Ấn tượng với tranh của cố họa sĩ Trần Văn Bình

Giữa tháng cuối năm 2020, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội), đã diễn ra triển lãm tranh sơn mài có chủ đề 'Quê hương' của cố họa sĩ Trần Văn Bình.

Đó là một triển lãm khá đặc biệt và ấn tượng. Trước khi khai mạc là cuộc họp báo của gia đình phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tập sách: Trần Văn Bình - Hội họa Sơn mài (Nhà xuất bản Thế giới) - ấn phẩm in đẹp, dày dặn hiếm có đối với cá nhân một họa sĩ. Sách gồm 286 trang in, khổ 21 x 27 cm, giấy couche, bìa cứng…, giới thiệu toàn bộ các tác phẩm tranh và nhiều tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của họa sĩ…

Quê hương

Quê hương

Làm nên điều đặc biệt, ấn tượng ấy là chị Đỗ Thị Hảo - người đã dày công tập hợp các tác phẩm tranh, sưu tầm nhiều tư liệu để xuất bản tập sách cũng như đứng ra tổ chức triển lãm tranh riêng cho người chồng quá cố - Họa sĩ Trần Văn Bình mất năm 2016 khi mới bước qua tuổi 60. Đã đành người vợ nào chẳng yêu quý chồng, nhưng để làm được hai việc có ý nghĩa như vậy, chị Hảo phải trân quý thành quả lao động nghệ thuật của chồng lắm lắm. Qua tập sách, đông đảo bạn bè đồng nghiệp và người yêu hội họa hiểu đầy đủ hơn họa sĩ Trần Văn Bình.

Nhân đón năm mới Tân Sửu 2021, Báo Công Thương xin giới thiệu tác phẩm tranh sơn mài “Quê hương” và một số tác phẩm đẹp về con trâu với cuộc sống người Việt Nam của cố họa sĩ Trần Văn Bình.

Như đã nói, tập sách dày 286 trang, trừ 80 trang in bài giới thiệu (song ngữ Việt - Anh) về tuổi thơ, quá trình học tập, sự nghiệp sáng tác, ảnh tư liệu về gia đình, bạn bè, phòng tranh, xưởng vẽ…; khoảng hơn 200 trang in khoảng 200 tác phẩm hội họa của họa sĩ. Khác với nhiều người, các tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Bình được ghi tên theo từng năm. Chẳng hạn, năm 2013, các tác phẩm được đánh số từ 1 đến 21. Gần 40 năm cầm cọ, họa sĩ để lại hơn 200 tác phẩm, riêng năm 2013, hoàn thành 21 tác phẩm - quả là một con số đáng khâm phục mà không phải họa sĩ nào cũng làm được!

Thổi sáo

Triển lãm tranh sơn mài của cố họa sĩ Trần Văn Bình lần thứ 2 này có chủ đề: Quê hương. Quê hương - Hiểu rộng ra là đất nước, con người Việt Nam: Những dòng sông, cánh đồng, cây cầu, cây đa, bến nước, đình chùa cổ kính hay trẻ thơ cưỡi trâu, thả diều…

Họa sĩ có một quãng đời tuổi thơ cũng rất đặc biệt. Ba, mẹ quê ở Quảng Ngãi. Đầu năm 1955, người mẹ có tên trong đoàn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc khi đang mang bầu và họa sĩ được sinh ra và cất tiếng khóc chào đời lẫn trong tiếng gầm gào của sóng biển. Sau gần hai tháng lênh đênh đại dương, con tàu cập bến ở miền duyên hải Thanh Hóa. Sau đó, cậu bé Bình được mẹ bồng bế theo đoàn về định cư ở Nam Sách, Hải Dương rồi Hà Nội… Sau khi học hết phổ thông, năm 1972, chàng thanh niên Bình thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và học chuyên khoa sơn mài. Đó là những năm chiến tranh chống Mỹ, trường phải đi sơ tán ở vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh hay Phú Thọ với “Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”… Năm 1976 tốt nghiệp, họa sĩ được phân công nhận công tác ở Phòng Tuyên truyền của Bộ Thủy sản. Ở đó, có Báo Thủy sản, với vai trò là họa sĩ, nhà báo Trần Văn Bình đã sáng tác khởi nghiệp thành công logo - biểu trưng của ngành thủy sản (SEAPRODEX) với hình 2 con tôm là nhãn hiệu hàng hóa đầu tiên của của ngành thủy sản Việt Nam được nhà nước bảo hộ (năm 1978) và cũng là nhãn hiệu hàng hóa đầu tiên của Việt Nam được đăng ký ở nước ngoài - Madrid (Tây Ban Nha). Khi đó, họa sĩ mới 23 tuổi.

Tuổi thơ

Với thiên chức tuyên truyền của mình, họa sĩ, nhà báo Trần Văn Bình có nhiều dịp đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên rồi miền ngũ Quảng, miền Trung, trong đó, có quê hương Quảng Ngãi đã hội tụ cảm xúc để người họa sĩ sáng tạo thành công tác phẩm “Quê hương” (khổ 120 x 200 cm) có dáng dấp nhiều vùng miền của đất nước và được trao giải thưởng Huy chương Bạc tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990 - Tác phẩm hiện thuộc sở hữu và được trưng bày tại Văn phòng Chính phủ. Cũng với mạch cảm xúc ấy, họa sĩ Trần Văn Bình còn có tác phẩm “Quêhương vào hội, 2006” (21,6 m2), hiện thuộc sở hữu và trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình), hay các tác phẩm sơn mài “Nhịp, 2010”; “Chùa cổ Đường Lâm, 2015” được trao giải tại các cuộc triển lãm khu vực và Hà Nội…

Ấy là chưa kể, trước đó, các tác phẩm “Hội họa, 1978” của họa sĩ Trần Văn Bình được treo ở Bảo tàng Phương Đông (CHLB Đức), “Bạch tuộc, 1984” được trao bằng Diplome tại Cuộc thi tranh áp - phích quốc tế về Chủ đề Hòa bình tổ chức ở Moskva (Liên Xô). Ngoài ra, tác phẩm của cố họa sĩ Trần Văn Bình còn có tên trong nhiều bộ sưu tập tranh nghệ thuật cá nhân đến từ nhiều quốc gia trên thế giới…

Như thế, có thể nói, họa sĩ Trần Văn Bình là người thành đạt với nghiệp cầm cọ. Chỉ tiếc, họa sĩ sớm vướng căn bệnh hiểm nghèo, phải rời “cõi tạm” khi bước vào cái tuổi mà với một người làm nghệ thuật còn có thể sung sức cống hiến và tỏa sáng!

Anh Bùi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/an-tuong-voi-tranh-cua-co-hoa-si-tran-van-binh-152011.html