Anh bộ đội và việc giúp dân

Hơn 22 năm làm công tác dân vận ở vùng biên cương Đông Bắc, Trung tá QNCN Nguyễn Quang Vinh, nhân viên Ban Chính trị Lâm trường 42, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 (Quân khu 3) đã không quản khó khăn, vất vả, tích cực tham gia giúp đồng bào nơi đây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa...

Bằng tình cảm, trách nhiệm và những việc làm thiết thực, hiệu quả giúp bà con nhân dân, Trung tá QNCN Nguyễn Quang Vinh được dân bản tin tưởng, quý mến, xem như người thân trong gia đình.

Gần gũi đồng bào, tạo dựng niềm tin

Năm 1998, Lâm trường 42 được thành lập trên địa bàn xã Hải Sơn, thị xã Móng Cái (nay xã Hải Sơn chia tách thành hai xã Bắc Sơn và Hải Sơn, thuộc TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Ngày đó, cả xã chỉ có 41 gia đình với gần 300 nhân khẩu là người dân tộc Dao, Sán Chỉ, Tày sinh sống trải dọc hơn 34km biên giới. Là cán bộ trẻ nhiệt huyết, trách nhiệm nên anh Vinh được chỉ huy lâm trường tin tưởng giao phụ trách công tác dân vận trên địa bàn. Anh Vinh chia sẻ: “Lần đầu tôi và đồng đội đến thăm bà con bản Cao Lan (nay thuộc xã Bắc Sơn). Do địa hình vùng biên giới chủ yếu là đồi núi, giao thông chưa phát triển, để đến được bản, chúng tôi phải đi bộ mất nửa ngày. Khi tới bản, chúng tôi chủ động chào hỏi bà con nhưng dân bản thấy bộ đội lại tránh mặt và chỉ đứng từ xa nhìn với ánh mắt tò mò. Sau khi trở về đơn vị, tôi tìm hiểu thông qua các đồng chí lãnh đạo xã thì được biết 100% dân bản không nói được tiếng Kinh nên ngại giao tiếp với người lạ”.

Với suy nghĩ “đồng bào không nói được tiếng Kinh thì người Kinh học nói tiếng đồng bào”, sau lần đó, mỗi khi lên thăm bản, anh Vinh lại liên hệ với chính quyền xã nhờ người biết tiếng đồng bào đi cùng để “phiên dịch”, đồng thời dạy tiếng cho mình. Những lần đến bản tiếp theo, anh Vinh luôn mang theo cuốn sổ ghi chép lại những câu giao tiếp thông dụng của bà con, như: “Chào ông bà”, “Ông bà có khỏe không?”, “Ông bà ăn cơm chưa?”, “Ông bà đang làm gì đấy?”... Thấy anh bộ đội thường xuyên đến cho gạo, muối lại nói được tiếng dân bản nên bà con bắt đầu gần gũi và trò chuyện thân mật với anh Vinh.

Để bà con tin tưởng hơn, anh Vinh báo cáo chỉ huy đơn vị xin lên bản ở cùng đồng bào một thời gian. Những ngày sinh sống tại các bản làng, anh Vinh tìm hiểu và biết thêm nhiều phong tục, tập quán của các dân tộc, trong đó có những hủ tục cần phải được xóa bỏ, nhất là tục cúng ma rừng đối với người ốm. Tuy nhiên, những tập tục này gắn bó với cuộc sống của bà con bao đời nay, nếu tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ không khéo sẽ gây ra bất đồng, mất đoàn kết. Vậy là anh Vinh tìm đến các già làng, trưởng bản nhờ họ vận động trước. Cùng với đó, anh Vinh đề nghị UBND xã Hải Sơn (cũ) và chỉ huy đơn vị cử cán bộ y tế đến các bản làng khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho bà con.

 Đồng chí Nguyễn Quang Vinh hướng dẫn bà con thôn Phình Hồ (xã Bắc Sơn) kỹ thuật trồng mía tím cao sản. Ảnh: VINH QUANG

Đồng chí Nguyễn Quang Vinh hướng dẫn bà con thôn Phình Hồ (xã Bắc Sơn) kỹ thuật trồng mía tím cao sản. Ảnh: VINH QUANG

Ngày đó đồng bào cho rằng, người bị ốm là do con ma rừng gây ra nên khi Quân y Lâm trường 42 lên khám bệnh, dân bản từ chối tham gia. Cùng thời điểm này, anh Vinh nghe được tin vợ ông Phùn Chí Mằn ở bản Cao Lan bị ốm. Nhiều lần ông Mằn mời thầy cúng về “đuổi ma” nhưng bệnh không khỏi. Vậy là anh Vinh và một đồng chí quân y tìm đến nhà ông Mằn thuyết phục ông đưa vợ đi bệnh viện khám. Anh Vinh tâm sự: “Lúc đầu ông Mằn từ chối, nhưng sau đó vài ngày thấy sức khỏe của vợ yếu dần nên ông cũng đồng ý. Tôi đưa vợ chồng ông đến bệnh viện ở Hạ Long (Quảng Ninh) điều trị. Cũng may vợ ông Mằn bị khối u lành, sau khi cắt bỏ đã khỏe mạnh trở lại. Sau lần đó dân bản Cao Lan mới dần từ bỏ hủ tục cúng đuổi ma chữa bệnh”.

Theo lời kể của anh Vinh, một trường hợp bệnh nhân khác là vợ anh Nịnh Văn Thanh ở thôn Thán Phún (nay thuộc xã Bắc Sơn) đẻ ngược. Sau nhiều giờ vợ khó sinh, đến nửa đêm anh Thanh tìm đến nhà Trưởng thôn Thán Phún gọi điện nhờ anh Vinh giúp đỡ. Nhận được tin báo, anh Vinh cùng quân y đơn vị đến gia đình sơ cứu và đưa sản phụ đi bệnh viện kịp thời nên “mẹ tròn con vuông”. Mỗi lần như vậy, anh Vinh lại trở thành ân nhân của các hộ gia đình vùng biên cương. Bởi thế, tình cảm của dân bản dành cho anh cũng ngày càng nhiều hơn. Có được niềm tin từ người dân, anh Vinh bắt đầu tuyên truyền cho mọi người về chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục, xóa bỏ mê tín dị đoan... và được mọi người đồng tình ủng hộ.

Bám sát chủ trương, giúp dân hiệu quả

Đầu những năm 2000, cuộc sống của người dân xã Hải Sơn (cũ) đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo, cận nghèo chiếm hơn 90%, trình độ dân trí thấp, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách đối với cấp ủy, chính quyền xã và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn là làm sao để giúp người dân xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Vậy là chủ trương khuyến nông được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai với sự giúp đỡ của các đơn vị quân đội.

Thực hiện chủ trương, chính quyền xã Hải Sơn (cũ) đã giao đất cho người dân, đồng thời phối hợp với Lâm trường 42 hỗ trợ con giống, cây trồng để bà con phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do bà con chỉ quen đi rừng, không chú trọng đến việc trồng trọt, chăn nuôi nên cây trồng và con giống được tặng chỉ một thời gian ngắn đã bị chết hoặc phát triển kém. Với kinh nghiệm vận động bà con, anh Vinh nghĩ: “Người dân địa phương chỉ làm khi họ nhìn thấy được thành quả”. Vậy là anh tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã Hải Sơn và lãnh đạo, chỉ huy Lâm trường 42 lựa chọn một số gia đình để cấp con giống, cây trồng, đồng thời tập trung nhân lực hướng dẫn họ kỹ thuật chăm sóc, kết hợp trồng thêm một số giống rau ngắn ngày giúp bà con sớm có sản phẩm thu hoạch. Từ ý tưởng của anh Vinh, những mô hình kinh tế gia đình, như: Nuôi nhím, bồ câu, ngan, trồng cam, khoai tây cao sản, mía tím, chè hoa vàng... ra đời và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng bào thấy các hộ trong bản không cần lên rừng mà vẫn có của ăn, của để thì bắt đầu tìm đến học hỏi, làm theo.

Do nguồn vốn hỗ trợ con giống có hạn, anh Vinh tiếp tục đề nghị chỉ huy Lâm trường 42 cho nhân dân mượn trâu, bò sinh sản để nuôi. Sau khi trâu, bò đẻ sẽ tặng con giống cho bà con, riêng trâu, bò mẹ sẽ trả lại cho đơn vị. Thấy hợp lý, chỉ huy lâm trường đã bàn giao hàng chục con trâu, bò để người dân chăm sóc. Sau vài năm, nhiều gia đình đã có trâu để cày ruộng. Anh Vinh cho biết: “Quan trọng nhất là nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dần thay đổi. Nếu như trước đây, người dân chỉ biết trông chờ vào các nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, thì nay tự biết lao động để nuôi sống gia đình. Đây là cơ sở quan trọng giúp bà con thoát nghèo bền vững”. Là một trong những hộ được anh Vinh giúp đỡ, giờ đây gia đình anh Nình A Dảu ở thôn Thán Phún không chỉ thoát nghèo mà còn đang làm giàu nhờ trồng chè hoa vàng. Anh Dảu cho biết: “Trước đây tôi thường vào rừng đào gốc chè hoa vàng bán cho thương lái. Tiền kiếm được chỉ đủ mua gạo nấu cháo nuôi vợ con qua ngày, trong khi cây chè trên núi ngày một khan hiếm. Có lần anh Vinh đến thăm và khuyên vợ chồng tôi mang cây chè về trồng tại vườn, sau đó bán hoa sẽ có thu nhập tốt hơn. Làm theo lời anh Vinh, hiện nay gia đình tôi có gần 1.000 gốc chè, trung bình mỗi năm cho thu khoảng 80kg hoa khô. Với giá bán trên thị trường từ 8 đến 15 triệu đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi thu lãi hơn 600 triệu đồng”.

Khi cái đói, cái nghèo đeo bám dân bản bao đời nay được đẩy lùi thì yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm. Năm 2016, thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất, ổn định dân cư của Bộ Quốc phòng, anh Vinh được chỉ huy Lâm trường 42 giao nhiệm vụ khảo sát địa bàn, đề xuất nội dung triển khai dự án. Sau nhiều lần lên bản nắm tình hình, anh Vinh nhận thấy do thói quen sinh hoạt và tập tục chăn nuôi gần nhà nên nhiều bản, làng thuộc hai xã Bắc Sơn và Hải Sơn nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Sau khi báo cáo chỉ huy đơn vị, đến nay đã có 35 giếng khoan, 130 nhà vệ sinh tự hoại, 25 chuồng nuôi trâu bò được di dời xây mới xa nhà ở nhờ kinh phí của dự án. Ngoài ra, anh Vinh còn vận động nhiều gia đình tự bỏ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh, di dời chuồng trại. Đến nay, cơ bản 100% gia đình đã có nhà vệ sinh tự hoại, tình trạng nuôi trâu bò gần nhà cũng không còn.

Đồng chí Phùng Đình Hùng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết: “Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, chúng tôi thường xuyên mời anh Vinh tham gia những buổi họp dân để vận động bà con hiến đất làm đường, xây dựng đời sống văn hóa. Đóng góp của anh Vinh trong nhiều năm qua đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, giúp bà con ổn định cuộc sống, yên tâm bám biên, bám bản”.

NGUYỄN TRƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/anh-bo-doi-va-viec-giup-dan-648019