Ấn tượng với bước phát triển của Thủ đô

Hôm nay, ngày 28/7, Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về 'Điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan' (1/8/2008 - 1/8/2018). Nhìn lại 10 năm qua, một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, người dân nhận định, Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo và đời sống người dân.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội - GS Nguyễn Minh Thuyết

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội - GS Nguyễn Minh Thuyết: Xây dựng chiến lược phát triển bền vững
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, nếu nhìn khách quan, Hà Nội vẫn chưa tận dụng được lợi thế của một Hà Nội rộng lớn hơn và đa dạng hơn. Sự phát triển của Hà Nội cũng nhiều điểm chưa làm người dân Thủ đô và những người yêu Hà Nội hài lòng, cả về hạ tầng, quản lý đô thị, nếp sống.
Tôi nghĩ, để thực hiện được những mục tiêu Nghị quyết đã đề ra, trước hết Hà Nội nên tập trung quy hoạch cho tốt. Phải có tầm nhìn xa như Thủ đô của nhiều nước phát triển, quy hoạch từ hàng trăm năm trước, nay vẫn đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Về kinh tế, Hà Nội nên chọn đầu tư phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch (tăng trưởng xanh), tạo môi trường đầu tư thông thoáng, kêu gọi đầu tư và phát triển kinh tế của các DN Việt Nam để làm nội lực lâu dài. Tức là về thực chất, cần xây dựng Hà Nội thành một “đặc khu” kinh tế. Chắc chắn là Hà Nội dễ thu hút nhà đầu tư hơn là những nơi hẻo lánh...
Cùng với đó, phải quyết tâm chỉnh trang đô thị, gây dựng lại nếp sống văn minh đô thị - nếp sống thanh lịch của người Tràng An. Tôi biết, TP đã bàn rất nhiều về vấn đề này, nhưng cái cần là những biện pháp thiết thực, rốt ráo. Tất cả những phong trào hình thức đều không có nghĩa lý gì. Phải xây dựng văn minh, văn hóa thật. Phải xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về trật tự vệ sinh đô thị, dần dần tạo thành nếp sống văn minh, tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội.
Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn lĩnh vực mà Hà Nội đang làm tốt là cải cách hành chính, cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền với người dân. Tiếp tục đà cải cách này cũng là giải pháp để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra những đổi thay vững chắc trong 10 năm tiếp theo. (Hà Bình ghi)

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Cần coi doanh nghiệp là nhân tố phát triển
Qua 10 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, kết quả đạt được trên mọi mặt đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn. Dù ban đầu rất nhiều khó khăn về sắp xếp tổ chức bộ máy, chênh lệch rất lớn giữa các địa phương; song qua sự chỉ đạo điều hành của Đảng bộ, chính quyền TP trên mọi phương diện, đến nay, Hà Nội có rất nhiều bước phát triển về kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, an ninh trật tự, y tế, giáo dục…
Tuy nhiên, cần thấy rằng, kinh tế Thủ đô vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nhất là trong quản lý đô thị, không ít nơi có quy hoạch nhưng quản lý, thực hiện theo quy hoạch hạn chế; dân số tăng nên mật độ xây dựng nội đô ngày càng tăng, trong khi xây dựng khu đô thị vệ tinh chậm; quản lý nhà siêu mỏng siêu méo, cấp thoát nước nhiều khó khăn. Dù có nhiều đường vành đai nhưng kết nối giao thông từ nội đô ra ngoại thành chưa đáp ứng được nhu cầu, gây ùn tắc...
Vì vậy, quan trọng nhất là TP cần thực hiện tốt quy hoạch và quản lý quy hoạch; tập trung phát triển hạ tầng để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; siết chặt quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường. TP cần phát triển kinh tế bằng cách tăng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh dịch vụ có tính công nghệ cao, phát triển công nghiệp xanh, sạch. Đặc biệt, cần hướng tới con số 1 triệu DN bằng cách đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, tạo thông thoáng về thủ tục, khuyến khích hộ cá thể chuyển sang DN. Kinh tế Thủ đô có tăng trưởng hay không, trước hết phải từ các DN nên cần coi DN là nhân tố phát triển. (Thùy Linh ghi)

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội - TS Trần Danh Lợi

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội - TS Trần Danh Lợi: Công tác quy hoạch có ý nghĩa quan trọng
Diện tích ngoại thành nông nghiệp Thủ đô chiếm một tỷ trọng lớn. Bởi thế, tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của tính đô thị trong nông thôn sau hợp nhất, bởi nông thôn mới hôm nay chính là nơi bắt đầu của đô thị hiện đại bền vững cho ngày mai.
Tất cả các quy hoạch của Hà Nội trong 10 năm qua đã hội tụ hàm lượng chất xám của các cấp chính quyền, các sở, ngành chuyên gia… Riêng Thành ủy Hà Nội có Chương trình 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nên nông thôn mới của Thủ đô đứng đầu cả nước (chiếm 76,2%).
Bên cạnh đó, tuy tính đô thị trong vùng lõi thực hiện rất khó, nhưng trong những năm qua, Hà Nội đã tạo những “chiến công” ấn tượng, có hiệu quả thiết thực như: Tổ chức không gian đi bộ, chương trình trồng 1 triệu cây xanh, 98% đô thị Hà Nội chiếu sáng ban đêm, xây dựng hơn 230km đường trong 10 năm; tình trạng mất nước mất điện, ngập lụt đã được cải thiện đáng kể. Chính bởi những kết quả đó mà Hà Nội được đánh giá là TP năng động đứng top 10 thế giới.
Tôi cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Hà Nội phải khẳng định vị trí của mình trong ASEAN bằng cách ưu tiên chính sách xã hội hóa, quản lý Nhà nước; tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phải vào cuộc để là cầu nối giữa chính quyền TP và DN. Về giao thông đô thị ở các TP cần được mở rộng và quan tâm hơn nữa đến quy hoạch giao thông theo hướng “bàn cờ”. (Thủy Tiên ghi)

Ông Lương Xuân Trúc, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên

Ông Lương Xuân Trúc, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên: Đời sống tiếp tục được nâng cao
Hoàng Long là một trong những xã xa trung tâm huyện, đường sá giao thông đi lại rất khó khăn. Nhưng trong 10 năm qua, đặc biệt từ năm 2011 đến nay, nhờ có sự quan tâm của TP và của huyện, tuyến đường giao thông huyết mạch từ xã Phú Túc kết nối với xã Hoàng Long đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện. Đây là điều kiện thuận lợi để tháng 7/2017 một tuyến xe buýt kết nối từ Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) về đến địa bàn xã Phú Túc và ngược lại đã được mở. Nhờ đó, người dân xã Phú Túc và xã Hoàng Long cùng các địa phương ở lân cận cũng được hưởng lợi rất nhiều từ chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân này. Đặc biệt, tuyến xe buýt có trợ giá này của TP còn giúp hàng trăm sinh viên là người địa phương và ở những xã lân cận đang học tập tại trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đi lại hàng ngày, không phải ở trọ lại trung tâm TP đã giúp giảm thiểu những bất cập cho các quận nội đô và giảm chi phí tài chính cho các gia đình. Không những thế, tuyến xe buýt này còn là phương tiện đưa đón du khách trong và ngoài nước đến mua sắm hàng hóa, tham quan chuỗi du lịch làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện. (Công Tâm ghi)

Chủ tịch hội LHPN TP Hà Nội Trần Thị Phương Hoa: Chính sách, pháp luật về bình đẳng giới từng bước đi vào cuộc sống
Việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào phụ nữ, hoạt động của Hội LHPN Hà Nội tiếp tục đổi mới, phát triển. Phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội ngày càng đi vào chiều sâu; các đề án, chương trình công tác trọng tâm và mục tiêu kinh tế, xã hội của TP đáp ứng lợi ích của người dân Thủ đô trong đó đã thực hiện tốt hơn chức năng đại diện và chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ.
10 năm qua, các cấp hội đã giúp 34.161 hộ phụ nữ thoát nghèo, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo; trên 110.000 lao động được tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, trong đó có trên 77.000 lao động nữ. Duy trì 7.950 đoạn đường phụ nữ tự quản trong đó có 3.546 đoạn đường xanh - sạch - đẹp, 380 đoạn đường nở hoa, biến 119 điểm chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản, qua đó góp phần giữ gìn môi trường sống của Thủ đô, xây dựng nếp sống văn minh đô thị…
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh đặt ra những thách thức và yêu cầu mới đối với công tác vận động phụ nữ và phong trào phụ nữ Thủ đô. Hội LHPN Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống, giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ hội viên phụ nữ. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động thiết thực, duy trì và phát triển các mô hình hay, hiệu quả. Đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ, cán bộ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội phấn đấu vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ. (Trần Thảo ghi)
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt: Tạo thêm cơ hội cho thanh niên phát huy vai trò
Địa giới hành chính Thủ đô mở rộng giúp thanh niên có cơ hội tham gia giải quyết những vấn đề “nóng” của TP như: Trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm…
Đặc biệt, 10 năm qua, hơn 3.200 đề tài sáng kiến của thanh niên được ứng dụng vào thực tiễn; hàng trăm mô hình chuyển giao công nghệ, cùng hàng chục ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp từ 23 câu lạc bộ và có hơn 20.000 lượt đoàn viên khởi sự doanh nghiệp; hơn 272.000 lao động trẻ có việc làm. Bên cạnh đó, thanh niên có hàng nghìn đề án khởi nghiệp nông nghiệp và tích cực tuyên truyền lịch sử văn hóa Thăng Long, thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng... Đồng thời, tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao đời sống văn hóa tinh thần toàn diện, 100% điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa có hoạt động biểu diễn nghệ thuật thường xuyên của Đoàn thanh niên... Hàng vạn lượt thanh niên tình nguyện thứ Bảy hàng tuần tham gia cùng cán bộ các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính tại địa bàn, đưa đến kết quả giảm 30% các thủ tục hành chính và giải quyết hồ sơ đạt 97,3%; 100% thanh niên đăng ký kết hôn qua mạng internet.
Tuy nhiên, hoạt động Đoàn ở các đơn vị mới được sáp nhập chưa ổn định, theo kịp với xu thế hoạt động của tổ chức; chưa đảm bảo về công tác cán bộ, các hoạt động phong trào còn chưa rõ nét… Thời gian tới, tuổi trẻ Thủ đô sẽ khắc phục những khó khăn của hiện tại, tiếp tục góp sức vào những đột phá mới của Thủ đô. (Trần Thảo ghi)
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao: Góp phần tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành chung của TP
Tại ngành tư pháp, việc hợp nhất về tổ chức, bộ máy được thực hiện chủ động, bài bản, đạt được sự đoàn kết, thống nhất cao trong đội ngũ công chức viên chức, giúp cho hoạt động nhanh chóng ổn định. Từ đó, tham mưu TP triển khai hiệu quả những nhiệm vụ trong thời điểm hợp nhất như rà soát, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, công bố công khai TTHC,…giúp cho việc quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô mở rộng sớm đi vào ổn định.
Trong những năm qua, công tác Tư pháp của TP đã được duy trì nề nếp, tổ chức thực hiện tốt và có nhiều tiến bộ, nhiều nhiệm vụ đã đạt kết quả đáng khích lệ, như: Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật có sự chủ động, chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của TP. Đồng thời, góp phần tích cực giải quyết những vấn đề vướng mắc, phức tạp về đầu tư kinh doanh, đất đai, xây dựng...; hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm, chú trọng, bám sát nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đạt được nhiều kết quả khả quan. Việc giải quyết thủ tục hành chính về Tư pháp ngày càng tốt hơn, đơn giản hơn, giảm thời gian, chi phí thực hiện của người dân. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho người dân trong lĩnh vực tư pháp được mở rộng trên địa bàn TP. Vai trò tham mưu của ngành Tư pháp đối với chính quyền các cấp của TP ngày càng chủ động, đúng việc và có hiệu quả; sự phối hợp giữa ngành Tư pháp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã ngày càng chặt chẽ... Việc chỉ đạo công tác tư pháp từ TP đến các cấp cơ sở ngày một thống nhất, đồng bộ; tổ chức bộ máy toàn ngành được củng cố, kiện toàn và phát triển; chức năng, nhiệm vụ của ngành được mở rộng, từng bước góp phần tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành chung của TP, phục vụ tích cực mục tiêu phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội của Thủ đô. (Hồng Thái ghi)
Bà Đinh Thị Hoài Liên – phường Láng Thượng (quận Đống Đa): Phát huy tinh thần đoàn kết, đưa Hà Nội phát triển
Qua thực tế, tôi thấy những kết quả mà Hà Nội đã đạt được sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính là rất lớn, cho thấy chủ trương này là sự đúng đắn và cần thiết. Vì nếu không mở rộng vào thời điểm đó thì ngày nay Hà Nội sẽ không có đủ không gian, nguồn lực để phát triển và sẽ không có đủ quỹ đất để giải các bài toán về giao thông, phát triển đô thị cũng như môi trường.
Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính thì cái mà Hà Nội đạt được là rất nhiều như: Kinh tế TP tăng trưởng khá; xây dựng nông thôn mới khởi sắc... Tuy nhiên, theo tôi chính tinh thần đoàn kết và ý chí tự lực, tự cường của Hà Nội là một trong những bài học kinh nghiệm quý giúp “trái tim của cả nước” đạt được những thành tựu như hôm nay.
Tôi hy vọng rằng, trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, Hà Nội cần tiếp tục cải tiến phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức sao cho chính quy, hiện đại để đáp ứng yêu cầu hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà TP đang theo đuổi. (Trần Long ghi)

Nhóm PV

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/an-tuong-voi-buoc-phat-trien-cua-thu-do-321795.html