Ấn tượng trực thăng không người lái mới nhất ở Việt Nam

Tại Triển lãm kỷ niệm 60 năm ngành khoa học và công nghệ Việt Nam ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nhiều người xem ấn tượng bởi sản phẩm trực thăng không người lái lên thẳng, dòng sản phẩm máy bay không người lái mới nhất của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Nhiều sản phẩm ấn tượng

PGS.TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban ứng dụng công nghệ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chia sẻ, trực thăng không người lái mang tên Dragonfly-DF26 được chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam, áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nước ta.

Dòng trực thăng không người lái này có ưu điểm là khả năng hoạt động linh hoạt lên xuống thẳng đứng nên không cần diện tích bãi đáp, có thể cất hạ cánh trên tàu thủy. Thời gian bay tới 3 giờ trong vùng có phạm vi bán kính 50km. Đặc biệt có khả năng bay treo (bay tại chỗ) trong trường hợp cần thiết, mang theo các thiết bị nặng 4kg để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.

“Trực thăng được trang bị hệ thống chống rung lắc, tọa độ sẽ được truyền về trạm mặt đất (GCS) đồng thời kết nối mạng thông tin mặt đất phục vụ cho thông tin thám không theo thời gian thực và các ứng dụng của người dùng. Sản phẩm không còn là mẫu nghiên cứu mà hoàn toàn có thể thương mại hóa, phục vụ nhiều mục đích khác nhau từ nghiên cứu khoa học, quan trắc và giám sát, vận tải nhỏ đến nhiều ứng dụng chuyên biệt của an ninh quốc phòng”, đại diện nhóm chế tạo chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại biểu tham quan sản phẩm trực thăng không người lái Dragonfly-DF26 tại Triển lãm kỷ niệm 60 năm ngành khoa học và công nghệ Việt Nam Ảnh: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cung cấp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại biểu tham quan sản phẩm trực thăng không người lái Dragonfly-DF26 tại Triển lãm kỷ niệm 60 năm ngành khoa học và công nghệ Việt Nam Ảnh: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cung cấp.

TS Nguyễn Trọng Tĩnh, Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam kể, từ năm 2010, nhận thấy tầm quan trọng và khả năng ứng dụng của máy bay không người lái, Viện đã triển khai nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ phát triển máy bay không người lái. Trước Dragonfly-DF26, các nhà nghiên cứu của Viện đã nghiên cứu chế tạo thành công nhiều mẫu máy bay không người lái như Pelican VB-01 (2013), ORTUS (2016).

“Chúng tôi đã xây dựng cơ sở nghiên cứu và chế tạo máy bay không người lái, giúp chủ động hoàn toàn ở tất cả các khâu chế tạo máy bay không người lái cánh bằng “Pelican VB-01”, máy bay cánh bằng loại nhẹ “ORTUS” và máy bay trực thăng không người lái “DF-26”. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ứng dụng của máy bay không người lái đang tăng lên mạnh mẽ, từ các mục đích quân sự cho đến nghiên cứu khoa học, điện ảnh - truyền hình, nông nghiệp, lâm nghiệp, thương mại, vận chuyển, giải trí”, TS Tĩnh chia sẻ.

Cùng với máy bay không người lái, Việt Nam đang tiếp tục trên con đường chinh phục công nghệ chế tạo vệ tinh. Sau vệ tinh MicroDragon nặng 50 kg do đội ngũ kỹ sư Việt Nam chế tạo ở Nhật và được phóng lên vũ trụ thành công vào năm ngoái. Các nhà khoa học trẻ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam hiện đang chế tạo vệ tinh siêu nhỏ NanoDragon có trọng lượng 4kg.

Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết với phía Nhật Bản chế tạo vệ tinh LOTUSat-1 nặng gần 600kg sử dụng công nghệ radar, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. “Với LOTUSat-1, Việt Nam sẽ từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh 600kg, tiến tới tự chế tạo vệ tinh 600kg đáp ứng nhu cầu ảnh vệ tinh một cách chủ động, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời”, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chia sẻ.

Mới đây nhất, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng công bố chế tạo thành công một sản phẩm công nghệ hàng không vũ trụ khác - công nghệ điều khiển bay và thu hồi khí cầu tầng bình lưu. Kết quả nghiên cứu nhiều năm của nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm tin học và tính toán.

Khinh khí cầu có khả năng bay tới tầng khí quyển bình lưu, mang theo các thiết bị chuyên dụng phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Sau khi thực hiện nhiệm vụ, được điều kiển thu hồi về vị trí tính toán. Công nghệ này có thể sử dụng trong hàng loạt các ứng dụng giám sát, dẫn đường, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, truyền dẫn thông tin cho mạng lưới cảm biến môi trường cảnh báo thiên tai.

Hành trình cần nhiều khát vọng và tầm nhìn

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chia sẻ, thế giới đã nhận định công nghệ vũ trụ là biểu tượng khả năng cạnh tranh công nghệ cao của mỗi Quốc gia, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin và truyền thông, tự động hóa, cơ điện tử, cơ khí chính xác, vật liệu mới, sinh học, được chính phủ nhiều nước đầu tư mạnh mẽ.

“Các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới cũng đang cạnh tranh cuộc đua chiếm lĩnh không gian vũ trụ như Amazon, SpaceX, Facebook, Google. Nhiều dự án khổng lồ được lên kế hoạch như chùm vệ tinh viễn thông với 42.000 vệ tinh của SpaceX, chùm vệ tinh quan sát trái đất với hàng trăm vệ tinh của Planet Labs”, PGS Tuấn nói.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho rằng, cuộc chơi trong ngành công nghệ hàng không vũ trụ là cuộc chơi tốn kém, lâu dài: “Ông trùm SpaceX nói nếu cuối đời ông ấy chưa thấy người lên Sao Hỏa thì cuộc đời ông ấy không thành công. Làm vũ trụ đòi hỏi một khát vọng lớn lao và tầm nhìn dài hạn”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang ở giai đoạn bước đầu trong hành trình chinh phục công nghệ vũ trụ. Chúng ta đã bước đầu ứng dụng công nghệ vệ tinh vào quản lý, phát triển kinh tế xã hội, làm chủ được công nghệ chế tạo vệ tinh siêu nhỏ, đào tạo được một đội ngũ nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển ngành công nghệ cao này.

Dù vậy, ông Tuấn cho rằng, cuộc đua vào bầu trời còn rất nhiều việc phải làm. “Yếu tố quan trọng nhất để ngành công nghệ vũ trụ phát triển mạnh và bền vững là quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bằng việc sớm có một Nghị quyết của Bộ Chính trị về Không gian Vũ trụ như cách đây hơn 10 năm Bộ Chính trị có Nghị quyết về Phát triển kinh tế Biển. Đồng thời, Chính phủ cần sớm phê duyệt Chiến lược vũ trụ Quốc gia đến năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2040. Việt Nam cũng cần hoàn thiện khung pháp lý Quốc gia trong việc quản lý nhà nước, sớm hình thành Cơ quan Vũ trụ Quốc gia và có Luật vũ trụ Quốc gia”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo vị chuyên gia này, trước mắt, Việt Nam nên đầu tư tập trung phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật như sớm đưa vào sử dụng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công nghệ vũ trụ, đặc biệt cần tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm Quốc gia như vệ tinh, tên lửa đẩy, máy bay không người lái.

Vệ tinh NanoDragon – vệ tinh siêu nhỏ mới nhất do đội ngũ kỹ sư trẻ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chế tạo

Trực thăng không người lái Dragonfly-DF26 do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chế tạo

“Khi chúng ta làm chủ được không gian vũ trụ, chúng ta sẽ giành được lợi thế lớn trong tương lai”.
PGS
Phạm Anh Tuấn

PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho rằng, cuộc chơi trong ngành công nghệ hàng không vũ trụ là cuộc chơi tốn kém, lâu dài: “Ông trùm SpaceX nói nếu cuối đời ông ấy chưa thấy người lên Sao Hỏa thì cuộc đời ông ấy không thành công. Làm vũ trụ đòi hỏi một khát vọng lớn lao và tầm nhìn dài hạn”.

Hoài Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/an-tuong-truc-thang-khong-nguoi-lai-moi-nhat-o-viet-nam-1714251.tpo