềm vui, niềm hi vọng (như câu hát náo nức Mùa xuân sang có hoa anh đào) nhưng cũng nhắc nhớ nhiều kỷ niệm xưa cũ. Trong tiếng Nhật có khái niệm “bạn cùng mùa anh đào” cũng như trong tiếng Việt có thể nói về bạn thời áo trắng, bạn thời hoa phượng để chỉ những người bạn học. Và không biết tự bao giờ, anh đào gắn với kỷ niệm gia đình, bè bạn, gợi nhớ những giây phút tuyệt vời cùng nhau ngắm hoa. Và bên gốc anh đào, dưới tán của nó là nơi hò hẹn của lứa đôi... Tóm lại là thứ hoa luôn gợi những kỷ niệm. Thế nên Basho mới có bài thơ cực ngắn: Nhiều/Chuyện nhớ lại/Hoa anh đào! mà một ai đó dịch thoát thể thành câu thơ Việt hay như sau: Khơi bao niềm nhớ vô vàn/Cánh hoa đào ấy chẳng tàn trong tôi! Hay một cách dịch nữa: Bao nhiêu thế sự cùng năm tháng/Vẫn nhớ đào hoa một dạo nào! Basho viết bài này khi trở lại thành Ueno. Đó là nơi hơn hai mươi năm trước ông là một samurai phục vụ dưới trướng lãnh chúa Todo Yoshitada trước khi rời bỏ thanh gươm để trở thành một thiền giả - thi sĩ. Hơn 20 năm trở lại, chỉ có anh đào là biểu hiện được những bồi hồi dạt dào kỷ niệm trong ông. Rồi những người đi xa làng quê, khi tuổi đã xế chiều, sẽ nhớ những cây đào đã già từ khi họ còn nhỏ, như nỗi nhớ của nhà thơ Fujimori Sobaku (1758-1821): Làng cũ của tôi/Những cây đào già nua nở hoa/Vào mỗi năm. Đó là thư tịch cổ, còn đây là một lời ca hiện đại: Lòng bâng khuâng nhớ ai năm nào. Hẹn hò nhau dưới hoa anh đào. Mình nói chuyện ngày sau.

Cũng có ý kiến cho rằng người Nhật thích loài hoa này đến thế vì nó nở hầu như cùng một lúc và tàn rụng cùng một lúc, cứ như thể hẹn cùng nhau. Nó thể hiện sự hòa hợp, đoàn kết, điều làm nên sức mạnh của nước Nhật. Nhà nghiên cứu quốc học nổi tiếng Motori Norinaga viết: “Nếu người ta muốn biết tinh thần Nhật Bản Đại Hòa hồn, hãy ngắm hoa anh đào ngát hương trên đỉnh núi sớm mai”.

Riêng tôi, tôi thích những tổng hợp và phân tích của một tác giả tên là Hoàng Long trong bài Hoa anh đào bay trong gió… đăng trên Tạp chí Sông Hương số tháng 8/2017 bởi nó vượt trên những giải thích thế tục mà đạt đến tầng của mỹ học của một dân tộc. Hoàng Long dẫn rằng Suzuki Setsuko - tác giả của cuốn “Linh hồn Nhật Bản” đã viết: “Giá trị quan truyền thống của Nhật Bản là giản đơn và thanh khiết được phản ánh trong hình dáng và màu sắc hoa anh đào. Thời kỳ khai hoa của hoa anh đào rất ngắn, và lập tức tàn phai nên đã tượng trưng cho vẻ đẹp ngắn ngủi phù du, được xem như là trung tâm của mỹ học Nhật Bản”.

Xin trích tiếp một số đoạn trong bài “Hoa anh đào bay trong gió…”: “Tác giả Akishina Omori trong quyển Bí ẩn người Nhật Bản đã dành nguyên một chương 15 để giải đáp câu hỏi “Tại sao người Nhật lại đi ngắm hoa anh đào (hanami) vào mùa xuân?”. Ông đã phân tích rằng, thường người Nhật thích hoa anh đào lúc hoa nở và hoa rụng. Cái cảm giác luyến tiếc khi hoa rụng rơi thể hiện triết lý và mỹ học về sự sống và cái chết của người Nhật Bản”. “Người Nhật chịu ảnh hưởng bi cảm u hoài của văn hóa truyền thống với cảm giác vô thường của Phật giáo nên rất coi trọng vẻ đẹp mong manh phù du”. “Trong thế gian này chẳng có gì là mãi mãi. Tất cả đều vô thường và phù du, ngắn ngủi. Bởi vậy người Nhật yêu hoa anh đào vì sự rụng rơi đúng lúc đẹp nhất của hoa như một biểu tượng mỹ học về cái chết”; “Đối với người Nhật, cái chết là một thách thức mỹ lệ, là vẻ đẹp tuyệt đối”.

Giờ thì ta đã hiểu vì sao đạo diễn phim “47 lãng nhân” lại để cho gần 50 kiếm sĩ của mình thọc lưỡi dao vào bụng ngay dưới rợp bóng anh đào nở và ngợp trời cánh anh đào rơi.

Mỹ học về cái chết của người Nhật đề cập ở đây có từ lâu vì từ thế kỷ 12, nước Nhật đã có một nhà sư thi sĩ tên là Fujimi Saigyo (1118 -1190), người sáng tác rất nhiều thơ về những cây anh đào trên núi Yoshino đến mức người ta nghĩ ông là nhà thơ cuồng anh đào, đã viết những câu thơ như sau: Tôi xin được chết/Dưới tán anh đào/Ngày trăng tròn vạnh/Một mùa xuân nao.
Thấy bảo thật lạ kỳ, ước nguyện đó của ông đã thành hiện thực.

Giờ đã giữa tháng 4, hơi ấm từ miền nam nước Nhật, từ đảo Okinawa đã vượt qua cố đô Kyoto, rồi Tokyo và đang tiến dần lên các tỉnh phía bắc nước Nhật, tới tỉnh Yamagata quê hương của nàng Oshin, vượt xa hơn nữa đến đảo Hokkaido xứ tuyết. Hơi ấm mùa xuân đi tới đâu, hoa anh đào trổ ra rực rỡ rồi cũng nhanh chóng tàn rụng tới đó. Như lời chào mùa xuân. Như lời tạm biệt mùa xuân. Với những người đa cảm, nghe như có nước mắt, giống như trong “Thiên sứ bóng đêm”, có lẽ cũng là thiên truyện của tuổi teen Nhật Bản, viết: “Hoa anh đào đang rụng. Mùa hoa năm nay đã sắp hết. Hoa rơi, tựa như giọt nước mắt của ai đó. Nữ hoàng hay nói với Kaori, hoa anh đào rơi là lúc nữ thần mùa xuân khóc. Bao nhiêu giọt nước mắt rơi là bấy nhiêu cánh hoa rụng”.

Mùa xuân đang qua đi, hẹn gặp lại anh đào.

Tôi xin được chết
Dưới tán anh đào
Ngày trăng tròn vạnh
Một mùa xuân nao.

Fujimi Saigyo – Thi sĩ Nhật thế kỷ 12

Lê Xuân Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/anh-dao-muon-thuo-1402408.tpo