Anh chịu thiệt hại nặng nề khi Scotland quyết theo đuổi nền độc lập?

Nếu Scotland tiến hành trưng cầu dân ý về việc độc lập khỏi Vương quốc Anh, chính quyền London rất khó ngăn cản và dự báo họ sẽ phải chịu nhiều hậu quả nặng nề.

Sau khi cuộc bầu cử quốc hội Scotland kết thúc với việc Đảng Quốc gia Scotland (SNP) theo chủ trương ly khai thắng lợi, họ có thể lập tức tạo ra một liên minh chiếm đa số nhằm thực hiện những bước đi phục vụ mục đích của riêng mình.

Sau khi cuộc bầu cử quốc hội Scotland kết thúc với việc Đảng Quốc gia Scotland (SNP) theo chủ trương ly khai thắng lợi, họ có thể lập tức tạo ra một liên minh chiếm đa số nhằm thực hiện những bước đi phục vụ mục đích của riêng mình.

Trường hợp Scotland rõ ràng khác rất xa với Catalonia, khi đó EU không quan tâm đến sự xuất hiện của một nhà nước mới trên cựu Lục địa, châu Âu đứng về phía chính quyền Tây Ban Nha và không cung cấp hỗ trợ dù là nhỏ nhất cho xứ Catalan.

Tuy nhiên yêu sách độc lập của Scotland nếu được đưa ra thì rất có thể sẽ được chấp nhận, bắt nguồn đơn giản từ mối quan hệ của Anh với EU bắt đầu căng thẳng và đổ vỡ sau tiến trình Brexit.

Mới đây nhất là cuộc tranh cãi nảy lửa về quyền đánh bắt cá ở eo biển Manche, cụ thể là tại hòn đảo Jersey, dẫn tới việc Hải quân Pháp phải điều động tàu tuần tra. Brussels công khai tỏ thái độ tức giận London và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả.

Nhưng liệu chính quyền Scotland có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập, và quan trọng nhất là nếu chiến thắng thì họ có đủ sức để bảo vệ kết quả đạt được hay không?

Đầu tiên phải nói đến thực tế, ý tưởng về nền độc lập cho Scotland là xu hướng chủ đạo, tự nhiên nhất, được hấp thụ một cách tuyệt đối vào toàn bộ đường lối của giới chính trị và xã hội địa phương.

Hơn một nửa số cử tri Scotland ủng hộ độc lập, việc tách khỏi Anh đã được nói đến từ đầu những năm 1970 với khẩu hiệu "Đây là dầu của chúng ta", khi họ bắt đầu hoạt động khai thác dầu ở Biển Bắc.

Mọi thứ đều hướng tới sự độc lập, trước hết là việc giành lại quyền lực địa phương từ chính quyền London một cách vô cùng nhất quán.

Edinburgh đã có quốc hội riêng, thẩm quyền được xác định bởi hai đạo luật từ năm 1998 và 2016, sau đó cuộc trưng cầu dân ý về độc lập đầu tiên được tổ chức đã mở rộng đáng kể quyền hạn của Scotland.

Quan trọng nhất, người dân Scotland ngay cả khi không có câu hỏi về việc quay trở lại EU vẫn đề cao sự khác biệt. Theo các cuộc thăm dò, 56% cư dân coi họ là người Scotland, trong khi chỉ 12% đặt bản sắc chung của Anh lên trước.

Thực tế gần 1.000 năm hình thành đã dẫn tới một nhóm ngôn ngữ, dòng máu Celt, hệ phái tôn giáo và nhiều thứ khác… tất cả những điều này quá rõ ràng và chỉ hoạt động cho sự tách biệt.

Thủ lĩnh Đảng SNP Nicola Sturgeon thậm chí còn được vinh danh là người phụ nữ quyền lực nhất Vương quốc Anh trong cuộc thăm dò hồi năm 2018, bà ta có ảnh hưởng lớn hơn cả nữ hoàng.

Ngay sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, bà Sturgeon tuyên bố mục tiêu chính và duy nhất là một cuộc trưng cầu dân ý, và sự kiện này chắc chắn phải được tổ chức trong nhiệm kỳ cầm quyền.

Bất chấp Thủ tướng Boris Johnson phản đối, bà Sturgeon tuyên bố: "Tương lai của Scotland chỉ có thể được xác định bởi người dân Scotland, không chính trị gia Westminster nào nên, hoặc có thể ngăn cản điều này".

Gần như chắc chắn một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức và phe ly khai sẽ giành chiến thắng. Trong trường hợp đó sẽ không có thay đổi, công việc hàng ngày của tất cả mọi cơ quan chức năng vẫn tiếp tục, chỉ là trong trạng thái mới mà thôi.

Mọi thứ đã sẵn sàng, từ quốc hội đến các bộ và thậm chí cả một nhà lãnh đạo cực kỳ có năng lực. Đoàn tàu Scotland đang tiến theo đường ray đã hoàn thành, vậy London sẽ phải phản ứng ra sao?

Lựa chọn đầu tiên chính là không làm gì. Điều này không quá bất thường khi Scotland là khu vực được trợ cấp và mỗi tuần tiêu tốn của London tới 200 triệu bảng, trong khi GDP chưa tới 10% trong Vương quốc Anh.

Ngoài ra nhiều người Anh bản địa gần như không quan tâm đến viễn cảnh độc lập của Scotland: theo các cuộc thăm dò, 45% dân Anh không phản đối kịch bản trên, có nghĩa là chính quyền và người dân sẽ không phải gây áp lực với nhau.

Xét cho cùng, Scotland là nơi sinh sống của 5 triệu người “kém may mắn” và 60 triệu người Anh còn lại khó có thể bị sốc trước những “mất mát” như vậy.

Còn về mặt tâm lý, ai cần Scotland - một vùng đất ẩm ướt, lạnh lẽo với bầu trời xám xịt? Nhưng điều này không đơn giản và phản ứng dữ dội từ London có nhiều khả năng xảy ra hơn.

Nguyên nhân là bởi quân đội Anh sẽ mất đi căn cứ tại Clyde, nơi bố trí các tàu ngầm hạt nhân chiến lược, khả năng phòng thủ và răn đe của Vương quốc Anh sẽ giảm mạnh trong thời gian chưa xác định.

Hơn nữa lãnh thổ Anh sẽ bị nhỏ lại 1/3. Về dân số thiệt hại là không lớn, nhưng về lãnh thổ sẽ rất nặng nề khi Babah - vùng đất vốn không rộng lớn nhất của Anh sẽ bị thu hẹp gần một nửa chiều dài.

Quan trọng hơn, lần đầu tiên sau 300 năm, một đất nước ngoài Vương quốc Anh xuất hiện trên vùng đất từ lâu đã được người Anh coi là bất khả xâm phạm và an toàn đến nỗi mọi rắc rối chỉ có thể diễn ra ở bên kia eo biển Manche.

Chưa dừng lại đây, Vương quốc Anh sẽ mất gần như toàn bộ đội tàu đánh cá và sản lượng dầu khí ở Biển Bắc, đây rõ ràng là thiệt hại thực sự của nền kinh tế.

Thậm chí mọi thứ sẽ không giới hạn ở Scotland khi Bắc Ireland đã quyết định quay trở lại EU, và ở Xứ Wales hiện có tới 23% người ủng hộ độc lập, con số này đang gia tăng từng ngày.

Do vậy, gần như chắc chắn London sẽ buộc phải làm gì đó để ngăn chặn viễn cảnh sụp đổ của toàn bộ Vương quốc, nhưng họ phải làm cách nào?

Mọi thứ dựa trên thực tế là cuộc trưng cầu dân ý sẽ không được tổ chức bởi một số chính trị gia, mà bởi chính quyền địa phương thực sự, hợp pháp và được bầu chọn.

Chính quyền Anh có thể cấm, giải tán, thu hồi quyền hạn của họ? Nhưng sau đó làm thế nào để tổ chức các cuộc bầu cử mới nếu phe ly khai vẫn là lực lượng chiếm đa số?

Nếu xóa bỏ nghị viện Scotland thì đây là bước đi cực kỳ mạo hiểm, đi ngược lại hoàn toàn mọi truyền thống của văn hóa và nền dân chủ Anh.

Đó là chưa kể đến thực tế trong thế kỷ 21, nhà cầm quyền đã học rất tốt từ các "cuộc cách mạng màu" khi có thể chỉ cần nắm lấy cơ quan chính phủ mà không cần bất kỳ quốc hội nào, hoặc nhanh chóng tạo ra cơ quan mới của riêng mình.

Thực trạng trên đưa ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan : hoặc bằng biện pháp trừng phạt tuyệt đối của một thế kỷ trước, hoặc nó sẽ được giới hạn ở các biện pháp nửa vời, điều này sẽ dẫn tới hiện trạng tồi tệ hơn nữa.

Nhưng có một điều rõ ràng là sự ly khai của Scotland (nếu xảy ra) sẽ gây hậu quả cho Vương quốc Anh lớn đến mức những nỗ lực mới nhất của họ nhằm tham vọng trở thành trung tâm ảnh hưởng địa chính trị mới sẽ bị sụp đổ.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-anh-chiu-thiet-hai-nang-ne-khi-scotland-quyet-theo-duoi-nen-doc-lap-post466070.antd