Anh chàng ở TP.HCM may túi búp bê bán sang Mỹ, Australia

Ban đầu chỉ may túi siêu nhỏ cho búp bê vì sở thích, đến nay Lâm Đoàn có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ nghề này. Sản phẩm của anh được nhiều khách nước ngoài đặt mua.

Nguyễn Lê Lâm Đoàn (32 tuổi) từng là nhân viên văn phòng ở Vũng Tàu. Từ năm 2014, ngoài thời gian ở công sở, anh theo đuổi sở thích may túi "hàng hiệu" siêu nhỏ cho búp bê. Đến năm 2018, anh chính thức nghỉ việc để toàn tâm toàn ý làm nghề mình yêu thích.

Tháng 6 vừa qua, anh chuyển lên TP.HCM, thuê một căn nhà để thuận tiện làm việc.

Những sản phẩm của Đoàn có chiếc nhỏ như lòng bàn tay, có cái chỉ vài centimet, tất cả được anh chỉn chu từng mũi chỉ đến phụ kiện.

Lâm Đoàn từ bỏ nghề văn phòng để theo đuổi công việc may "túi hiệu" cho búp bê.

Lâm Đoàn từ bỏ nghề văn phòng để theo đuổi công việc may "túi hiệu" cho búp bê.

Vui với lựa chọn của mình, nhưng Đoàn cũng từng gặp khó khăn khi bị nhiều người chỉ trích vì bỏ việc có tương lai, đi theo thú vui không ổn định.

"Với mình, đây là đam mê từ khi còn rất nhỏ. Ban đầu mình chỉ xem việc may túi và phụ kiện búp bê là sở thích cá nhân, nhưng đến giờ công việc này đã đem đến cho mình nguồn thu nhập trung bình vài chục triệu mỗi tháng. Không chỉ dừng ở bán cho khách trong nước, nhiều khách hàng quốc tế từ Mỹ, Australia, Thái Lan cũng đánh giá tốt và nhắn tin đặt hàng", anh kể.

Được trở về tuổi thơ

Lâm Đoàn kể từ khi còn nhỏ đã có sở thích may vá. Anh thường dùng vải vụn cắt và may đồ cho búp bê.

"Mình hay bị mọi người trêu là con trai mà ham may vá. Nhưng lúc ấy còn nhỏ nên đâu biết nói lại, nên mình không làm nữa. Có thời gian mình theo học ngành thiết kế nhưng rồi lại đi làm văn phòng, không hề liên quan tới sở thích".

Trong môi trường công sở, Lâm Đoàn thấy gò bó và căng thẳng. Để giải tỏa stress, anh tìm về với sở thích ngày bé và thấy bản thân vui vẻ hơn. Được giới thiệu rồi tham gia nhóm trên mạng, anh quen biết rất nhiều bạn bè có cùng đam mê. Anh mua nhiều búp bê để sưu tầm, rồi tự may quần áo, phụ kiện cho chúng.

"Thời gian đầu, mình mày mò tự cắt khuôn rồi may túi theo những mẫu hàng hiệu. Chỉ nghĩ làm cho vui thôi nhưng không ngờ sản phẩm của mình được khen, có người ngỏ ý mua. Điều đó đã thôi thúc mình đi theo công việc này".

Những sản phẩm của Lâm Đoàn nhận đánh giá tốt.

Khi quyết định may túi búp bê toàn thời gian, anh cũng đối mặt nhiều áp lực bởi "đam mê gì cũng cần nuôi sống được mình". Là một trong những người đầu tiên chuyên may túi cho búp bê ở Việt Nam, có nhiều thứ anh phải tự học hỏi.

Quy trình làm một chiếc túi bắt đầu bằng vẽ rập (tùy chỉnh kích thước), cắt da theo rập, may, trang trí. Mỗi chiếc có một đặc điểm riêng, người làm phải chắt lọc những điểm đặc trưng nhất để sản phẩm giống với mẫu thật, tiểu tiết quá nhỏ có thể lược bớt vì không thể đưa vào.

"Cái khó nhất là tìm được phụ kiện đi theo đúng mẫu. Trong nước rất ít nguồn cung nên mình phải order ở các chợ điện tử nước ngoài, có khi phải chờ đến 2 tháng hàng mới về. Cái khó nữa là họ không nhận đặt đơn lẻ, thậm chí mỗi lần phải đặt hàng trăm, hàng nghìn phụ kiện nhưng rồi chỉ cần làm 1 chiếc túi, phần còn lại đành bỏ phí".

Lâm Đoàn kể có lần anh đi chợ mua phụ liệu, phải gom cả nghìn sticker chữ để in lên sản phẩm, tốn hơn 10 triệu đồng. Nhưng cuối cùng chỉ làm 100 sản phẩm để bán, số còn lại vẫn đang nằm một góc và anh chưa biết lúc nào mới có cơ hội dùng lại.

Có những sản phẩm mới làm lần đầu, anh mất cả chục tiếng đồng hồ để lên mẫu, cắt rập, chỉnh sửa. Dần dần, khi đã quen với các bước và nhanh nhạy hơn, mỗi mẫu túi anh chỉ cần vài tiếng đã may xong. Với một số chiếc túi đã làm trước đó, anh lưu lại mẫu rập và khi có khách đặt chỉ mất 15 phút đã cắt, dán, trang trí phụ kiện xong.

Hiện tại, mỗi ngày Lâm Đoàn làm được nhiều nhất khoảng 5-6 sản phẩm. Tùy theo kích thước, mẫu mã, mỗi chiếc túi anh may có giá 300.000-700.000 đồng. Lượng khách hàng lớn của anh đến từ dân văn phòng, người sưu tập và kinh doanh búp bê.

Mỗi ngày anh có thể làm đến 5-6 sản phẩm, có nguồn khách cùng thu nhập ổn định.

Đơn hàng 2 năm vẫn chưa giao được cho khách

Làm công việc đặc thù liên quan đến màu sắc nhưng Lâm Đoàn cho biết bản thân mắc chứng mù màu. "Mình không phân biệt được màu đỏ với xanh lá, những màu sắc có sự chuyển tiếp đậm - nhạt cũng khó nhận ra. Lắm lúc khách gửi mẫu xong phải hỏi lại anh/chị đặt màu gì, thấy rất ngại".

Mỗi lần đi chợ mua phụ liệu, anh thường nhờ người bán chỉ đâu là màu xanh, bên nào đỏ rồi lấy giấy bút ghi lại, ghim luôn vào đó để về nhà phân biệt. Song anh không coi đó là rào cản lớn, mà nó giúp anh rèn luyện sự tỉ mỉ, cẩn thận và kiên nhẫn.

"Cũng có những thời điểm mình cảm thấy chai cảm xúc, làm đi làm lại một mẫu sẽ chán. Thế nên trước lúc đặt hàng, mình luôn nói với khách đừng hối thúc. Có những lần bị thúc ép đến hạn gửi hàng, mình ngồi bần thần, cố làm nhưng đến lúc xong lại vứt xó vì cảm thấy nó không phải 'đứa con' của mình".

Lâm Đoàn kể có sản phẩm khách đặt hàng đã 2 năm, đến nay anh vẫn còn "nợ". "Bạn khách cũng hiểu tâm lý, thông cảm cho mình, muốn có sản phẩm hoàn hảo nên không thúc ép. Người ta chỉ bảo 'lúc nào anh cảm thấy ổn thì làm cho em nha, em đợi được'".

Anh chia sẻ ưu thế của những sản phẩm mình làm ra là giá thành rẻ, nhưng chất lượng không thua kém thị trường. "Từng có khách ở Mỹ không tin túi do mình làm vì mẫu đẹp mà giá chỉ bằng 1/10 bên đó. Đến lúc mình quay video từng công đoạn họ mới tin và đặt với số lượng lớn".

Anh trau chuốt từng chi tiết để làm nên những sản phẩm đẹp nhất. Có chiếc anh làm trong hơn chục tiếng, có những túi chỉ 15 phút đã hoàn thành.

Trong khi những chiếc túi búp bê được bán đại trà ở Thái Lan, Trung Quốc chỉ là mô hình không mở ra được, các sản phẩm thủ công của Lâm Đoàn có thể mở nắp giống như túi thật.

"Mình khá chiều lòng khách. Nhiều người nói thích cảm giác đập hộp nên mình mua hộp trơn về, tự nghiên cứu cách sơn màu, dán nhãn mác, làm cả túi vải bọc bên trong, giống như họ mua một sản phẩm thu nhỏ. Có những cái giao rồi, khách không ưng, mình có thể nhận về. Nhưng nguyên tắc của mình là không bao giờ giảm giá, vì mỗi chiếc túi đều là tâm huyết, mình không muốn chúng mất giá trị".

Lâm Đoàn kể anh có khoảng thời gian khó khăn khi phải vượt qua định kiến, những lời mỉa mai từ người xung quanh, họ nói anh "lông bông" khi chỉ biết suốt ngày may vá. Nhưng mẹ là người đã sát cánh, ủng hộ anh đi theo đam mê.

"Mẹ bây giờ không phải mẹ ruột của mình mà là em gái của ba, đúng ra phải gọi bằng cô. Từ nhỏ, ba mẹ ruột chia tay nên mình sống với cô và ông bà nội. Mình gọi cô là mẹ. Mẹ suy nghĩ cấp tiến và rất thương mình".

Hiện tại, khi đã ổn định với công việc này và có những thành công bước đầu, Lâm Đoàn coi đó là câu trả lời cho những người từng nghi ngờ anh, cũng là lời cảm ơn dành đến mẹ.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/anh-chang-o-tphcm-may-tui-bup-be-ban-sang-my-australia-post1156379.html