Ấn tượng vùng đất sen hồng

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 được triển khai trong điều kiện khó khăn mới, phát sinh ngoài dự kiến, nhưng với sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành theo hướng ngày càng năng động của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong toàn tỉnh, Đồng Tháp đã đạt được nhiều mặt tích cực.

Trồng hoa kiểng là một thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của Đồng Tháp

Kết quả khả quan

Thống kê cho thấy, sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,38%, sản xuất có nhiều chuyển biến mạnh theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhiều mô hình tiên tiến và người dân tự quản được hình thành, nhân rộng. Nhiều sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn về chất lượng và chế biến gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh cao, nhất là xoài Cao Lãnh đạt các quy chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, mở ra thêm cơ hội phát triển thành ngành hàng mang tầm chiến lược.

Bên cạnh đó, sản xuất hoa kiểng kết hợp với du lịch ở TP Sa Đéc cũng mang lại kết quả tốt, nâng cao giá trị và ổn định vùng chuyên canh hơn 2.900ha. Ngành hàng cá tra phát triển theo hướng thâm canh, gắn kết với hơn 20 doanh nghiệp chế biến đạt chuẩn BAP, GlobalGAP, ASC, VietGAP phục vụ xuất khẩu.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nội dung “hợp tác - liên kết - thị trường” và “giảm chi phí - tăng chất lượng - chế biến tinh” đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Cơ cấu ngành nông nghiệp được chuyển đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng những sản phẩm có giá trị. Khuyến khích cá nhân, tổ chức mạnh dạn thay đổi và áp dụng công nghệ vào sản xuất, cũng như triển khai nhiều mô hình giá trị cao, tạo ra nông sản an toàn cho người tiêu dùng. Hình thành một số nhãn hiệu nông sản đặc trưng của tỉnh như chanh Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, kiệu ở Hội An Đông, khô cá lóc Tràm Chim, cá tra giống Hồng Ngự, ớt Thanh Bình...

Đồng Tháp còn thí điểm ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc và áp dụng thương mại điện tử cho mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”... Đồng thời, chú trọng thúc đẩy tinh thần hợp tác trong nông dân, có khoảng 100 mô hình hội quán hoạt động gắn với từng ngành hàng, ngành nghề đặc trưng của địa phương, tạo được xu hướng mới trong hợp tác sản xuất, làm nền tảng để phát triển và nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, đã có 21 HTX kiểu mới được hình thành từ mô hình này. Đây là mô hình tiêu biểu được Hội đồng Lý luận Trung ương chọn làm đề tài “Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về mô hình hội quán” để nhân rộng cả nước.

Nỗ lực bứt phá

Trên cơ sở kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm (2016-2020), UBND tỉnh Đồng Tháp đưa ra phương án tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 là 7,5%/năm; trong đó khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,5%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 10,23%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 8,8%/năm.

Tới đây, Đồng Tháp sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao; khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất theo yêu cầu nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và bền vững; thực hiện chuyên môn hóa, cơ giới hóa, tự động hóa, quản trị tiên tiến; đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng thâm canh, chuyên canh, ứng dụng công nghệ sinh học; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Tập trung phát triển HTX quy mô lớn, tăng cường sản xuất chung, mua chung, bán chung nhằm tăng chất lượng nông sản, giảm giá thành, tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán. Xây dựng HTX có đủ năng lực liên kết sản xuất, tiêu thụ, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Duy trì và phát triển mô hình Hội quán nông dân, phát triển mới các HTX trên nền tảng hội quán đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu thực tế của người dân. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị tăng thêm khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 22.672 tỷ đồng.

Về công nghiệp sẽ phát triển hợp lý, giữ vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp trên cơ sở cơ giới hóa, tự động hóa, ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp. Hình thành các trung tâm chế biến nông thủy sản và thực phẩm, gắn với phát triển hệ thống logistics, công nghiệp chế biến dược phẩm, thức ăn chăn nuôi; trong đó ổn định và phát triển các ngành công nghiệp chế biến lúa gạo, cá tra theo hướng tạo ra nhiều dòng sản phẩm giá trị gia tăng cao. Mục tiêu đạt giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 17.761 tỷ đồng vào năm 2025.

Đối với thương mại, thực hiện đa dạng các phương thức kinh doanh, dịch vụ logistics theo hướng phát triển các chuỗi cung ứng trong và ngoài tỉnh, chú trọng phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Nỗ lực đến năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 187.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD. Về du lịch, sẽ tiếp tục phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, kết hợp với tổ chức sự kiện, lễ hội, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Quan tâm khai thác thị trường khách du lịch từ TPHCM và khách du lịch nước ngoài, nhất là khách du lịch từ Campuchia đến Đồng Tháp.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ngoài những kết quả đạt được trên thì tốc độ tăng trưởng kinh tế dù được duy trì nhưng có xu hướng chậm lại, tính bền vững chưa cao; cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu sản phẩm công nghiệp chuyển dịch chậm. Sản xuất nông nghiệp chưa thích ứng với sự thay đổi nhanh của thị trường, việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài chưa rõ nét; phạm vi thực hiện các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh chưa đa dạng, phong phú, hàm lượng công nghệ chưa cao, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao…

HUỲNH LỢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/an-tuong-vung-dat-sen-hong-685759.html