AnBooks giới thiệu bộ chuyện kể âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam

AnBooks – AnKids vừa ra mắt bộ chuyện kể âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam, dành cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi.

Anbooks – AnKids vừa giới thiệu bộ chuyện kể âm nhạc song ngữ Việt - Anh: Câu chuyện bên thùng giấy - Kitten in the cartonChuyện bầy heo của bà - Grandma’s Piglets. Bộ chuyện kể này nhằm “chia sẻ với bố mẹ Việt về khát khao tìm một phương pháp dạy con phù hợp với văn hóa - truyền thống Việt, nhưng đảm bảo tính thời đại và hội nhập toàn cầu; đồng cảm với bố mẹ Việt về nỗi thương nhớ ký ức xưa cũ, muốn truyền cho con hơi ấm của tình quê hương, tình thương gia đình và những điều, những vật gần gũi, giản dị; chia sẻ với bố mẹ Việt về nỗi lo “máy hóa”, khi nhìn thấy những đứa trẻ ngày càng sớm hơn, lệ thuộc vào máy tính bảng, điện thoại thông minh; chia sẻ với những thầy cô giáo, những cha mẹ khao khát tìm những bài thơ, những bài hát để cùng hát, cùng chơi với con em mình”.

Bìa của "chuyện kể âm nhạc" Câu chuyện bên thùng giấy

Bìa của "chuyện kể âm nhạc" Chuyện bầy heo của bà

Sách “chuyện kể âm nhạc” là thể loại sách hỗ trợ kể chuyện; trong đó, sử dụng các ca khúc nhỏ có cùng mô-típ làm lời thoại cho nhân vật hoặc cho âm thanh xuất hiện trong bối cảnh, đồng thời sử dụng các câu thơ có vần điệu làm lời dẫn hay lời kể. Các giai điệu và tiết tấu dùng để kể đều có bản kí âm ngay trong sách. Để dễ nhớ bài hát, trong mỗi góc bên dưới sách còn có mã QR liên kết với kênh Youtube có nội dung tương ứng với giai điệu, tiết tấu của mỗi trang sách do chính tác giả thể hiện.

Bộ chuyện kể âm nhạc này là tác phẩm lấy cảm hứng từ việc quan sát con trai đầu lòng của tác giả Trần Tấn Sâm, cùng với sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với quan điểm: “Giáo dục là sự hỗ trợ cho cuộc sống của đối tượng giáo dục” (là “hỗ trợ” mà không phải là “dạy”, là “cuộc sống” mà không chỉ là “cuộc sống sau này”).

Từng lời thơ giản dị, từng đoạn nhạc ấm áp tươi vui xuyên suốt trong bộ sách không chỉ là nghệ thuật đơn thuần mà còn là những nội dung hỗ trợ cho trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và cảm thụ âm nhạc. Follow the Child - Dõi theo con trẻ, triết lý giáo dục này đã được thể hiện trong tác phẩm bằng sự dẫn dắt chủ động của nhân vật “bé” xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, cùng với sự hiện diện có tính chất hỗ trợ kịp thời, đầy tin cậy của người lớn ở xung quanh.

Nét đẹp cuộc sống người Việt, từ thành thị hiện đại trong Câu chuyện bên thùng giấy - Kittens in the carton, đến sự dân dã chốn thôn quê của Chuyện bầy heo của bà - Grandma’s Piglets, đều được tác giả Trần Tấn Sâm thể hiện tự nhiên, khéo léo với những chiếc lá môn, bầy heo ủn ỉn, những toa tàu với tiếng còi tàu quen thuộc, hay chiếc thùng giấy trong công viên có chứa… một con mèo.

Không chỉ dừng lại ở việc dùng cả thơ và nhạc để kể chuyện, bộ sách còn được đầu tư kĩ lưỡng cho phần tranh vẽ minh họa và phần dịch sang bản tiếng Anh. Vậy là ngoài nhớ lời thơ và lời hát tiếng Việt, trẻ còn được trải nghiệm nội dung, cảm xúc của câu chuyện qua phần tiếng Anh trong sáng cũng như những trang vẽ minh họa màu nước giàu tình cảm, sinh động.

Về tác giả, Trần Tấn Sâm sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng; là bố của hai bé, 2 tuổi và 7 tuổi. Hiện anh đang cùng vợ làm công việc "người hỗ trợ trẻ" trong Ngôi Nhà Trẻ Thơ Casamia tại TP.HCM. Ngoài công việc chính là một ông bố, anh còn đang là sinh viên của khoa Nghệ Thuật - Đại học Sài Gòn, nơi mà mọi người đều gọi vui anh là "chú Sâm". Đây là dự án ấp ủ hơn 2 năm nay của Sâm, và Sâm là người chủ động tìm đến AnBooks để gửi gắm bản thảo.

Bộ tác phẩm được sự đồng cảm, chia sẻ và hỗ trợ chuyển ngữ bởi dịch giả của TOMATO Education - bạn Khánh Linh, và Nguyễn Thúy Uyên Phương - người sáng lập của tổ chức giáo dục này. Ban biên dịch Ankids đã biên tập và hiệu đính bởi: Duyên Hải, người đã hiệu đính cuốn thơ song ngữ Con nít con nôi - Kiddie Kiddo năm 2018 của Ankids, và Mai Mai Hương.

Nhân dịp này, chương trình giao lưu ra mắt sách sẽ diễn ra vào lúc 15g30 ngày 25/1 tại Đường sách TP.HCM.

Trâm Anh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/anbooks-gioi-thieu-bo-chuyen-ke-am-nhac-dau-tien-tai-viet-nam-17174.html