Ấn tượng lễ hội dân gian truyền thống Doudou ở Bỉ

Lễ hội truyền thống bắt nguồn từ thời Trung Cổ có tên là 'Ducasse' nhưng được gọi thân mật bằng tên 'Doudou' theo một bài hát truyền thống mà người dân Mons thường hát vào dịp lễ này.

Lễ hội dân gian truyền thống Doudou (Đánh Rồng) ở thành phố Mons của Bỉ. (Nguồn: Getty Images)

Lễ hội dân gian truyền thống Doudou (Đánh Rồng) ở thành phố Mons của Bỉ. (Nguồn: Getty Images)

Sau hai năm vắng bóng do đại dịch COVID-19, lễ hội dân gian truyền thống Doudou (Đánh Rồng) ở thành phố Mons của Bỉ đã quay trở lại với hơn 70.000 người đã hào hứng tham gia trong ngày 12/6.

Lễ hội này đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2005.

Lễ hội truyền thống này có tên là "Ducasse" nhưng được gọi thân mật bằng tên "Doudou" theo một bài hát truyền thống mà người dân Mons thường hát vào dịp lễ này. Lễ hội bắt nguồn từ thời Trung Cổ.

Năm 1349, dịch bệnh hoành hành thành phố Mons và giới chức sở tại đã quyết định tổ chức một đám rước tới đền thờ thánh Waltrude - người đã lập ra thành phố Mons - và tới đền thờ của Vincent Madelgarus (chồng của Waltrude).

Sau đó, một phép màu đã xuất hiện và bệnh dịch đã biến mất. Kể từ năm 1352, lễ hội này được tổ chức hằng năm tại thành phố Mons bắt đầu từ ngày thứ Bảy trước ngày Chủ nhật Chúa Ba Ngôi, tức là ngày thứ 57 sau lễ Phục sinh và kéo dài trong suốt một tuần.

Theo truyền thống, lễ hội gồm ba phần quan trọng: lễ rước xá lị của thánh Waudru; lễ đẩy cỗ xe Car d’or (cỗ xe vàng được những con ngựa thồ kéo) và được người dân đẩy từ chân dốc lên đỉnh dốc và trận đấu giữa thánh Georges và con rồng.

Đối với người dân thành phố Mons, đây là một lễ hội tôn giáo thiêng liêng mà dù sống ở bất cứ phương trời nào, họ cũng đều phải cố gắng trở về thành phố để tham dự sự kiện này mỗi năm.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Bỉ, chị Floriane Chevalier cho biết chị sinh ra và lớn lên tại thành phố Mons và luôn gắn bó với Lễ hội Doudou.

Hiện nay, chị sinh sống tại Thụy Sĩ nhưng vẫn trở về quê hương vào dịp này hằng năm để tham dự lễ hội. Đây thực sự là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị và là dịp để chị tưởng nhớ tới các vị thánh đã tạo ra thành phố quê hương của chị.

Còn chị Mazzeo Cecile, cũng là một người dân thành phố Mons, không giấu được sự phấn khởi khi được chạm tay đẩy Cỗ xe vàng lên dốc, điểm nhấn của Lễ hội Doudou, vì điều này sẽ mang lại may mắn cho chị và gia đình.

Chị nói rằng sau hai năm vắng bóng do đại dịch, lễ hội năm nay được tổ chức trở lại khiến người dân vô cùng phấn khích. Để có được một chỗ đứng đẹp có thể chạm tay cùng đẩy cỗ xe, chị và nhóm bạn phải chờ ở quảng trường từ rất sớm, nơi đám rước đi qua.

Điều mà chị Mazzeo Cecile và nhóm bạn của chị vui nhất là dịch bệnh COVID-19 đã được khống chế hoàn toàn để lễ hội thiêng liêng của người dân Mons được tổ chức bình thường như truyền thống từ nhiều thế kỷ qua.

Theo ông Alexandre Boulengier, phụ trách đoàn ngựa kéo của Cỗ xe vàng, tất cả người dân thành phố Mons đều háo hức với lễ hội. Lễ rước quy tụ 1.800 người tham gia chia thành 60 đội với rất nhiều trang phục.

Trong suốt hơn hai năm qua, các nhà tổ chức đã phải chuẩn bị mọi công việc cho dịp lễ hội năm nay. Các nhà thiết kế phải mất một năm làm việc, không kể hàng chục tình nguyện viên.

Cỗ xe kéo hơn 200 năm tuổi được kiểm tra kỹ thuật thường xuyên để đảm bảo sự an toàn trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.

Trong thời gian diễn ra Lễ hội Doudou, trung tâm thành phố Mons biến thành một sân khấu ngoài trời khổng lồ với các buổi hòa nhạc, biểu diễn kèn đồng. Công chúng không phải khán giả mà chính là tác nhân tham gia trực tiếp vào lễ hội.

Để đảm bảo an ninh cho lễ hội, thành phố Mons đã huy động 1.500 cảnh sát, với sự hỗ trợ của 20 đơn vị cảnh sát liên bang, cảnh sát tư pháp và đội hiến binh Pháp.

Lễ hội Doudou 2022 sẽ kết thúc vào ngày 19/6./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/an-tuong-le-hoi-dan-gian-truyen-thong-doudou-o-bi/797632.vnp