Ấn tượng từ cuộc thi tranh cổ động tuyên truyền về BĐBP

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP và 30 năm 'Ngày Biên phòng toàn dân', Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về BĐBP. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo giới mỹ thuật, các họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước.

Hai trong số các tranh cổ động ấn tượng tại cuộc thi. Ảnh: Thanh Thuận

Cuộc thi được phát động từ ngày 31-8 đến 16-11, đến nay, Ban tổ chức đã nhận được 276 tác phẩm dự thi. Các tác phẩm có kích thước 54 x 79cm, đều là những sáng tác trong thời gian gần đây của các họa sĩ, chưa gửi tham gia các cuộc thi khác, chưa được phổ biến dưới bất cứ hình thức nào. Các tác phẩm dự thi đã thể hiện được mục đích tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của toàn dân, toàn quân ta và những đóng góp to lớn của BĐBP trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, quản lý và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới, biển, đảo của Tổ quốc, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đánh giá về chất lượng của các tác phẩm tham gia cuộc thi, ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “Tranh cổ động tham gia cuộc thi lần này khá phong phú về hình thức, nội dung đa dạng, tính cổ động cao. Bên cạnh các họa sĩ sử dụng các phần mềm đồ họa để sáng tác, còn có một số tác giả vẽ tranh cổ động bằng tay. Đây là điều rất đáng quý và phổ biến ở các cuộc thi vẽ tranh cổ động chuyên nghiệp khác”.

Ông Nguyễn Nghĩa Phương, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa mỹ thuật Việt Nam, thành viên Ban giám khảo chia sẻ: “Tôi ấn tượng mạnh nhất là màu sắc ở các tranh dự thi, nhận diện về BĐBP khá nổi bật, khác hẳn với những cuộc thi tranh cổ động khác. Điều đó cho thấy các họa sĩ đã nghiên cứu rất kỹ về BĐBP. Với tranh cổ động, màu nhận diện khá quan trọng, từ màu sắc có thể nhận diện ngay từng vấn đề, từng ngành, lĩnh vực... Bên cạnh đó, các họa sĩ còn thể hiện những hoạt động liên quan đến BĐBP như hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới, Chương trình “Nâng bước em tới trường”...”.

Trong vai trò cố vấn cuộc thi, Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết: “Tuy cuộc thi có thời gian phát động ngắn, nhưng đã nhận được rất nhiều tác giả tham dự. Các tác phẩm đẹp về hình thức, phong phú về nội dung, nêu bật đúng chủ đề, tư tưởng về người chiến sĩ BĐBP; phản ánh đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia của BĐBP, cũng như mối quan hệ đoàn kết quân dân, công tác đối ngoại, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các nước”.

Những tác phẩm tranh cổ động tham gia cuộc thi không chỉ thể hiện rõ về nội dung, mà còn mang tính nghệ thuật cao. Bởi từ trước đến nay, người ta quan niệm tranh cổ động, mà lại là tranh cổ động về chính trị, thường bị coi là “khô cứng”, có những mô-típ không thể thay thế, vì thế phần nào có thể hạn chế sự sáng tạo của họa sĩ. Mặt khác, dòng tranh này nếu không vẽ khéo rất khó đi vào lòng người. Vì vậy, họa sĩ vẽ tranh cổ động phải có khả năng khái quát nội dung; sử dụng màu sắc trong sáng, khỏe khoắn; dùng chữ chắt lọc, sao cho ngắn gọn, khúc chiết, gây ấn tượng mạnh mẽ, tạo sức thuyết phục cho người xem. Từ các bức tranh cổ động tham gia cuộc thi, cho thấy các tác giả đã cố gắng khám phá những ý tưởng mới, thay đổi bố cục, màu sắc, cách điệu những hình tượng quen thuộc trên những mô-típ không thể thay thế được của thể loại tranh cổ động để tạo nên nét đặc sắc riêng trong từng tác phẩm của mình.

Từ 276 tác phẩm dự thi, các thành viên Ban giám khảo đã lựa chọn 60 tác phẩm tranh cổ động có chất lượng cao để bỏ phiếu và chọn ra 16 tranh xuất sắc nhất trao các giải, gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải khuyến khích cùng 1 giải phong trào cho đơn vị vận động được nhiều tác giả, nhiều tác phẩm có chất lượng tốt tham gia dự thi.

Để có những tranh cổ động đẹp, các họa sĩ phải dựng hình thật chuẩn xác, đường nét hợp lí rõ ràng, dứt khoát, chỗ nào đậm nhạt đòi hỏi nghiên cứu một cách khoa học. Và trên hết là người họa sĩ phải có “tâm” với dòng tranh này, dành sự quan tâm nhiều đến lực lượng BĐBP mới có tác phẩm đẹp, nhiều sức biểu cảm, mang ý nghĩa nội dung chuẩn xác.

Các tranh được chọn trao giải cơ bản đáp ứng các tiêu chí về tính mỹ thuật, nội dung tuyên truyền. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá, góp ý của Ban giám khảo, các tác giả sẽ chỉnh sửa hoàn thiện và sau đó, Ban tổ chức sẽ chọn ra một số mẫu phục vụ công tác tuyên truyền đặc biệt trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân. Cuộc thi sẽ tổng kết và trao giải trong tháng 12 này.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/an-tuong-tu-cuoc-thi-tranh-co-dong-tuyen-truyen-ve-bdbp/