Anh công bố yếu tố Nga tác động khi... bỏ phiếu Brexit

Trong báo cáo dài 50 trang được Ủy ban An ninh và Tình báo thuộc Hạ viện Anh công bố hôm 21/7, đã cáo buộc Nga can thiệp vào chính trị Anh.

Nội dung báo cáo đề cập chính đến các hoạt động can thiệp của Nga về tấn công mạng, chiến dịch truyền thông sai sự thật, gây ảnh hưởng thông qua các tỉ phú người gốc Nga sinh sống, hoặc có dự án đầu tư tại Anh.

Những điểm nhấn nổi bật nhất là cáo buộc Nga can thiệp trưng cầu dân ý Brexit năm 2016 và bầu cử 2017 tại Anh.

Người dân Anh ủng hộ Brexit.

Người dân Anh ủng hộ Brexit.

Ngoài ra, tài liệu cũng đi sâu phân tích những hạn chế, yếu kém của Anh trong việc ngăn chặn các bước thâm nhập ảnh hưởng của Moskva, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan an ninh, tình báo.

Được biết, báo cáo đã được xây dựng từ cuối năm 2019, nhưng bị trì hoãn công bố sau khi Thủ tướng Boris Johnson nói rằng không có bằng chứng về việc Nga can thiệp vào tiến trình dân chủ tại Anh.

Không rõ Anh có bằng chứng hay chưa nhưng bản báo cáo này vẫn được công bố hôm 21/7 với cáo buộc Nga có liên quan đến Brexit và tình hình trong liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc mâu thuẫn giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU) và việc nước này rời khỏi EU gần như không liên quan đến Nga.

Bởi ngay đầu thập niên 1980, chính phủ của Thủ tướng Anh tại thời điểm đó là Margaret Thatcher đã có những tranh cãi với EU về việc đóng góp cho ngân sách của khối này.

Đến những năm 1990, mâu thuẫn giữa Anh và EU tiếp tục nảy sinh, Anh quyết định rút khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái (ERM) của châu Âu năm 1992 và sau đó là không tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu năm 1997.

Mâu thuẫn giữa Anh và EU bị đẩy lên đỉnh điểm vào ngày 29/3/1996 khi Ủy ban châu Âu công bố lệnh cấm xuất khẩu toàn cầu đối với thịt bò của Anh do những lo ngại liên quan đến bệnh bò điên.

Các chính trị gia và cả những người nông dân Anh đều cảm thấy độc lập chủ quyền quốc gia bị tổn thương nặng nề khi họ không còn được tự quyết định, mà Brussels mới có quyền cho phép Anh được bán sản phẩm của mình ở đâu trên thế giới.

Lần đầu tiên sau hơn 20 năm gia nhập EU, các chính trị gia Anh và EU đã có những suy nghĩ nghiêm túc về tư cách thành viên của Anh trong EU.

20 năm sau, câu hỏi về tư cách thành viên của Anh trong EU được chính thức đưa ra tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016. Gần 52% cử tri Anh đã lựa chọn ra đi và nước Anh bước vào một giai đoạn đầy khó khăn và bất ổn.

Các cuộc đàm phán căng thẳng giữa Anh và EU, những cuộc tranh cãi trong nội bộ nước Anh về việc ra khỏi EU như thế nào đã diễn ra triền miên trong suốt hơn 3 năm qua.

Hai cuộc tổng tuyển cử sớm được tổ chức tại Anh mới có thể đưa đến được việc hạ viện nước này, sau những rạn nứt và chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ, thông qua Luật Brexit nhằm cho phép nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/1/2020.

Nước Anh, và cả EU, đã đi một chặng đường dài chông gai để tới được hồi kết của câu chuyện Brexit.

Thanh Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/anh-cong-bo-yeu-to-nga-tac-dong-khi-bo-phieu-brexit-3414896/