Ăn xôi đậu phộng bị hóc nằm trong phổi phải cấp cứu khẩn cấp

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, sau hai tháng ăn xôi có đậu phộng, cụ ông ở Hậu Giang xuất hiện triệu chứng ho, khó thở, nặng ngực.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTWCT), cho biết các bác sĩ khoa Nội Hô hấp vừa nội soi phế quản, lấy thành công hạt đậu phộng trong phổi ông P.V.K. (95 tuổi, ngụ huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang).

Gia đình ông K. cho biết, khoảng 2 tháng trước bệnh nhân từng ăn xôi có đậu phộng. Trước khi nhập viện ông K. sốt cao, khó thở, nặng ngực... Kết quả nội soi phế quản xác định bệnh nhân có dị vật là nửa hạt đậu phộng kích thước 6x12 mm nằm ở thùy giữa phổi phải.

Khi ăn xôi đậu phộng cần thận trọng tránh bị hóc hạt. Ảnh minh họa

Khi ăn xôi đậu phộng cần thận trọng tránh bị hóc hạt. Ảnh minh họa

Ê-kíp nội soi đã dùng thòng lọng lấy thành công dị vật và bơm rửa sạch thùy giữa phổi phải, lấy dịch xét nghiệm. Thời gian thực hiện nội soi khoảng 20 phút. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định ngay sau khi lấy dị vật.

Liên quan tới hóc hạt đậu phộng, trước đó BV Nhi đồng Thành phố vừa cho biết đã lấy dị vậy thành công cho 1 bé gái 3 tuổi (ngụ Long An). Được biết, tại thời điểm khám, bác sĩ tiến hành chụp Xquang phổi thẳng, dù không phát hiện dị vật nhưng có dấu hiệu ứ khí khu trú phổi trái. Do đó, bác sĩ thuyết phục gia đình cho bé nội soi đường thở kiểm tra dị vật.

Ngay sau đó, ê kíp bác sĩ Khoa Hô Hấp thực hiện gây mê, nội soi đường thở cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy có hạt đậu phộng nằm gần bít lòng phế quản thùy dưới phổi trái kích thước 5mm và lấy dị vật ra. Hiện ,sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, phổi bớt ứ khí và đáp ứng kháng sinh điều trị.

Theo thông tin từ gia đình, trước đó 2 tháng, bé đang ăn đậu phộng thì bị sặc, nôn ra được một ít nên cha mẹ nghĩ con không còn bị hóc. Suốt 2 tháng sau, bé bị ho khò khè, thở khó, gia đình đưa đi khám nhiều nơi với kết quả viêm phổi, điều trị bằng kháng sinh. Điều trị mãi mà tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm, thậm chí lại còn nặng hơn, gia đình mới đưa bé đến BV Nhi đồng Thành phố thăm khám.

Thông tin về vụ việc, Tiến sĩ Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng khoa Nội Hô hấp, cho biết, dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và có nhiều trường hợp dẫn tới hậu quả rất đau lòng.

Dị vật phế quản có thể gây những biến chứng cấp tính như ngưng thở hay có thể gây nhiễm trùng phế quản phổi tái đi tái lại, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân.

Thực tế, nhiều người có dị vật trong đường hô hấp đã được điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng lao nhiều tháng nhưng bệnh vẫn không khỏi. Đặc biệt, dị vật không có cản quang (kim loại, răng, xương...) mà là các hạt trái cây, việc chụp X-Quang không thể phát hiện.

Nội soi phế quản giúp chẩn đoán, xác định vị trí, bản chất dị vật và tổn thương. Đây là phương pháp điều trị tối ưu để lấy dị vật ra khỏi đường thở.

Để phòng tránh hóc dị vật các bác sĩ khuyến cáo, không cười đùa nói chuyện khi ăn, cần chú ý phải nhai kỹ để không bị hóc các dị vật. Khi có dấu hiệu khó nuốt, khó thở cần phải đến bệnh viện ngay để điều trị sớm, tránh các biến chứng có thể xảy ra như: áp xe, dò vào trung thất, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi…

Khi bị hóc dị vật, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý xử trí tại nhà khi hóc dị vật, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Cần chú ý phòng tránh ở những bệnh nhân có nguy cơ cao như: bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt, bệnh nhân có tiền sử bệnh thần kinh, tâm thần, người già, trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/an-xoi-co-dau-phong-bi-hoc-nam-trong-phoi-phai-cap-cuu-khan-cap-d187720.html