An Tư- Giọt lệ buồn giữa những trang cổ sử

Những cuốn sử thường mang sau con chữ tiếng ngựa hý, gươm khua, ''trống tràng thành lung lay bóng nguyệt'', và cả giọt lệ sầu, khiến mắt ta nhòe mãi không thôi…

Tranh vẽ minh họa An Tư Công Chúa từ biệt anh trai sang trại giặc.

Tranh vẽ minh họa An Tư Công Chúa từ biệt anh trai sang trại giặc.

Trang sử Đại Việt, vào những năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông giữ nước, có chép về một con người, dù chỉ vài dòng ngắn ngủi, nhưng chúng ta đọc, và giọt lệ cảm phục hòa cùng giọt lệ thương cảm, chảy mãi không thôi.

Đọc tên của người ấy, An Tư Công Chúa, nhiều thế hệ sau chỉ biết đoán hay tưởng tượng về người. Đúng như tên chữ An Tư (安姿). Chữ An, ta tưởng tượng ra một người con gái ở dưới mái nhà khuê các. Với chữ Tư, ta hình dung ra phần nào nhan sắc thùy mị, bình lặng của người.

Sử cũ chỉ chép rằng An Tư Công Chúa, có thân phận là con gái út của vua Trần Thái Tông, không chép mẹ là ai. Như vậy người là em gái của Thượng hoàng Trần Thánh Tông, và là cô của đương kim Hoàng đế Trần Nhân Tông.

Năm 1285, Đại Việt của người, và của chúng ta nữa, chợt bước vào cơn nguy biến. Đoàn quân lang sói Nguyên Mông hung hãn, mà vó ngựa từng tung hoành, uống trọn cả nước sông Hoàng Hà và sông Danube, lại ầm ầm kéo sang.

Đầu năm 1285, quân xâm lược dưới sự chỉ huy của Trấn Nam Vương Thoát Hoan, đánh tới Gia Lâm, uy hiếp Thăng Long.

Tranh vẽ Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, người anh hùng niên thiếu.

Thượng Hoàng cùng vua phải đi thuyền nhỏ tới vùng Tam Trĩ, tức thượng nguồn sông Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh ngày nay. Còn thuyền ngự thì chạy ra vùng Ngọc Sơn, đánh lạc hướng.

Nhưng quân giặc vẫn phát hiện ra. Ngày 9 tháng 3 cùng năm, thủy quân giặc bao vây Tam Trĩ, suýt bắt được hai vua.

Tranh vẽ Tướng Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng bất khuất trước quân thù.

Cục diện xấu đi dồn dập. Tướng Trần Bình Trọng hy sinh ở bờ sông Thiên Mạc. Tôn thất nhà Trần như Trần Lộng, Trần Kiện, hay hoàng thân Trần Ích Tắc đều quy hàng. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung được sai đi sứ ngõ hầu làm chậm bước tiến của đại quân Nguyên Mông, nhưng không có kết quả.

Phải làm gì? Thế cùng Thượng Hoàng Trần Thánh Tông phải dùng tới kế dâng em gái út của mình, tức An Tư Công Chúa, cho Trấn Nam Vương Thoát Hoan, để ‘’tạm’’ cầu hòa.

‘’An Nam Chí Lược’’ của Lê Tắc, một thuộc hạ của Trần Kiện, hàng Nguyên, có chép như sau:

"Năm Ất Dậu, Chí Nguyên (1285)... Ngày Kỷ Dậu (mồng 6), Giảo Kỳ suất bọn Chương Hiến hầu đánh phá quân của người em Thế tử, là Thái úy Trần Khải tại bến đò Phú Tân, chém ngàn người, Thanh Hóa và Nghệ An đều đầu hàng. Vua Trần sợ, khiến người trong họ là Trung Hiến hầu Trần Dương xin hòa.

Lại sai kẻ cận thị là Đào Kiên đưa bà chúa em vua cho Trấn Nam vương xin hòa giải. Nhà Nguyên khiến Ngại Thiên Hộ qua tuyên lời dụ nói: Đã muốn xin hòa, sao không thân hành tới mà bàn luận. Thế tử không nghe". (Theo An Nam Chí Lược, quyển 4, ‘’Chính thảo vận hướng’’).

''Đại Việt Sử Ký toàn thư'' chép rằng:

‘’Tháng 2, Ất Dậu… sai người đem công chúa An Tư, em gái út của Thánh Tông đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy…’’ ( Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội, 1985, tr. 51)

Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thì Sỹ, thời Lê Trung Hưng, cũng ghi:

"Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được; ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước"

Việt Sử Tiêu Án còn bình rằng:

‘’Công chúa là em gái út của Thánh Tôn, đem gả cho Thoát Hoan thật không còn kế sách gì, đáng cười lắm’’.

Khi cục diện thay đổi, quân nhà Trần bắt đầu phản công, quân Nguyên bị đốt lương thảo ở Vân Đồn, đại bại. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng, cho lên xe để quân sỹ kéo chạy về nước.

Thắng trận, triều đình làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng ngày nay, ta không thấy có đoạn sử nào chép thêm về An Tư Công Chúa. Không biết được Công Chúa, lúc thắng trận, còn hay mất, được mang về bên Trung Quốc, hay đã hy sinh giữa đám loạn quân.

Phải chăng trong trái tim của hai vị vua lúc đó đã không ‘’nhỏ một giọt lệ’’ cho một giọt máu hoàng tộc đã vì nước ra đi? Hay họ không bàn đến vì những ngăn trở chính trị nào đó? Và cả những nhà chép sử, những người luôn sẵn rơi đầu vì viết sự thật, họ cũng không động tâm, để lại một dòng nào?

Đến đây, mới thấy Việt Sử Tiêu Án đáng lý phải viết thêm rằng: ‘’Thắng trận, quên công, vua tôi nhà Trần thật chẳng đáng cười lắm sao…’’, mới phải đạo.

Vì đã lùi quá xa trong thời gian, chúng ta không cách nào biết được. Nhưng Đại Việt trường tồn thì không bao giờ quên. Chúng ta hãy cùng đọc…

Trong cuốn ‘’Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam’’, mục từ ''An Tư'' có viết:

‘’...Một ngày trong tháng 2 năm 1285, Trung Hiếu hầu Trần Dương nhận lệnh đi thương thuyết giảng hòa, rồi sai quan hầu cận là Đào Kiên đưa công chúa An Tư sang dinh tướng Mông Nguyên’’.

‘’Chẳng bao lâu, dưới sự chỉ huy kháng chiến của Trần Quốc Tuấn, quân Nguyên Mông bị dẹp tan. Trong chiến công này rõ ràng là có sự đóng góp của công chúa An Tư, người đã hy sinh vì nạn nước’’ (Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1992, tr. 12).

Tiểu thuyết ''An Tư'' của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gây xúc động nhiều thế hệ bạn đọc.

Khi bàn về cuốn tiểu thuyết ‘’An Tư’’ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tiến sỹ Nguyễn Bích Thu đã viết:

‘’Trong tiểu thuyết...An Tư tượng trưng cho cái đẹp biết dấn thân, mang một ý nghĩa lớn lao có thể lay chuyển hàng binh thế trận...

Nguyễn Huy Tưởng bằng tình cảm và lòng ngưỡng mộ của mình đã ghi nhận và tôn vinh sự hi sinh thầm lặng nhưng quyết liệt của An Tư, một nữ trung hào kiệt trong tiểu thuyết như một chiến công sánh ngang với Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng và trường hợp của nàng đáng được lưu danh như tên tuổi các bậc tiền nhân nhà Trần’’… (Nguyễn Huy Tưởng – nhà chép sử bằng văn chương)

‘’ Dù triều Trần và sử sách có quên nàng thì các thế hệ đời sau vẫn dành cho nàng sự kính trọng, thương cảm. Khoảng trống lịch sử sẽ được lấp đầy bằng tình cảm của người đời sau’’ (Khuyết danh)

Đó là một giọt lệ, gồm cả cảm phục và thương cảm, vẫn còn đọng mãi giữa những trang cổ sử của Đại Việt….

‘’Thuở Trời Đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này’’

(Chinh Phụ Ngâm, Đoàn Thị Điểm)

Hàn Thủy Giang.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/an-tu-giot-le-buon-giua-nhung-trang-co-su-3402001/