Ảnh cầu Phú Mỹ vào top đẹp nhất thế giới

Tác phẩm chụp cây cầu cao nhất TP.HCM đã vào đến top 50 trong một chủ đề của cuộc thi ảnh tầm cỡ quốc tế.

 Nguyễn Tấn Tuấn, tác giả đến từ Việt Nam, đã có bức ảnh được vinh danh tại Espon International Pano Awards (tạm dịch: giải thưởng ảnh toàn cảnh Espon quốc tế). Tác phẩm của Tấn Tuấn thuộc top 50 hạng mục Mở của chủ đề "Môi trường Xây dựng/Kiến trúc". Cây cầu Phú Mỹ nối quận 2 và quận 7, có chiều dài 2.031 m, rộng 27,5 m và cao 162,5 m.

Nguyễn Tấn Tuấn, tác giả đến từ Việt Nam, đã có bức ảnh được vinh danh tại Espon International Pano Awards (tạm dịch: giải thưởng ảnh toàn cảnh Espon quốc tế). Tác phẩm của Tấn Tuấn thuộc top 50 hạng mục Mở của chủ đề "Môi trường Xây dựng/Kiến trúc". Cây cầu Phú Mỹ nối quận 2 và quận 7, có chiều dài 2.031 m, rộng 27,5 m và cao 162,5 m.

Espon International Pano Awards chia làm các hạng mục để thí sinh lựa chọn theo khả năng, gồm Mở, Nghiệp dư, Nghệ thuật số, Có một không hai... Người thắng giải "Nhiếp ảnh gia của năm" là Matt Jackisch ở Canada với tác phẩm chụp cây cô đơn giữa tuyết trắng. Bức ảnh này cũng dẫn đầu hạng mục Mở, chủ đề "Thiên nhiên/Phong cảnh".

Người thắng giải hạng mục Mở, chủ đề "Môi trường Xây dựng/Kiến trúc" là Mine Waste, sống tại Tây Australia.

Juan Lopez Ruiz (sống tại Tây Ban Nha) xuất sắc chiến thắng hạng mục Nghiệp dư. Tác phẩm của anh ghi lại sự tương phản sáng tối trên 2 tòa tháp chọc trời ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Juan Lopez Ruiz cho biết mình chỉ mới bắt đầu cầm máy ảnh từ năm 2017. Kể từ đó tới nay, anh liên tục trau dồi kỹ thuật của mình để có thể thấu hiểu và làm chủ ánh sáng. Đây cũng là bức ảnh thắng giải chủ đề "Môi trường Xây dựng/Kiến trúc", hạng mục Nghiệp dư.

Hạng mục Thực tế ảo/360 cũng dành cho cả các thí sinh không chuyên. Tuy nhiên, các nhiếp ảnh gia nghiệp dư phải chứng minh mình kiếm được ít nhất 20.000 USD/năm từ nhiếp ảnh như một nghề nghiệp. Người thắng giải này là Oleg Gaponyuk ở Nga với tác phẩm chụp tại hang Chandelier, Palau (một quốc gia thuộc châu Đại Dương).

Ở hạng mục Nghệ thuật số, Manish Mamtani (đến từ Mỹ) là người chiến thắng với bức ảnh "Mắt rồng". Nghệ thuật số có thể hiểu là một tác phẩm được sáng tạo từ công nghệ kỹ thuật số. Bức ảnh "Mắt rồng" diễn tả một vùng đất siêu thực ở Iceland. Hồ nước màu xanh ở giữa giống như mắt con rồng. Trong khi đó, các đường nét xung quanh đem đến cảm giác như vảy trên thân nó.

Tác phẩm chụp đỉnh Patagonia ở Argentina của nhiếp ảnh gia Tyler Light (Mỹ) đã thắng hạng mục Có một không hai.

Năm nay, hơn 1.400 nhiếp ảnh gia từ 96 nước đã gửi tác phẩm về dự thi. Tổng giải thưởng cuộc thi lên tới 40.000 USD (bao gồm 10.000 USD tiền mặt). Matt Jackisch, người chiến thắng, nhận được 2.500 USD cùng một máy in ảnh. Ngoài ra, các tác phẩm đạt điểm cao nhất sẽ được sử dụng để trưng bày tại triển lãm ở Sydney (Australia) vào tháng 11 tới đây. Trong ảnh, tác phẩm chiến thắng chủ đề "Thiên nhiên/Phong cảnh", hạng mục Nghiệp dư của Carlos F Turienzo. Bức ảnh được chụp tại đảo Madeira, Bồ Đào Nha.

Hoài Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/anh-cau-phu-my-vao-top-dep-nhat-the-gioi-post1147657.html