Án xưa: Trần Nguyên Hãn trầm mình vì bị kết tội oan

LTS: Trần Nguyên Hãn (chưa rõ năm sinh - mất năm 1429) là võ tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược và thành lập nhà Hậu Lê. Tuy nhiên, ông cũng là một trong những công thần phải chịu cái chết bi thảm ở triều vua Lê Thái Tổ. Sự thật trong câu chuyện bi thương này là gì?

Theo “Sách văn hóa Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, Việt sử giai thoại”..., Trần Nguyên Hãn chuyên cư ở xã Sơn Đông, nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. ông là dòng dõi tôn thất nhà Trần là cháu (miêu duệ) của Thái sư Trần Quang Khải, là cháu nội Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Theo sử sách ghi lại, năm 1420 (hoặc 1423), Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và sau đó trở thành người phò tá đắc lực cho Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ sau này). Trong hàng ngũ các quan văn võ dưới quyền Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn luôn có một vị trí lớn, có ảnh hưởng. Khoảng năm 1424-1425, Trần Nguyên Hãn giữ chức Tư đồ. Khi đó, trong giai đoạn khởi nghĩa Lam Sơn, Tư đồ là chức quan cao nhất. Năm 1427, sau chiến tích hãm Đông Quan, ông được phong là Thái úy. Năm 1428, kháng chiến thành công và Lê Lợi lên ngôi vua, Trần Nguyên Hãn được gia phong Tả Tướng quốc, Bình chương quân quốc trọng sự, Khu mật Đại sứ, được cấp 114 mẫu ruộng. "Đại sứ" là chức quan to nhất của Khu mật viện, trong viện này, Trần Nguyên Hãn là cấp trên trực tiếp của Nguyễn Trãi (Nguyễn Trãi kiêm nhiệm nhiều chức vụ, nhưng trong Viện Khu mật, ông chỉ là Hành Khu mật viện sự). Quan trọng nhất trong các chức tước của ông là Tả tướng quốc - chức vụ có quyền năng tương tự với đồng Thủ tướng Chính phủ ngày nay. Năm 1429, Trần Nguyên Hãn xin về trí sĩ. Từ trước đó, Nguyên Hãn có nói riêng với người thân cận: "Nhà vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn, cho nên, ta không thể yên hưởng vui sướng được" (Câu Tiễn có tướng cổ dài, mép quạ, tức là tướng chim). Lê Lợi cho Nguyên Hãn được về, nhưng dặn rằng cứ một năm hai lần lại vào triều chầu vua. Về quê, ông cho dựng phủ lớn, đóng thuyền to. Việc này bị quy kết là lộng hành và có âm mưu thoán nghịch. Những kẻ không ưa cũng thừa cơ buông lời xúi bẩy. Trần Nguyên Hãn bị Lê Lợi ra lệnh bắt về triều để xét hỏi. Nhưng trên đường lên kinh thành, tới bến Sơn Đông, ông tự trầm mình mà chết. Trước khi chết, ông nói: "Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời dèm mà hại tôi. Hoàng thiên có biết không?" Tháng 5 năm đó, Lê Lợi mới tiến hành ban thưởng tước hầu cho các công thần tham gia khởi nghĩa. Như vậy Trần Nguyên Hãn chưa kịp nhận phong thưởng của một chiến tướng khó nhọc đã phải trầm mình xuống sông để tỏ rõ khí tiết. Sau khi ông chết, Lê Lợi cho bắt vợ con ông về kinh quản thúc, gia sản của Trần Nguyên Hãn bị tịch thu. Các tướng như Bế Khắc Triệu, Nông Đắc Thái - bị cho là vây cánh của Trần Nguyên Hãn nên cũng bị liên lụy. Năm 1455, vua Lê Nhân Tông (1443-1459) mới ra lệnh phục chức cho Trần Nguyên Hãn, truy phong là "Phúc thần", cho gọi con cháu ra làm quan, nhưng không ai ra. Đời nhà Mạc, ông được truy phong là Tả tướng quốc, Trung liệt Đại vương. Trần Nguyên Hãn là trường hợp rất hiếm trong các công thần khai quốc nhà Lê được nhà Mạc thù địch tưởng nhớ và truy phong, có lẽ một phần lý do vì bản ý nhà Mạc muốn thu phục lòng người. Việc tôn vinh ông khiến "thiên hạ" thấy sự khắc bạc của nhà Lê với người có công trạng. Ánh Dương Luật nay: Ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của Trần Nguyên Hãn? Theo các nhà nghiên cứu sử học thì cái chết của Trần Nguyên Hãn có thể do nhiều nguyên nhân sâu xa. Nguyên nhân thứ nhất là ông nằm trong vòng xoáy tranh giành quyền lực trong triều đình nhà Lê thời hậu chiến. Có ý kiến cho rằng Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo ủng hộ Lê Tư Tề, con trưởng của Lê Lợi trong khi Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Vấn... ủng hộ người con thứ là Nguyên Long. Khi phái Lê Sát thắng thế và Lê Tư Tề bị ruồng bỏ, thì ông cũng không tránh khỏi hậu họa là chuyện thường. Nguyên nhân thứ hai là trong lòng Lê Lợi vẫn có mối nghi ngại đối với triều đại cũ, mà Trần Nguyên Hãn lại xuất thân là quý tộc nhà Trần, con cháu của hai danh thần nhiều danh vị của triều cũ là Trần Quang Khải và Trần Nguyên Đán. Mặc dù được nhiều sử gia cũng như người có quan tâm thừa nhận rộng rãi, nhưng cho tới giờ, những giả thiết và nguyên nhân trên không được hậu thuẫn bởi những bằng chứng trong chính sử. Theo nhà sử học Trần Quốc Vượng thì Nguyên Hãn đã "dại dột" làm nhiều nhà cửa, xây bằng gạch hoa (có vẻ như xây biệt đô, biệt cung), thuần phục và tậu voi tậu trâu từng đàn đi lại rầm rập, lại đóng thuyền, chở binh khí nữa, ra cái dáng sứ quân, nghênh ngang một cõi. Chính vì thế mà người ta vu cho ông làm phản. Và ông bị giết hại (hay bị bức tử, tự sát, hay là chết đuối thì cũng vậy thôi) là phải. Dù vì nguyên nhân nào đi chăng nữa thì cũng có thể khẳng định là Trần Nguyên Hãn đã phải trầm mình xuống sông vì quá uất ức. ông hiểu là mình sẽ không có cơ hội để tự minh oan và trước sau gì cũng phải nhận lấy cái chết. Cái chết của ông đã kéo theo rất nhiều hệ lụy khác, như vợ con ông, những người phò tá của ông cũng vì thế mà liên lụy. Lê Lợi đã nghe lời dèm pha của những vị quan vốn có tư thù với Trần Nguyên Hãn nên mới ra lệnh bắt ông về triều để xét hỏi. Trong xã hội phong kiến Việt Nam, mặc dù tư tưởng "luật bất vị thân" (Tạm dịch: Việc xét xử của luật pháp không bất kể ai) nhưng trên thực tế quyết định của vua là đại diện cho pháp luật. Do vậy, nếu để xác định trách nhiệm rõ ràng về cái chết của Trần Nguyên Hãn cần phân tích trên nhiều sử liệu và đặt trong bối cảnh khi đó. Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành thì cả vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cũng có phần trách nhiệm. Bởi vì, muốn kết tội một con người (về bất cứ tội danh nào) phải có căn cứ pháp lý. Quy định này là bắt buộc để hạn chế việc kết tội oan. Nếu áp dụng luật ngày nay, vua Lê Lợi cũng phải liên đới chịu trách nhiệm trong cái chết của Trần Nguyên Hãn vì ông đã tin lời dèm pha của các quan, không kiểm chứng trong thực tế đã ra lệnh bắt Trần Nguyên Hãn về triều để xét xử. Nếu xem xét hành vi này theo quy định tại Điều 100 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Lê Lợi khó tránh khỏi tội bức tử. Lệnh bắt Trần Nguyên Hãn về triều được xem như hành vi làm nhục Trần Nguyên Hãn của Lê Lợi (tuy không còn làm quan nhưng Trần Nguyên Hãn vẫn là thần dân của vua Lê- tức là người lệ thuộc vào vua Lê) khiến Trần Nguyên Hãn vừa uất ức vừa xấu hổ mà trầm mình tự vẫn.

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=4447&lang=vn&zone=5&zoneparent=0