Anh có thể bỏ lỡ một thập kỷ tăng trưởng

Nước Anh đang đứng trước nguy cơ đánh mất cơ hội tăng trưởng trong một thập kỷ tới nếu chính phủ không có những động thái điều chỉnh kịp thời.

 Nền kinh tế Anh đang đứng trước nguy cơ suy thoái trong tương lai. Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế Anh đang đứng trước nguy cơ suy thoái trong tương lai. Ảnh: Reuters.

Theo Bloomberg, Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) cảnh báo nền kinh tế quốc gia đang đứng trước nguy cơ bỏ lỡ một thập kỷ tăng trưởng nếu chính phủ không có động thái giảm thuế đầu tư, giải quyết vấn đề Nghị định thư Bắc Ireland và giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Khó khăn bao trùm nền kinh tế

Trong báo cáo mới nhất của mình, CBI cho biết Anh đã rơi vào một cuộc suy thoái "nhẹ và ngắn". Cơ quan này nhận định vào năm 2024, tỷ lệ đầu tư kinh doanh tại Anh sẽ thấp hơn 9% so với năm 2019, năng suất thấp hơn 2% so với thời điểm trước đại dịch.

Đầu tư kinh doanh vẫn thấp hơn gần 9% so với mức trước đại dịch. Ảnh: Bloomberg.

Theo ông Tony Danker, Tổng giám đốc CBI, nước Anh hiện không còn đi theo các định hướng do Thủ tướng Rishi Sunak chủ trương vào tháng 2. Chính phủ đã loại bỏ các khuyến khích đầu tư, đổi mới và dừng lại mọi chương trình nghị sự về tăng trưởng.

“Nước Anh đang trong tình trạng lạm phát đình trệ. Các công ty nhìn thấy cơ hội tăng trưởng tiềm năng nhưng thiếu 'lý do để tin tưởng'. Việc này sẽ khiến họ tạm dừng đầu tư vào năm 2023. Chúng ta sẽ đánh mất một thập kỷ tăng trưởng nếu chính phủ không hành động kịp thời”, ông Danker nhận định.

Các chuyên gia dự báo nền kinh tế Anh sẽ giảm 0,4% trong năm tới do khủng hoảng chi phí sinh hoạt cản trở chi tiêu hộ gia đình và lãi suất tăng lên 4%. Bên cạnh đó, báo cáo kỳ vọng GDP của quốc gia sẽ phục hồi vào năm 2024 với mức tăng trưởng 1,6%.

Theo CBI, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh sẽ tăng từ 3,6% lên 5% vào năm tới. Trong khi đó, mức lạm phát 11,1% ở thời điểm hiện tại sẽ làm giảm thu nhập hộ gia đình trong suốt năm 2023.

Tìm đường gỡ "nút thắt"

Tổng giám đốc CBI cho biết chính phủ có thể khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng thông qua giảm thuế đối với đầu tư. Vào tháng 4, khoản thuế siêu khấu trừ của doanh nghiệp hết hạn và thuế suất đã tăng 6 điểm phần trăm, lên mức 25%.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cần đưa ra những chính sách kịp thời để cứu vãn nền kinh tế. Ảnh: Pool Photo.

CBI cho biết việc giảm thuế sẽ mở ra thêm 50 tỷ bảng Anh, khoảng 61 tỷ USD, tiền vốn đầu tư mỗi năm trong cuối thập kỷ này. Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng bền vững của Anh sẽ có thêm 1/4 điểm phần trăm. Đầu tư kinh doanh tại Anh hiện thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu và Mỹ. Nếu chính phủ không giảm thuế, tình hình sẽ còn tệ hơn.

Theo ông Danker, nước Anh không còn nhiều thời gian. Khoản chi phí 55 tỷ bảng Anh, tương đương 67 tỷ USD, để giải quyết các vấn đề tài chính công vào tháng trước là quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, bên cạnh việc ủng hộ các kế hoạch giúp đảm bảo ổn định nền kinh tế, ông Danker cũng cảnh báo rằng “nước Anh đang không có kế hoạch tăng trưởng”.

Hiện quốc gia này cần một chính sách có thể thúc đẩy năng suất và tăng nguồn cung lao động. Anh là nền kinh tế lớn duy nhất có ít người đi làm hơn so với thời điểm trước đại dịch.

“Nước Anh có tỷ lệ người mắc bệnh dài hạn cao hơn các nước khác. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia đang chịu sức ép lớn. Chúng tôi đã nói chuyện với chính phủ về việc cung cấp các ưu đãi về sức khỏe nghề nghiệp để khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc”, ông Danker chia sẻ.

Ngoài ra, Tổng giám đốc CBI cho rằng chính phủ cần sửa đổi Nghị định thư Bắc Ireland và các thỏa thuận hậu Brexit, cùng với đó là điều chỉnh thương mại ở biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Các quyết sách trên sẽ khiến mối quan hệ giữa Anh và EU trở nên ôn hòa hơn. Từ đó, nền kinh tế quốc gia sẽ được thúc đẩy tăng trưởng.

Theo ông Danker, nước Anh còn đang bỏ phí khoảng trống trong việc thúc đẩy phát triển xanh. Đây chính là một bước thụt lùi kể từ khi ông Vladimir Johnson lên làm thủ tướng.

Thanh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/anh-co-the-bo-lo-mot-thap-ky-tang-truong-post1381967.html