Anh, Brexit và nguy cơ ra đi tay trắng

Với 325 phiếu thuận và 306 phiếu chống, các nghị sĩ Anh đã thể hiện sự tín nhiệm với chính phủ, chỉ 24 giờ sau khi Quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit do bà May đề xuất. Vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chênh lệnh sít sao, song đối với bà May, đó vẫn là cơ hội quan trọng để kéo dài thời gian tìm kiếm một giải pháp cứu nguy Brexit trong trạng thái cả hai bên đều được cho là đang đi những nước cờ liều lĩnh và mạo hiểm.

Một chiến thắng của sự liều lĩnh

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện với phần thắng thuộc về phe bác bỏ thỏa thuận Brexit được công bố, Chủ tịch Hạ viện John Bercow tuyên bố rằng "những người bỏ phiếu chống đã thắng" để kết thúc cuộc họp của Hạ viện. Thủ tướng May nói rằng cuộc bỏ phiếu chỉ để thử nghiệm liệu chính phủ có còn được các nghị sĩ ủng hộ hay không để tiếp tục công việc của mình.

Lãnh đạo phe đối lập Jeremy Corbyn nhanh chóng chớp thời cơ, nói rằng chính phủ của bà May đã đánh mất sự tín nhiệm của Nghị viện. Các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm theo lời kêu gọi của ông Corbyn. Nếu thất bại, chính phủ sẽ chỉ có 14 ngày để lật ngược kết quả nếu không sẽ phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử.

Thủ tướng Theresa May được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong 3 tháng tới. Ảnh: Time Magazine.

Thủ tướng Theresa May được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong 3 tháng tới. Ảnh: Time Magazine.

Hơn 70 nghị sĩ Công đảng đối lập Anh kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit. Nhưng ngày 16-1, Bộ trưởng Giáo dục Anh Damian Hinds khẳng định chính phủ nước này không có kế hoạch tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit, đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng các bộ trưởng Anh đang xem xét tổ chức một cuộc trưng cầu như vậy để phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Trả lời phỏng vấn Sky News, ông Hinds nêu rõ: “Một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 sẽ gây chia rẽ”.

Hiện Công đảng giữ lập trường ưu tiên trước hết là thúc đẩy việc tổ chức bầu cử trước thời hạn, song nếu điều này không xảy ra thì muốn duy trì khả năng tiến hành lại cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong EU. Liên quan thỏa thuận Brexit, người phụ trách chính sách tài chính của Công đảng John McDonnel nêu rõ Công đảng sẽ ủng hộ bà May nếu bà nhất trí để Anh ở lại vĩnh viễn trong liên minh thuế quan với EU.

Cùng ngày 16-1, điều phối viên Brexit của Nghị viện châu Âu (EP) Guy Verhofstadt khẳng định các đảng chính trị ở Anh cần phải vượt qua những lợi ích của chính mình và hợp tác về một giải pháp Brexit mà tất cả đều ủng hộ. Quan chức này cho rằng EU sẵn sàng dàn xếp với London về một thỏa thuận mới.

Các chuyên gia cho rằng, nếu Anh không triển khai phương án thay thế hoặc hoãn thời gian Brexit, nước này sẽ rời EU mà không có thỏa thuận vào ngày 29-3 tới. Đây là một kịch bản mà giới doanh nghiệp rất lo ngại, với nguy cơ là đồng bảng Anh sụt giá mạnh và thất nghiệp tăng vọt.

Ông Stephen Jones, Giám đốc điều hành UK Finance, cho rằng Brexit không thỏa thuận sẽ gây ra thảm họa cho nền kinh tế. Tương tự, bà Catherine McGuinness, lãnh đạo Sở Tài chính TP London, nhận định các doanh nghiệp nhỏ sẽ không kịp chuẩn bị ứng phó.

Nhiều người vẫn muốn Anh ở lại EU. Ảnh: The Express Tribune.

Những thách thức mới

Có thể thấy rõ, cho dù đã lùi thời hạn bỏ phiếu tại Quốc hội tới hơn 1 tháng nhưng Thủ tướng Theresa May rõ ràng đã nhận thất bại cay đắng khi các nghị sĩ Anh thẳng thừng bác bỏ thỏa thuận Brexit. Nỗi lo đã trở thành hiện thực. Nhìn vào số phiếu chênh lệch quá lớn 423 phiếu chống mà chỉ có 202 phiếu ủng hộ để thấy kế hoạch Brexit đang thực sự rơi vào khủng hoảng.

Như vậy, thực chất kịch bản thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh đạt được với EU tháng 11 năm ngoái bị bác bỏ và điều này đã được dự đoán từ ban đầu, song tỷ lệ chênh lệch quá lớn, tới 230 phiếu, là hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều quan chức trong chính phủ của bà May.

Hơn 100 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ của bà May, gồm cả những người ủng hộ Anh rời EU lẫn những người không ủng hộ, hợp lực bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận, dẫn tới thất bại tồi tệ nhất của chính phủ trong lịch sử 95 năm tại Quốc hội, là một đòn “chí tử” giáng vào nỗ lực của “người chèo lái con thuyền” nước Anh trong gần 2 năm qua với mục tiêu quan trọng nhất đưa “xứ sở sương mù” rời châu Âu trong trật tự mong muốn.

Kết quả không như ý muốn cho thấy quyền lực của chính phủ trong đàm phán Brexit đang được chuyển dần sang Quốc hội. Quyền điều hành của Chính phủ đang bị suy yếu khi phải chịu sự can thiệp mạnh mẽ từ Quốc hội, điều này cho thấy nỗ lực của bà May không có hiệu quả.

Tỷ lệ người ủng hộ và phản đối Brexit không chênh lệch nhiều. Ảnh: KYW Newsradio.

Nội bộ nước Anh đang chia rẽ về kế hoạch Brexit, trong khi đa số người dân ủng hộ việc rời liên minh trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6-2016 nhưng đến nay, nhiều người đã lung lay quan điểm và bắt đầu hoài nghi về tương lai. Trong khi những người ủng hộ Brexit cho rằng các đảng nước này nên tiếp tục thương lượng để có một thỏa thuận rời EU suôn sẻ thì không ít ý kiến ủng hộ việc tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai.

Về phần mình, mặc dù thừa nhận thất bại, song dường như bà May không muốn bỏ cuộc khi tuyên bố sẽ dành thời gian để tranh luận và muốn đề nghị các đảng thương lượng để xác định một con đường cho Brexit. "Kế hoạch B" được đề cập nhiều nhất hiện nay là Thủ tướng May sẽ yêu cầu EU lùi thời điểm 29-3 sang tháng 7-2019 để có thêm thời gian thuyết phục các mối bất đồng trong nước.

Mặc dù Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk từng khẳng định sẵn sàng chuẩn bị cuộc họp khẩn cấp nếu nhận được đề nghị của Thủ tướng May và EU có thể đồng ý kéo dài thời hạn Brexit, song với một số quan điểm cho rằng thời hạn kéo dài không thể vượt quá thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), dự kiến được tổ chức vào tháng 5 tới, với lý do một Brexit "cứng" sẽ trở thành thảm họa đối với tất cả các bên, xem ra đề xuất này cũng khó khả thi. Trước đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha cho biết lý do hạn chót là cuộc bầu cử EP, bởi vì sự kiện này đã được lên kế hoạch mà không có đại diện của Anh.

Giới phân tích cho rằng Thủ tướng Anh cũng có thể quyết định thay đổi chiến lược và chủ động theo đuổi Brexit "không thỏa thuận" để tránh khả năng bị dừng hoàn toàn. Song, điều này có thể sẽ gây nhiều nguy hiểm cho bà May. Các thành viên trong nội các của bà có thể chọn giải pháp từ chức để phản đối chính sách như vậy, trong khi các đối thủ tuyên bố sẽ gây ra sự hỗn loạn cho nước Anh.

Thời điểm Anh phải chính chức chia tay EU ngày càng đến gần nhưng hiện vẫn không có gì bảo đảm cho giai đoạn chuyển tiếp sắp diễn ra. Hậu quả lớn nhất lúc này mà người ta tính đến sau ngày 29-3 là London sẽ mất hết mọi lợi thế trong quan hệ với EU.

Nhiều quan chức cấp cao EU đã cảnh báo nguy cơ Anh rút khỏi EU một cách lộn xộn đang lớn hơn bao giờ hết. Xác nhận rõ việc này, Bộ Quốc phòng Anh quan ngại sự rối loạn tiền tệ sẽ tạo ra mối đe dọa lớn đối với ngân sách quốc phòng. Các khí tài mới trị giá hàng tỷ bảng, như máy bay chiến đấu F-35 định giá bằng đồng USD có thể khiến lô hàng này trở nên đắt đỏ hơn nhiều.

Hơn nữa, thực tế là ngân sách quốc phòng, phụ thuộc vào sự vận hành kinh tế. Các nhà hoạch định quốc phòng sẽ không vội chấp nhận những số liệu tài chính đầu tiên mà họ có. Cú sốc kinh tế mạnh trong ngắn hạn không khiến họ lo ngại nhiều bằng sự thay đổi dài hạn hơn có thể diễn ra.

Kịch bản nào cho tương lai nước Anh?

Nhìn vào thực tế nước Anh sẽ thấy các kịch bản có thể xảy ra. Dù thất bại nặng nề trước Quốc hội, bà May vẫn cảnh báo rằng sẽ "không một sự thay thế nào có thể". Tuy nhiên, bà vẫn đề xuất mở ra các cuộc thảo luận giữa các bên để xác định con đường phía trước.

Kịch bản thứ hai là "không thỏa thuận". Sau khi bị Hạ viện từ chối, một trong những tình huống có thể xảy ra là Brexit không có thỏa thuận, điều này đặc biệt gây lo ngại cho cộng đồng doanh nghiệp với nỗi ám ảnh về sự sụp đổ của đồng bảng Anh và tình trạng thất nghiệp tăng vọt.

Sau đó, Anh sẽ ra đi một cách mất trật tự mà không hề có giai đoạn chuyển tiếp nhằm giảm nhẹ cú sốc: quan hệ kinh tế giữa Anh và EU sẽ bị chi phối bởi các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng một loạt biện pháp về kiểm soát thuế quan và các quy chế sẽ được đưa ra một cách khẩn cấp.

Khả năng thứ ba, trưng cầu ý dân lần hai. Khả năng trưng cầu ý dân lần thứ hai, đến nay vẫn bị Thủ tướng Anh loại trừ, đang được những người thân châu Âu và một số chính trị gia đưa ra với hy vọng có thể đảo ngược kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày 23/6/2016 và hóa giải tình trạng hiện nay.

Kịch bản thứ tư là bầu cử sớm. Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn cho rằng điều này chắc chắn mất nhiều thời gian, đồng thời đề cập đến khả năng hoãn ngày Anh rời khỏi EU. Kịch bản cuối cùng là hoãn thời gian Brexit.

Nước Anh được dự báo sẽ có những biến động lớn cho dù theo bất cứ kịch bản nào. Ảnh: PressTV.

Nhìn vào tổng thể các kịch bản trên có thể thấy rõ sự ổn định và nhạy cảm của nền chính trị Anh nay không còn nữa. Hàng trăm nghị sĩ Anh đã tham gia vào "một cuộc đánh cược" chính trị lớn nhất trong lịch sử nước này. Các chính trị gia từ tất cả các đảng phái lớn như đảng Bảo thủ, Công đảng, đảng Dân chủ tự do, những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người ủng hộ liên minh... đều bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận mà Thủ tướng Theresa May phải nỗ lực đàm phán trong suốt 2 năm qua.

Trong số những lộn xộn sẽ xảy ra sau sự kiện này, có 2 điều chắc chắn sẽ xảy ra. Thứ nhất, cả hai phía nói trên đều sẽ không đạt được mục đích của họ. Trong thời gian một vài tuần tới, một số chính trị gia - những người đang vui mừng vì kết quả bỏ phiếu vừa qua - sẽ phải rất thất vọng. Thứ hai, bằng cách bác bỏ thỏa thuận Brexit duy nhất hiện nay, họ đã khiến một hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều có khả năng sẽ xảy ra.

Trong chiến dịch trưng cầu dân ý năm 2016, tất cả các bên đều cho rằng nếu Anh bỏ phiếu ủng hộ việc ra khỏi EU, nước này cuối cùng sẽ xây dựng một mối quan hệ lâu dài theo cách nào đó với EU. Một số người ủng hộ Anh rời khỏi EU thậm chí còn hứa hẹn rằng việc đạt một thỏa thuận với châu Âu về Brexit sẽ là cuộc đàm phán quốc tế dễ dàng nhất trong lịch sử. Nhưng hóa ra không phải vậy. Một phần là bởi thực tế đơn giản rằng sẽ vô cùng khó khăn để một nước tách ra khỏi một mối quan hệ chính trị, kinh tế và pháp lý phức tạp được xây dựng qua nhiều thập kỷ.

Tranh cãi về Brexit đã gây ra sự phân cực ở mức độ chưa từng có. Các nghị sĩ ngày càng bị chia rẽ, còn quan điểm của những nhân vật hàng đầu ngày càng trở nên cực đoan hơn. Hiện tại, nhiều người bắt đầu cảm thấy một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra tại Anh và cảm nhận này đang lớn lên từng ngày. Tất cả mọi người đều biết điều mà các chính trị gia bỏ phiếu bác bỏ là thỏa thuận của bà May về Brexit hay thứ gì đó tương tự như vậy.

Tuy nhiên, không ai biết tại sao Hạ viện Anh lại tập hợp được sự đồng thuận lớn như vậy để bác bỏ thỏa thuận này. Bằng việc bác bỏ thỏa thuận duy nhất mà Chính phủ Anh và 27 nước thành viên EU đã nhất trí, các chính trị gia Anh đã quá liều lĩnh và mạo hiểm, đồng thời kéo theo cả nước Anh.

Việc các nghị sĩ Anh bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit không chỉ đẩy đất nước tiến gần hơn tới khủng hoảng mà còn "châm ngòi" cho một cuộc lật đổ chính phủ của bà May rất có thể sẽ xảy ra sớm. Số phận thỏa thuận Brexit đang thực sự như “chỉ mành treo chuông”.

Hoa Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/anh-brexit-va-nguy-co-ra-di-tay-trang-530187/