Ấn tượng công nghệ biến tay giả thành tay thật!

Lần đầu tiên trên thế giới, một bệnh nhân bị cụt tay có thể sử dụng trí óc để điều khiển cách tay giả của mình, đồng thời cảm nhận được cái lạnh và đau đớn.

Ngày đen tối nhất trong đời Melissa Loomis

Melissa trong buổi giới thiệu về công nghệ tay giả hiện đại

Một ngày mùa thu năm ngoái, cô Melissa Loomis, 43 tuổi ở bang Ohio, Mỹ bị đánh thức bởi tiếng chó sủa vang góc vườn nhà. Khi ra ngoài, Melissa phát hiện một con gấu trúc Mỹ trong hàng rào. Còn 2 con chó nhà đang tìm cách tấn công con thú lạ.

“Thấy vậy tôi vội xuỵt để con gấu bỏ chạy và túm lấy 2 chú chó, ngăn chúng tấn công. Thế nhưng con gấu bất ngờ túm và cắn vào tay tôi”, Melissa kể lại.

Melissa sau đó vội tới bệnh viên. Các bác sỹ trấn an Melissa và cho rằng đó chỉ là vết xước nhỏ không đáng ngại. Dù vậy, họ vẫn tiêm kháng sinh, chống bệnh dại và uốn ván cho Melissa.

Vài ngày sau vết thương của Melissa bắt đầu sưng, mưng mủ do bị nhiễm trùng. Khi tiến hành xem xét, các bác sỹ phát hiện cô bị nhiễm một trong những loại vi khuẩn nguy hiểm nhất hiện nay. Melissa trải qua 8 ca phẫu thuật với nỗi đau thể xác khó diễn tả hết thành lời. Thế nhưng các bác sỹ vẫn không thể loại bỏ được tác động của loại vi khuẩn này.

Melissa được thông báo buộc phải cắt bỏ cánh tay tới gần vai để giữ lấy tính mạng. Nhận tin sét đánh, Melissa bị trầm cảm nặng nhưng không còn cách nào khác buộc phải hy sinh một bộ phận cơ thể.

Ánh sáng cuối đường hầm

May mắn cho cô, người trực tiếp phẫu thuật là giáo sư Ajay Seth nổi tiếng trong lĩnh vực phẫu thuật chỉnh hình đã quyết định cho Melissa cơ hội tiếp cận với cánh tay giả được ứng dụng công nghệ hiện đại chưa từng có.

Melissa cử động cánh tay giả

“Tôi không thể quên được giây phút bác sỹ Ajay Seth nói sẽ có cách cứu được cánh tay. Vào lúc đó, tôi chỉ cầu mong giữ được mạng sống của mình”, Melissa nói.

Giáo sư Ajay Seth cho biết, vào lúc cả kíp mổ không còn cách nào cứu vãn cánh tay của bệnh nhân, ông bất giác nhớ tới thông tin về cánh tay được điều khiển bằng não bộ trong cuộc hội thảo ở Canada vài tháng trước.

Đây chỉ là nguyên mẫu vốn được chế tạo để sử dụng cho các binh sỹ trong quân đội không may bị mất một phần cơ thể và chưa từng có ai được thử nghiệm dùng loại tay giả công nghệ cao này.

Với sự đồng ý của Melissa, giáo sư Ajay Seth đã đề xuất thử nghiệm lắp đặt cánh tay giả trên cơ thể cô và được chấp thuận. Để có thể gắn cánh tay giả loại này, các bác sỹ sẽ phải thực hiện kiểu phẫu thuật chưa từng có tại Mỹ. Trong lúc cắt bỏ cánh tay của Melissa, họ chia tách lại dây thần kinh, cho kết nối cánh tay giả với não bộ.

Kết quả thành công mỹ mãn, Melissa giờ đây như được hồi sinh cánh tay phải của mình. Cô có thể dễ dàng điều khiển chúng như một bộ phận cơ thể chỉ bằng cách nghĩ trong đầu! Không những vậy, cô còn có thể cảm nhận rõ rệt áp lực, nhiệt độ ở cánh tay giả và sử dụng linh hoạt các ngón tay.

Trong một chương trình truyền hình mới đây, Melissa và giáo sư Ajay Seth đã trình diễn công nghệ này trước khán giả và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

“Trên thực tế não bộ của Melissa đã bị đánh lừa. Nó tưởng cánh tay vẫn ở đó và chấp nhận như một phần của cơ thể. Công nghệ mới này đơn giản đã “hack” trung tâm điều khiển của Melissa”, giáo sư Ajay Seth lý giải!

Cánh tay giả này được chế tạo dành cho các binh sỹ nam giới nhưng với thành công của ca phẫu thuật đã cho thấy công nghệ này hoàn toàn có thể phù hợp với nữ giới, quân nhân nữ.

Hiện tại công nghệ tay giả trên vẫn chưa được phổ biến và khá tốn kém. Thế nên các nhà nghiên cứu hy vọng Chính phủ, tổ chức và các cá nhân sẽ cùng chung tay góp quỹ để phát triển và phổ biến công nghệ này.

Minh Quang (Mail)

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/choi-va-thu-gian/201610/an-tuong-cong-nghe-bien-tay-gia-thanh-tay-that-543657/