'Ăn' trên đầu bệnh nhân, rút ruột bảo hiểm y tế!

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã ăn trên đầu bệnh nhân, nhiều lãnh đạo các sở y tế đã vào tù và còn rất nhiều nghi vấn, những lỗ hổng về công tác quản lý khám chữa bệnh, vật tư, thiết bị y tế...

Một thông tin rất đáng chú ý trong việc kiểm tra, quản lý giá cả các loại vật tư y tế khi lãnh đạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội vừa có công văn gửi các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình đấu thầu, sử dụng stent động mạch vành tại đơn vị mình từ năm 2015 đến ngày 31-3-2021.

Không chỉ báo cáo các nội dung trên, BHXH TP Hà Nội còn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh gửi kèm hồ sơ mua sắm, bao gồm các quyết định phê duyệt, quyết định lựa chọn nhà thầu, quyết định phê duyệt trúng thầu cung cấp vật tư, tổng hợp chi phí thanh toán BHYT đối với stent động mạch vành tại đơn vị trong khoảng thời gian nói trên và cả danh sách các bệnh nhân sử dụng BHYT đặt stent động mạch vành gửi về BHXH TP Hà Nội trước ngày 6-5-2021.

Ở góc độ quản lý nhà nước về y tế và BHXH, các cơ quan BHXH địa phương có quyền đặt ra những yêu cầu nêu trên để quản lý quỹ BHYT một cách cụ thể, chặt chẽ và tốt hơn, tránh tiêu cực, làm thất thoát quỹ BHYT.

Về nguyên tắc, để thanh toán tiền BHYT, các đơn vị khám chữa bệnh hàng tháng, hàng quý đều có báo cáo cho BHXH sở tại để quyết toán số tiền đã chi khám chữa bệnh cho bệnh nhân ở đơn vị mình, bao gồm thuốc men, vật tư y tế... Tất nhiên để quyết toán cơ quan BHXH đều căn cứ vào quy định sử dụng BHYT của cơ quan BHXH Việt Nam, của Bộ Y tế, Bộ Tài chính…

Nhưng vì sao BHXH TP Hà Nội lại yêu cầu các đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn báo cáo chi tiết về việc đặt stent đối với bệnh nhân động mạch vành và cả danh sách các bệnh nhân đã đặt stent? Có thể BHXH TP Hà Nội nhận thấy "có điều bất ổn" trong thủ thuật y khoa này như giá cả stent, số lượng bệnh nhân tăng đột biến…

Yêu cầu trên của BHXH Hà Nội là rất đáng hoan nghênh nhưng cũng làm nhiều cơ quan BHXH, các cơ sở khám chữa bệnh ở những địa phương khác… giật mình.

Stent là loại vật tư y tế dùng cho bệnh nhân động mạch vành, là những khung lưới kim loại nhỏ được đưa vào trong lòng mạch vành, nhằm mục đích mở rộng lòng mạch bị hẹp và giữ nó không hẹp lại, đặt dưới da. Tuy nhiên giá cả stent lại rất khác nhau. Theo một chuyên gia về tim mạch, có nhiều loại stent và chất lượng rất khác nhau, có stent thường, có loại chất lượng cao được tạo bằng công nghệ sinh học… Stent trị liệu kép là loại stent mới nhất và rất đắt tiền.

Đặt stent là thủ thuật y khoa kỹ thuật cao nhưng được BHYT thanh toán, tùy chế độ bảo hiểm của cá nhân và tùy sự lựa chọn của bệnh nhân. Đó cũng có thể là lý do BHXH Hà Nội kiểm tra chi tiết loại dịch vụ này với các cơ sở y tế trên địa bàn.

Trong y khoa, không chỉ có thủ thuật đặt stent, còn nhiều thủ thuật, các loại bệnh khác như tim, gan, cơ xương khớp, lao các loại, ung thư các loại… thường áp dụng các phương pháp kỹ thuật cao rất tốn kém, giá cả rất khác nhau. Các chuyên gia, các cơ quan quản lý quỹ BHYT địa phương rất khó quản lý về giá cả các loại vật tư như vậy. Đây là những kẽ hở để những kẻ muốn lợi dụng rút ruột quỹ BHYT, móc túi bệnh nhân.

Việc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ăn trên đầu bệnh nhân qua việc "thổi giá" các thiết bị y tế kỹ thuật cao, "ăn gian" mỗi bệnh nhân phẫu thuật sọ não hơn 16,5 triệu đồng/ca, chỉ là một trường hợp điển hình. Nếu bệnh nhân thực hiện thủ thuật này được BHYT thanh toán một phần, quỹ BHYT cũng đã bị rút ruột.

Chính vì vậy, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam… cần có quy chế minh bạch, công khai tất cả các loại thủ thuật, vật tư y tế, các loại thuốc đặc trị… để không chỉ bệnh nhân được hưởng lợi mà còn chống được thất thoát quỹ BHYT.

Bộ Y tế từ lâu đã buông lỏng việc thẩm định giá các loại thiết bị y tế, để các cơ sở khám chữa bệnh tự xác định giá trên trời, rồi "móc túi" bệnh nhân. Thậm chí việc đấu thầu thuốc cũng thiếu chặt chẽ nên nhiều lãnh đạo sở y tế địa phương lợi dụng nhúng chàm phải vào vòng lao lý. Nay Bộ Y tế mới thấy lỗ hổng rất lớn này (cũng có thể đã thấy từ lâu) nên đến tháng 9-2020 mới lập tổ thẩm định giá để kiểm tra các thiết bị y tế mới được mua sắm trong thời gian qua, là quá muộn.

Hậu quả là hiện nay cơ quan công an cũng đang tiến hành điều tra một số bệnh viện về đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, trong đó có mặt hàng stent động mạch vành, các loại máy xét nghiệm Covid-19....

Những lỗ hổng đó hiện vẫn còn rất lớn và những kẻ trục lợi từ bệnh nhân sẽ tiếp tục vào tù, ngân sách nhà nước, quỹ BHYT sẽ tiếp tục bị rút ruột.

Lưu Nhi Dũ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/an-tren-dau-benh-nhan-rut-ruot-bao-hiem-y-te-20210429092436509.htm