Ẩn ý sau lễ cầu siêu mời tất thảy hòa thượng trong vùng

Như đã nói trong các bài trước, sau khi tìm ra 'sư hổ mang' giết vợ Tiểu Tam, minh oan cho Huệ Khanh, cả hai người này đều xin Lai Ngự sử cho được xuống tóc đi tu.

Đã có chủ ý trong lòng, Lai Ngự sử liền nói: “Hai ngươi đều muốn xuất gia thì ta cũng không cản, sẽ tiến hành việc thụ giới cho hai ngươi thật xứng đáng mới được”.

Lập ra đại lễ cầu siêu, Lai Ngự sử đã tìm ra ác tăng gây án mạng 5 năm trước. (Hình mình họa)

Lập ra đại lễ cầu siêu, Lai Ngự sử đã tìm ra ác tăng gây án mạng 5 năm trước. (Hình mình họa)

Đại lễ khác thường

Huệ Khanh và Tiểu Tam chưa hiểu ý của Lai Ngự sử ra sao, cúi đầu chào rồi ra về. Chẳng ngờ chỉ mấy hôm sau Lai Ngự sử đã gọi toàn bộ hòa thượng chùa Bảo Ứng tới nghiêm trách: “Các ngươi chỉ cạo đầu lừa thiên hạ mà thôi, theo ta thì trong số các ngươi chưa đến phân nửa thành tâm thực ý tu hành. Ta đã điều tra kỹ càng, hầu hết các ngươi là do gia cảnh nghèo đói, cha mẹ nuôi không nổi nên mới đưa vào chùa kiếm miếng cơm chay; hoặc là thất chí tuyệt tình đem tấm thân vào chốn tôn nghiêm để mong quên đi thế gian; cũng có khi là những tên tội phạm bị truy nã không còn đường nào khác phải vào cửa thiền trốn tránh.

Thế nhưng các ngươi được khách thập phương mộ đạo cúng dường đầy đủ quá nên sinh tật, không những gây án mà còn không từ bỏ được lòng dâm, thế thì tu hành làm gì? Nay ta cho phép các ngươi tự xét mình, người nào thấy không thật tâm tu hành thì sẽ được ban cho năm lạng bạc trở về quê quán làm ăn”.

Nghe vậy các hòa thượng rất sợ hãi bởi lời của Lai Ngự sử quả đúng với tâm trạng của bọn chúng, hầu hết đều là do hoàn cảnh bức bách mới phải vào chùa, do vậy đều xin được hoàn tục. Còn lại một số sư tăng, Lai Ngự sử liền cho Huệ Khanh và Tiểu Tam làm trụ trì, nói: “Nay đã có trụ trì mới. Ta muốn cho việc xuất gia của họ được long trọng nên sẽ mở đàn tràng cầu siêu cho các vong hồn không nơi nương tựa rồi mới làm lễ thí phát.

Vì đa số chưa biết hành lễ đúng qui tắc nên cần phải mời nhiều sư tăng hòa thượng ở các nơi khác đến chỉ dạy thì mới hoàn tất được cuộc lễ long trọng này”. Tin tức truyền đi rất nhanh, những sư tăng hòa thượng đang đi vân du hay đi hóa độ hóa duyên đều nghe tin, lần lượt kéo về chùa Bảo Ứng rất đông. Khi đã thấy khá đủ, Lai Ngự sử đích thân đến chùa ghi danh và thăm hỏi từng người khiến ai nấy đều ngạc nhiên bởi chưa từng có vị quan lớn nào quan tâm đến Phật pháp như vậy.

Tái ngộ ác tăng

Khi gặp gỡ các hòa thượng, Lai Ngự sử nhận ra ngay tên hòa thượng đã cầm thiền trượng đuổi đánh mình để đến nỗi phải ngã xuống giếng. Vật đổi sao dời, Lai Ngự sử trải qua hết gian truân này đến vinh quang khác nên diện mạo đổi khác khá nhiều, hòa thượng ấy không hề nhận ra nhưng khuôn mặt hung ác của hắn thì ông chẳng bao giờ quên được.

Lai Ngự sử đặc biệt ân cần với hắn, vờ nói: “Đêm hôm qua bản nhân mơ thấy Quan Âm Bồ Tát hiện về báo rằng: “Ngày mai sẽ gặp một vị hòa thượng diện mạo hung hãn nhưng đó chính là người cao tăng có công quả nhiều nhất, đừng khinh thường”. Hôm nay bản nhân thấy mộng đúng sự thực nên xin mời về nha môn đặc cách chiêu đãi tiệc chay”.

Hòa thượng này mừng quá, vội bỏ thiền trượng lại chùa rồi theo Lai ngự sử về nha môn. Vừa tới nơi, Lai Ngự sử liền sai quân lính: “Trói tên ác đồ này lại cho ta”.

Quá bất ngờ, hòa thượng vội kêu oan luôn miệng. Lai Ngự sử liền nói thẳng: “Ngươi kêu oan ức ư? Chẳng lẽ không nhớ nổi năm năm trước đã cùng đồng bọn toan cưỡng dâm một thiếu phụ nơi miếu hoang ngoại thành Đồng Hương rồi đuổi đánh một thư sinh khiến người ta rơi xuống giếng cạn hay sao? Ngươi tưởng thư sinh ấy chết rồi phải không?”.

Nghe vậy, hòa thượng kia vội nhìn lên, lúc bấy giờ mới nhận ra quan Ngự sử chính là thư sinh ngày nọ. Hắn thừ người một lúc, biết rằng không thể giấu giếm được nữa nên quỳ xuống cung khai: “Tội dân pháp danh là Đạo Hư, năm ấy cùng với sư huynh Đạo Vi đi khuyến thiện ở Đồng Hương. Đi ngang qua ngôi miếu cổ chợt thấy người phụ nữ vừa khóc vừa đi thì nổi tà tâm, bàn nhau định cưỡng hiếp.

Tội dân không ngờ được là đại quan lúc ấy tình cờ đi ngang nên táo gan đuổi đánh. Thế nhưng khi tội dân về tới miếu thì người thiếu phụ ấy đã chết, còn sư huynh Đạo Vi cũng mất biệt, tội dân không phải là hung thủ giết người”. Lai Ngự sử hỏi: “Hiện nay Đạo Vi đang ở đâu?”. Tên hòa thượng láo liên đôi mắt rồi khai: “Thực tình tội dân không biết sư huynh Đạo Vi hiện nay ở đâu”.

Thái độ ấy không qua được đôi mắt Lai Ngự sử, ông thừa biết tên này vốn tính gian ngoan nên không dễ gì khai ngay ra đồng bọn, suy nghĩ một lúc liền ra lệnh giam Đạo Hư vào ngục, thân hành tới chùa Bảo Ứng tra xét. Quả nhiên trong danh sách có ghi tên Đạo Vi.

Lai Ngự sử rất mừng vì lưới trời lồng lộng, rốt cuộc hai kẻ sát nhân đều lọt vào tay mình, lập tức gọi Đạo Vi ra dẫn về công đường xét hỏi. Thế nhưng Đạo Vi còn gian manh hơn Đạo Hư, khai là không hề biết Đạo Hư là ai, chắc vì quá bức bách nên khai bừa đấy thôi.

Đạo Vi một mực khai không hề biết Đạo Hư và cũng không đến phạm vi Đồng Hương bao giờ khiến cho Lai Ngự sử đâm ra khó khăn. Bởi vì lúc nguy cấp ấy ông chỉ kịp nhận diện được Đạo Hư, còn Đạo Vi lấp ló trong miếu, không thể xác quyết được.

Nếu Đạo Hư khai bừa thì thủ phạm lọt lưới mà Đạo Vi bị oan. Ông đành phải sai giam hai hòa thượng riêng rẽ, rồi hôm sau mới xét xử tiếp. Đạo Vi bị giam trong ngục nhưng trong bụng mừng thầm bởi vì biết chắc Lai Ngự sử không nhận diện được hắn, nhủ thầm nếu ngày mai có bị tra khảo đến đâu cũng nhất quyết không khai nhận thì sẽ giữ được mạng.

Hắn khoan khái làm một giấc cho đến tận canh ba thì chợt tỉnh dậy vì nghe có tiếng động từ xa vọng tới. Âm thanh này mới đầu vo ve gào rít như tiếng ma kêu quỷ hú, sau dần đến gần nghe rõ đó là âm thanh của một phụ nữ: “Đạo Vi, ta chết oan ức lắm, hồn không được siêu sinh khổ sở vô cùng. Bây giờ là lúc ngươi phải đền tội rồi đó…”.

Trong đêm tối của ngục thất, không khí lạnh lẽo càng làm cho tiếng kêu khóc ấy tăng thêm phần ghê rợn. Đạo Vi bị bất ngờ cũng dựng cả tóc gáy, kêu lên nho nhỏ: “Ngươi đừng dọa ta nữa! Lúc ấy tại ngươi kêu la quá nên bất đắc dĩ ta phải giết chết, ta hối hận lắm rồi nhưng không làm sao cứu vãn được nữa. Nếu lần này ta thoát khỏi ngục tù thì sẽ làm lễ cầu siêu cho ngươi thật trọng thể”.

Đạo Vi vừa dứt tiếng thì bỗng nhiên đèn đuốc cháy sáng choang, quân của Lai Ngự sử sấn vào quát tháo: “Tên trọc đầu ác nhân kia! Chúng ta đã nghe rõ hết rồi, ngươi có chối cũng không xong. Chân tướng đã bại lộ thì nên ngoan ngoãn nhận tội để khỏi bị đau khổ là hay hơn”.

Hóa ra Lai Ngự sử nhận biết tên hòa thượng này rất cứng đầu cứng cổ, phải lập kế sai một người có giọng nói the thé giả làm tiếng kêu khóc đòi báo thù của nạn nhân. Đạo Vi ngớ người ra chẳng còn biết nói sao, từ đấy im lặng chịu trói, chờ đến sáng thì giải lên công đường.

Lai Ngự sử hỏi: “Ngươi không đánh mà khai, bây giờ hãy nói rõ toàn bộ sự việc cho bản quan biết đi”. Đạo Vi đành phải khai sự thực, không giấu giếm gì, Lai Ngự sử sai giam hắn vào ngục rồi thân hành đến chùa Bảo Ứng xuống tóc cho Huệ Khanh và Tiểu Tam, đặt pháp hiệu là Chân Thông và Chân Thiết.

Những việc Lai Ngự sử thi hành rất được người dân ca tụng, tiếng thơm lan truyền khắp nơi, đến cả triều đình. Trương Thúc Dạ lúc ấy làm Xu Mật sứ nắm giữ đại quyền trong tay hết lòng tiến cử nên Tống Huy Tông thăng cho Lai Pháp lên chức Điện trung Thị Ngự sử, triệu về triều phò tá. Khi Lai Ngự sử rời địa phương, người dân đứng chật hai bên đường đưa tiễn, ai nấy đều than thở tiếc nuối vì vị đại quan anh minh sáng suốt rời đi.

Hà Bắc

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/an-y-sau-le-cau-sieu-moi-tat-thay-hoa-thuong-trong-vung-d105435.html