Anh công bố kế hoạch tài chính mới: Kỳ vọng phục hồi kinh tế

Chính phủ Anh vừa công bố một kế hoạch tài chính sâu rộng trị giá 55 tỷ bảng Anh (xấp xỉ 65 tỷ USD) nhằm phục hồi kinh tế, giảm nhẹ gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân cũng như khôi phục danh tiếng thị trường tài chính hàng đầu thế giới của xứ sở Sương mù bất chấp quốc gia này đang chìm trong suy thoái.

Lạm phát tại Anh đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Kế hoạch tài chính trung hạn (hay còn gọi là “Tuyên bố mùa thu”) được Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cho hay là các biện pháp thắt chặt chi tiêu công như “giảm hơn một nửa” tiền vay mượn so với dự báo của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR) và công bố 2 quy tắc tài chính mới: Nợ tiềm ẩn phải giảm theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vòng 5 năm và vay của khu vực công phải dưới 3% GDP.

Đồng thời, Bộ trưởng Hunt xác nhận, tổng số tiền thắt chặt tài khóa sẽ vào khoảng 55 tỷ bảng Anh, được chia gần như bằng nhau giữa tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công. Một loạt biện pháp tăng thuế sẽ được áp dụng, gồm đóng băng một số khoản giảm thuế để tăng thu ngân sách. Ngưỡng đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức 45% sẽ được áp dụng từ mức 125.140 bảng/năm, thay vì 150.000 bảng như trước kia; xe điện cũng sẽ không còn được áp dụng miễn thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2025. Các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hỗ trợ vào năm tới để giúp người dân đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát tăng cao...

Đây sẽ là kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” lớn nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây của Anh. Chương trình này cho thấy những thách thức mà Anh cũng như các nền kinh tế lớn phương Tây đang đối mặt, sau khi mạnh tay bơm tiền để kích thích kinh tế trong giai đoạn cao điểm đại dịch Covid-19 cũng như để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây.

Các biện pháp mới công bố cũng đánh dấu động thái xoay chiều chính sách kinh tế lớn lần thứ hai của Anh chỉ trong vài tháng, sau khi cựu Thủ tướng Liz Truss gây chấn động thị trường tài chính với kế hoạch giảm thuế và thúc đẩy cho vay để kích thích tăng trưởng kinh tế. Người kế nhiệm của bà Truss, ông Rishi Sunak, giờ đây đang xoay chuyển chính sách kinh tế theo hướng hoàn toàn ngược lại. Theo tờ Wall Street Journal, động thái này được đánh giá là nhằm cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư rằng nước Anh đang nghiêm túc trong việc kiểm soát nợ công - hạng mục đang tăng nhanh.

Thực tế, ngay cả trước khi chính sách kinh tế của cựu Thủ tướng Liz Truss khiến nền kinh tế Anh chao đảo, quốc gia này đã phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn tài chính nghiêm trọng với tỷ lệ lạm phát chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Lạm phát tháng 10 của nước này đã tăng đáng kể so với mức 10,1% của tháng 9 và là mức cao nhất kể từ tháng 10-1981. Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang khiến hàng triệu người phải đối mặt với nghèo đói.

Cùng với xác nhận đất nước đã bước vào thời kỳ suy thoái và GDP sẽ giảm 1,4% vào năm 2023, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh hôm 17-11 ước tính, thu nhập khả dụng thực tế của hộ gia đình dự kiến sẽ giảm 4,3% trong năm 2022-2023. Chủ tịch OBR, Richard Hughes cho biết, mức giảm này sẽ xóa sổ sự cải thiện mức sống tại Anh trong 8 năm qua, với thu nhập của người dân vào cuối năm 2027-2028 sẽ vẫn thấp hơn 1% so với mức trước đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp cũng dự đoán sẽ tăng từ 3,5% lên mức cao nhất là 4,9% trong quý III-2024...

Chiến lược kinh tế mới của nước Anh kỳ vọng tạo tiếng vang trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Rishi Sunak, khi ông cầm quyền một kỷ nguyên mới của chính sách “thắt lưng buộc bụng” về tài chính và sự ủng hộ của Đảng Bảo thủ đang giảm dần. Thách thức lớn của tân Thủ tướng Anh là khôi phục niềm tin của thị trường mà không gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đang rơi vào suy thoái của nước này.

Theo HNM

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/quoc-te/201509/anh-cong-bo-ke-hoach-tai-chinh-moi-ky-vong-phuc-hoi-kinh-te