Ấn, Trung dừng nhập vàng, vì sao giá vẫn liên tục tăng mạnh?

Kinh tế đình đốn khiến Trung Quốc và Ấn Độ ngừng nhập khẩu vàng nhưng một đối trọng khác bất ngờ gom mua ồ ạt khiến giá vàng vẫn duy trì đà tăng đến cuối năm.

Theo Bloomberg, khi đại dịch Covid- 19 bùng nổ khiến các quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ dừng mua vào, các nhà đầu tư phương Tây tích cực gom vào khiến giá vàng được đẩy lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Sự chuyển dịch về nhu cầu vàng

Theo báo cáo, dòng tiền đổ vào các quỹ giao dịch vàng, chủ yếu nằm ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu đã tăng vọt và vượt xa mốc kỷ lục từng thiết lập vào năm 2009.

Bất ngờ là bức tranh đối lập đang diễn ra ở phương đông: sức mua từ Trung Quốc và Ấn Độ lao xuống mức thấp chưa từng có khi đại dịch tàn phá hoạt động nhập khẩu và các trung tâm thương mại buộc phải đóng cửa. Đáng nói, khi giá vàng càng nhích lên thì doanh số tiêu thụ càng đình đốn.

 Người tiêu dùng Ấn Độ và Trung Quốc quay lưng với vàng khi kinh tế đi xuống vì dịch bệnh, giá vàng thế giới vẫn tăng vọt nhờ nhu cầu đầu tư an toàn của giới đầu cơ phương tây. Ảnh: istock

Người tiêu dùng Ấn Độ và Trung Quốc quay lưng với vàng khi kinh tế đi xuống vì dịch bệnh, giá vàng thế giới vẫn tăng vọt nhờ nhu cầu đầu tư an toàn của giới đầu cơ phương tây. Ảnh: istock

Sự dịch chuyển tích cực của giá trị vàng từ phương đông sang phương tây được thúc đẩy mạnh mẽ khi các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho dòng tiền. Trong khi đó, nhu cầu về vàng vật chất ở châu Á, chủ yếu dùng cho phương tiện thanh toán và đồ trang sức xa xỉ tiếp tục giảm mạnh.

Theo Goldman Sachs, nhu cầu trú ẩn của các nước phát triển đóng góp 18% mức tăng trong giá vàng năm nay, trong khi nhu cầu yếu đi ở các thị trường mới nổi khiến giá vàng giảm 8%.

Vàng vốn được coi là biểu tượng của cải và giàu có ở châu Á, do đó khi thực hiện cách ly vì dịch bệnh, tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng và tăng trưởng kinh tế yếu đã kiềm chế các khoản chi tiêu xa xỉ. Nhu cầu về đồ trang sức ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng lao dốc.

Theo Darwei Kung thuộc quỹ DWS Investment Management Americas, “Kỳ vọng rằng các nhà đầu tư phương Tây vẫn mặn mà với đầu tư vào thị trường ETF, và nếu nhu cầu mua vào của Ấn Độ và Trung Quốc cải thiện từ giờ đến cuối năm, giá vàng còn có thể tăng mạnh hơn”.

Giá vàng cũng thiết lập mức kỷ lục 1.800 USD/ounce kể từ năm 2009. Ảnh: Bloomberg.

Ước tính, giá vàng giao ngay đã tăng 17% trong năm 2020, kết thúc quý II với đợt tăng lớn nhất trong vòng 4 năm qua. Vào 30/6, lần đầu tiên vàng trên COMEX lần đầu tiên đạt đỉnh 1.800 USD/ ounce kể từ năm 2011. Tuy nhiên, khi giá vàng tăng nhanh cũng có thể khiến sức mua của người dân châu Á nguội lạnh.

Sức kéo đẩy của thị trường

Công ty tư vấn kim loại quý Metal Focus dự báo cầu về trang sức vàng của Trung Quốc năm 2020 giảm tới 23%, trong khi nhu cầu của Ấn Độ lao dốc 36%. Theo giám đốc điều hành Hiệp hội vàng Trung Quốc Zhang Yongtao, doanh số vàng của Trung Quốc thậm chí thấp hơn 30% so với năm 2019. Nhưng đó vẫn là sự cải thiện so với ước tính ban đầu về mức giảm 50% ở giai đoạn dịch bệnh bùng phát đỉnh điểm.

Nidhi Saxena, 31 tuổi, kỹ sư phần mềm tại Ấn Độ, buộc phải ngừng kế hoạch mua lắc tay vàng cho bản thân khi chứng kiến giá vàng tăng vọt, nhiều đồng nghiệp mất việc.

“Tôi khó có thể nghĩ đến việc mua vàng thời điểm này khi mà không chắc có giữ được công việc hay không”, nữ kỹ sư cho biết.

Ấn Độ vốn phụ thuộc toàn bộ vào nguồn nhập khẩu vàng cho nhu cầu trong nước, đã chứng kiến giá trị nhập khẩu lao dốc tới 99% trong tháng 4 và tháng 5.

Các quỹ đầu tư Mỹ ồ ạt mua vàng tích trữ trong 3 tháng qua. Ảnh: US Census Bureau

Ngược lại, nhu cầu từ các quỹ ETF ở phương Tây vẫn tiếp tục tăng vọt do triển vọng bi quan về kinh tế, tỷ giá thực âm và tình trạng tiền tệ mất giá do các biện pháp kích thích kinh tế.

Tổng số vàng nắm giữ trong các quỹ ETF đã tăng hơn 600 tấn trong năm nay, và dòng vốn ETF đã vượt qua sức mua bán lẻ ì ạch ở Trung Quốc và Ấn Độ trong quý đầu tiên kể từ năm 2009. Trong khi dữ liệu về tiêu dùng quý II chưa có, cầu của ETF đã tăng ròng trong 3 tháng qua.

“Nhu cầu vàng toàn cầu trong năm 2020 hầu như được kích thích từ phía đầu tư… Và dòng vốn ào ạt đổ vào với tốc độ chưa từng có”, ông Steve Dunn, người đứng đầu quỹ ETF tại Aberdeen Standard Investments cho biết. Có thể thấy, dòng chảy này đại diện minh họa cho sự dịch chuyển kịch tính từ cầu vàng vật chất ở phương đông sang quỹ đầu tư ở phương tây.

Ước tính, các quỹ vàng ở New York đã tranh giành và nhập vào ồ ạt tổng cộng hơn 700 tấn vàng, thiết lập mức kỷ lục kể từ năm 1993. Động lực chủ yếu của tình trạng này là do thị trường tài chính đang điêu đứng vì kinh tế đóng cửa và các nhà máy lọc dầu đình trệ vì dịch bệnh, người đầu tư trông chờ vào kênh trú ẩn an toàn nhất. Tương tự, giá trị vàng trong kho của Comex đã tăng lên một kỷ lục.

Tuy nhiên, khó có thể kết luận về tác động của đại dịch trong sự dịch chuyển này. Bởi trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2008, sức mua của Trung Quốc và Ấn Độ nhanh chóng hồi phục trở lại chỉ trong vòng 1 năm, và đạt giá trị bùng nổ vào năm 2013 sau khi giá vàng thực sự hạ nhiệt. Roland Wang, giám đốc điều hành Trung Quốc tại Hội đồng vàng thế giới nhận định “chắc chắn chúng ta thấy rằng năm nay, lĩnh vực kinh doanh bán lẻ sẽ còn đối mặt nhiều thác thức, đặc biệt là đối với lĩnh vực trang sức. Khả năng phục hồi còn trông chờ vào tình hình kinh tế và diễn biến của đại dịch”.

An Chi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-trung-dung-nhap-vang-vi-sao-gia-van-lien-tuc-tang-manh-post1103095.html