Andersen bán nhẫn vàng được tặng để lấy tiền đi phượt

Được các ông hoàng tặng nhẫn vàng, kim cài áo, Andersen đưa tới tiệm kim hoàn đổi lấy tiền để tiếp tục đi chu du, mở mang tầm mắt.

Du lịch khắp nơi trên thế giới là một niềm vui và thực sự là một điều cần thiết đối với tôi; nhờ ở quê nhà tôi cần kiệm dành dụm nên có thể lo liệu được việc này; nhưng tôi thường nghĩ sẽ tốt hơn biết bao nhiêu nếu ta giàu có đến mức có thể đưa một người bạn đi cùng, và điều này tôi cũng đã thực hiện được vài lần, bất kể khả năng hạn hẹp của mình.

Tôi đã nhiều lần được các ông hoàng tặng cho những món quà như kim cài áo và nhẫn bằng vàng; những người cao quý đã cho tôi các tặng vật ấy chắc chắn sẽ tha thứ cho tôi, và sẽ vui vì tôi gửi những vật phẩm ấy đến các tiệm kim hoàn, đổi thành tiền, để nhờ đó tôi có thể nói với một bạn trẻ thân quý chưa bao giờ đi ra khỏi quê hương của mình: “Hãy đi một chuyến với tôi trong một hoặc hai tháng, đến khi nào hết tiền mới thôi”.

Ánh mắt sáng ngời mà tôi nhìn thấy lúc đó đã mang lại cho tôi niềm vui sướng còn lớn hơn nhiều so với những viên đá lấp lánh ở những chiếc kim cài áo và nhẫn.

Lần này đi cùng tôi từ Munich là Edgar, người đã làm cho chuyến đi thêm lý thú bằng sự quan tâm của cậu ấy đối với những gì nhìn thấy, bằng tinh thần vui vẻ, trẻ trung và sự quan tâm ân cần dành cho tôi. Chúng tôi đi theo ngả Ulm và Würtemberg đến Wildbad Gastein, nơi bạn tôi, anh Edvard Collin, cùng gia đình, đang lưu trú suốt mùa hè này.

 Chân dung Hans Christian Andersen của Karl Hartmann. Ảnh: Theguardian.

Chân dung Hans Christian Andersen của Karl Hartmann. Ảnh: Theguardian.

Lần đầu tiên tôi mới ghé đến Schwarzwald hay Rừng Đen, nơi khai sinh tiểu thuyết Những câu chuyện làng của Auerbach. Trời sáng trong, nắng đẹp, bây giờ chúng tôi cùng bắt đầu vui hưởng đời ngao du. Rồi một lần nữa tôi lại cưỡi trên lưng con rồng hơi nước, như cách Ingemann gọi đoàn tàu hỏa, để đến một đất nước rộng lớn hơn, đến Thụy Sĩ với những hồ nước sâu và những ngọn núi cao chót vót.

Từ Lucerne, tôi muốn đi tàu hơi nước với người bạn đồng hành trẻ tuổi đến Fluellen; trên tàu, cậu ấy bị ốm, bệnh tình càng lúc càng nặng hơn; thế là tôi quyết định dừng lại ở điểm cập bến tiếp theo, làng Brunnen.

Anh bạn trẻ của tôi được chăm sóc chu đáo trong khách sạn ở đó, và hôm sau cậu ấy đã thấy khỏe lại đến mức muốn đọc một cuốn sách nào đó. Chủ nhà đã mang cho Edgar một ít sách, trong số đó có một cuốn niên giám Thụy Sĩ. Trong cuốn này có in bức chân dung của Alexander von Humboldt, người đại diện cho khoa học; và ngay cạnh bên là chân dung của H.C Andersen, tác giả truyện thần tiên.

“Có anh ở đây này!”, Edgar kêu lên. Chủ nhà nhìn bức hình rồi nhìn tôi, và siết chặt tay tôi một cách thân thiện, ngay lập tức tôi tìm thấy ở ông một người bạn và thêm nhiều người bạn khác là hai em gái của ông, những người trông coi khách sạn này. Một cô là Agathe, rất giỏi âm nhạc, giống như người anh. Cô ấy thường chơi nhạc cho tôi nghe suốt cả buổi tối.

Sau này, khi nào đến Thụy Sĩ, tôi luôn ghé thăm những người bạn ấy mà đến bây giờ vẫn sống ở đó. Dòng dõi họ có nguồn gốc lâu đời ở Thụy Sĩ; trong vở kịch William Tell của Schiller, dòng họ này được gọi Auf der Mauer.

Sự tình cờ trong chuyến đi, việc Edgar ngã bệnh và kết quả là cuộc hành trình phải tạm dừng ở vùng hồ này, thực sự lại là khởi nguồn của rất nhiều điều vui thú cho cả hai chúng tôi, và với riêng tôi thì không chỉ là niềm vui ngay lúc đó mà còn trong nhiều năm sau.

Một lần quay lại sau này, tôi đã có được niềm vui ngoài mơ ước. Buổi tối trước ngày tôi ra đi, có một chiếc thuyền lướt đến trước khách sạn với những ngọn đuốc thắp sáng và âm nhạc ngân vang - một cảnh tượng thật đẹp. Tất cả khách trọ đều bước ra ban công chiêm ngưỡng.

“Có việc gì thế?”, tôi hỏi Agathe.

“Họ chào mừng ông đó,” cô ấy nói.

“Ồ, đừng có hoang tưởng như vậy”, tôi trả lời. “Họ chơi nhạc vì tôi!”.

“Nhưng thật thế mà,” cô ấy đáp.

“Vô lý!”, tôi nói. “Chỉ là tình cờ mà thôi; và nếu tôi ra ngoài cảm ơn họ trong khi sự việc này không dành cho tôi thì tôi sẽ thành kẻ lố bịch kinh khủng!”.

“Đúng là dành cho ông mà”, cô ấy khăng khăng.

Tôi cảm thấy bối rối, nhưng vẫn đi xuống bờ hồ; nhiều người đã tụ tập ở đó, và chiếc thuyền bây giờ đã dừng lại. Tôi hỏi người đầu tiên bước lên bờ: “Nhạc hay quá. Họ chào mừng ai vậy?”.

“Ông đó”, anh ta nói, và rồi tôi bắt tay của anh và mấy người khác. Tôi không rõ toàn bộ chuyện chào mừng này là do cô Agathe Auf der Mauer tổ chức để chiêu đãi tôi hay là tác phẩm của tôi thực sự đã tìm được nhiều người bạn âm nhạc ở thị trấn nhỏ bé này. Nhưng chắc chắn Brunnen đã trở thành một thị trấn Thụy Sĩ đáng nhớ đối với tôi.

Hans Christian Andersen / Omega Books và NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/andersen-ban-nhan-vang-duoc-tang-de-lay-tien-di-phuot-post1331780.html