Ấn-Trung triển khai lính, vũ khí đến biên giới tranh chấp

Quân số Trung Quốc tại biên giới có vẻ ít hơn lực lượng của Ấn Độ, nhưng New Delhi lo ngại nhiều về các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc gần biên giới.

Căng thẳng có thể tiếp tục leo thang giữa Trung Quốc và Ấn Độ khi cả hai bên tăng cường triển khai binh sĩ và vũ khí tới khu vực biên giới đang còn trong tình trạng tranh chấp, báo South China Morning Post đưa tin.

Dù không có tuyên bố chính thức nào từ Bắc Kinh, giới quan sát cho rằng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã triển khai đến biên giới nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến cũng như cải tiến các máy bay chiến đấu cho phù hợp với việc tác chiến trong khu vực có độ cao lớn như ở Tây Tạng.

Còn về phía New Delhi, quân đội Ấn Độ đã chuyển một số tiểu đoàn thuộc một sư đoàn đang đóng tại TP Leh ở khu vực Ladakh (bang Jammu và Kashmir) đến "khu vực báo động tác chiến" ở biên giới.

Xe tăng Type 15 là một trong những vũ khí được PLA triển khai tới Tây Tạng. Ảnh chụp màn hình CCTV

Xe tăng Type 15 là một trong những vũ khí được PLA triển khai tới Tây Tạng. Ảnh chụp màn hình CCTV

Giữa tháng trước, binh sĩ hai bên đã lao vào đánh nhau và ném đá lẫn nhau làm nhiều người bị thương. Tuần trước, binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ chia sẻ lên mạng xã hội những hình ảnh "hạ đo ván" lực lượng bên kia biên giới.

Trung Quốc triển khai lực lượng hỗn hợp đến biên giới

Ngày 1-6, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin một đơn vị trinh sát PLA đã được điều động tới một vị trí thuộc dãy Đường Cổ Lạp (có độ cao khoảng 4.700 m so với mực nước biển).

Chuyên gia quân sự Hong Kong Lương Quốc Lương cho biết Bắc Kinh đã triển khai ít nhất chín lữ đoàn vũ trang hỗn hợp đến Quân khu Tây Tạng - khu vực giáp ranh vùng biên giới đang tranh chấp với Ấn Độ.

Các lữ đoàn được triển khai tới bao gồm lực lượng bộ binh, pháo binh, phòng không, không quân, lực lượng phòng hóa và phòng hóa hạt nhân, cùng lực lượng tác chiến điện tử.

Một số hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tăng cường lực lượng tại căn cứ không quân Ngari Gunsa (khu tự trị Tây Tạng), cách khu vực Ladakh của Ấn Độ khoảng 200 km. Các ảnh chụp này cũng cho thấy PLA đã triển khai máy bay chiến đấu đa nhiệm J-16 đến một sân bay ở khu vực này.

Một nguồn tin quân sự nói với South China Morning Post rằng có thể các máy bay J-16 được triển khai tới Ngari Gunsa để tham gia các hoạt động huấn luyện thông thường. Trong khi đó, các máy bay chiến đấu khác được điều đến Tây Tạng là do xung đột ở cao nguyên Doklam cách đây ba năm.

"Không quân Ấn Độ đã triển khai nhiều máy bay đến biên giới cho nên PLA cần triển khai J-16 - loại máy bay tiên tiến hơn so với Su-30MKI của Ấn Độ" - nguồn tin này bình luận.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Châu Thần Minh cho rằng việc triển khai máy bay lên khu vực Tây Tạng chỉ nhằm mục đích huấn luyện và thử nghiệm, "không thực sự nhằm gây chiến với Ấn Độ".

Hệ thống pháo tự hành xe tải PCL-181 được PLA triển khai đến Tây Tạng. Ảnh: SCMP

Ông Châu cho rằng PLA chỉ có khoảng 70.000 quân ở khu vực biên giới, trong khi quân đội Ấn Độ triển khai tới 400.000 quân.

Ấn Độ quan ngại các công trình hạ tầng của Trung Quốc gần biên giới

Tuy nhiên, bà Rajeswari Rajagopalan - nhà phân tích quân sự thuộc Tổ chức nghiên cứu Quan sát viên (có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ) - cho rằng quân số của Ấn Độ tại khu vực biên giới giáp Trung Quốc là ít hơn 225.000 quân.

Dẫn số liệu từ Viện Công nghệ Massachusetts, bà Rajagopalan cho rằng Trung Quốc đã triển khai khoảng 230.000 - 250.000 quân tới Chiến khu phía tây (bao gồm Quân khu Tây Tạng).

Về phía lực lượng Ấn Độ, bà Rajagopalan cho rằng "phần nhiều trong các lực lượng của Ấn Độ (ở khu vực biên giới - PV) không đối đầu với Trung Quốc và một lượng đáng kể họ được triển khai cho nhiệm vụ không nổi dậy".

Nhà phân tích quân sự Ấn Độ Rajeev Ranjan Chaturvedy cho rằng căng thẳng leo thang do là New Delhi nghi ngờ mục đích của Bắc Kinh khi tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng ở gần khu vực tranh chấp.

"Cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang lớn hơn và tốt hơn. Trong khi Trung Quốc phát triển và tiếp tục khả năng tiếp cận chiến lược, họ lại muốn những nước khác không làm như vậy" - ông Chaturvedy nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng "Ấn Độ quyết tâm cải thiện năng lực tiếp cận khu vực biên giới và họ không cần sự đồng ý từ Bắc Kinh để phát triển cơ sở hạ tầng biên giới của riêng mình".

VĂN KIẾM

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/antrung-trien-khai-linh-vu-khi-den-bien-gioi-tranh-chap-916840.html