Anh công nhân làm gạch 'liều' khởi nghiệp, thu 3 tỷ đồng mỗi năm từ củ nghệ

Từ một người làm thuê các công việc chân tay nhưng thu nhập không đủ sống, anh Đông đã tạo dựng nên cơ sở chế biến các sản phẩm từ củ nghệ, cho thu nhập mỗi năm lên tới 3 tỷ đồng.

Sở hữu hơn 1ha diện tích đất trồng nghệ và hơn 1.000m2 được xây dựng, lắp đặt hệ thống nhà xưởng chế biến nghệ theo công nghệ hiện đại, thu nhập bình quân mỗi năm lên tới 3 tỷ đồng nhưng ít ai biết, anh Hoàng Quang Đông, giám đốc một công ty tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên) từng trải qua rất nhiều vất vả, khó khăn mới có thể trụ vững và gắn bó với nghề chế biến các sản phẩm từ củ nghệ.

Anh Hoàng Quang Đông - người nỗ lực vươn lên làm giàu từ củ nghệ quê hương

Sinh năm 1980 ở xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Đông đi làm rất nhiều nghề lao động chân tay để kiếm sống. Từ đi làm gạch, lái máy xúc, lái xe tải rồi đến buôn bán các mặt hàng nông sản, anh đều đã trải qua. Tuy nhiên, sau một thời quan dài lăn lộn, thấy công việc vất vả, thu nhập bấp bênh, không đủ đảm bảo cuộc sống, anh trở về quê và loay hoay tìm cách chuyển hướng để cải thiện cuộc sống.

Anh Đông (áo kẻ caro xanh) trên cánh đồng nghệ Chí Tân

Nhận thấy vùng quê Chí Tân có vùng nguyên liệu nghệ khá dồi dào, nghệ lại đỏ, thơm đặc trưng nhưng bà con lại chủ yếu xuất bán nghệ tươi với giá thấp, anh nảy ra ý định chế biến các sản phẩm nghệ khô thái lát, bột nghệ với hy vọng bán được nghệ với giá cao hơn. Tuy nhiên, thời điểm đó, người thân trong gia đình và bạn bè đều không ủng hộ anh. Nguyên do vì nghệ địa phương hàng năm cho thu hoạch sản lượng nhiều, lại khó khăn trong tiêu thụ nên bà con chủ yếu bán lẻ tại các chợ, giá bán bấp bênh. Tuy nhiên, tin tưởng vào lựa chọn của mình, anh vẫn đi thuê khoảng 2 mẫu đất trồng loại cây này để tự chủ động nguyên liệu. Đồng thời, anh vay mượn và đầu tư máy móc, xây dựng khu nhà xưởng chế biến nghệ khô thái lát và bột nghệ.

Sau cả quãng thời gian vất vả mới có thể nắm được kỹ thuật chế biến, anh lại tiếp tục phải đối mặt với thử thách tìm kiếm đầu mối tiêu thụ cho sản phẩm của cơ sở do thị trường mới, hàng khó tiêu thụ.

Anh Đông xuống đồng nghệ nguyên liệu vào mùa thu hoạch

Sau một chuyến công tác Ấn Độ, nhận thấy thị trường tiêu thụ mặt hàng tinh bột nghệ khá tiềm năng, trong khi vùng nguyên liệu tại quê nhà Chí Tân lại dồi dào, chất lượng nghệ được đánh giá cao, hàm lượng curcumin cũng được đánh giá là trội hơn hẳn so với nghệ ở nhiều vùng miền khác. Do đó, sau khi trở về, anh đã lên kế hoạch sản xuất dòng sản phẩm này theo hướng công nghệ.

Những củ nghệ đỏ Chí Tân đã mang lại cho anh Đông khoản thu nhập khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm

Ngoài đầu tư hệ thống nhà xưởng, hệ thống lồng rửa nghệ, nước rửa đảm bảo, anh còn sử dụng máy li tâm để chiết xuất tinh bột nghệ, tách chiết trực tiếp tinh bột nghệ ra khỏi bã và tinh dầu nghệ. Sau nhiều lần vận hành thử, chấp nhận bỏ một số lượng lớn sản phẩm chưa đạt yêu cầu, anh mới có thể thu được loại tinh bột nghệ như mong muốn, đạt chuẩn cả về hình thức và chất lượng, bột mịn, vàng, thơm đặc trưng. Kể từ đó, anh bắt đầu sản xuất mặt hàng này với quy mô lớn.

Ở Chí Tân có vùng nguyên liệu nghệ khá dồi dào, nghệ lại đỏ, thơm đặc trưng.

Trung bình hàng năm, cơ sở của anh chế biến khoảng 400-500 tấn n, gikhô, bột nghệ… Hiện các sản phẩm của cơ sở đã được xuất đi thị trường Ukraina, Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông..., mang lại doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm.

Vũ Đậu

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/anh-cong-nhan-lam-gach-lieu-khoi-nghiep-thu-3-ty-dong-moi-nam-tu-cu-nghe-a209833.html