An toàn trên những chuyến xe đưa đón học sinh - Bài 2: 'Hở' cả văn bản lẫn thực tế

Dù đây đó đã có các quy định nhằm đảm bảo công tác đưa đón học sinh, nhưng việc thực thi tại các nhà trường vẫn còn nhiều vấn đề đáng báo động, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Quy trình chưa chặt chẽ

Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT Cầu Giấy cho biết: Các xe chở học sinh hiện nay là do các nhà trường hợp đồng với phụ huynh và thu thêm tiền đưa đón nên thuộc diện xe hợp đồng chở khách, phải đăng ký kinh doanh theo quy định.

Chiếc xe đưa đón của trường Tiểu học Gateway trong vụ việc vừa qua chưa có giấy phép kinh doanh vận tải. Ảnh: PL

Chiếc xe đưa đón của trường Tiểu học Gateway trong vụ việc vừa qua chưa có giấy phép kinh doanh vận tải. Ảnh: PL

Tuy nhiên, trong vụ việc học sinh lớp 1 của trường tiểu học Gateway tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe đưa đón, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: Chiếc xe chở học sinh này chưa có giấy phép kinh doanh vận tải và cũng chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh. Năm học 2019 - 2020, Hà Nội có 17 trường có xe đưa đón học sinh nhưng trong danh sách các trường này không có Trường Tiểu học Gateway.

"Về quy trình nhân sự tham gia đưa đón học sinh, có trường quy định là 2 giáo viên, có trường thì 1 giáo viên. Nhưng quy định giao nhận là có người và phải điểm danh”, ông Phạm Ngọc Anh cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên, dịch vụ xe đưa đón học sinh vẫn hoàn toàn tự phát, mạnh trường nào trường đó làm, không có bất cứ chuẩn mực nào về giá cả, chất lượng, cũng như hạ tầng giao thông. Đó là chưa kể, việc giao – nhận trẻ chỉ có thể hoàn tất chiều đi, sau khi học sinh đã vào tới lớp học, và nhà trường có xác định được sự có mặt của con. Tuy nhiên, trong vụ việc đau lòng tại trường Gateway, việc bàn giao giữa người đưa đón và cô giáo cũng không được chuẩn chỉ, và khâu xác nhận sau đó của giáo viên với giáo vụ cũng có những trục trặc, dẫn tới không ghi nhận được sự vắng mặt của cháu bé. Nguyên nhân, theo như ông Phạm Ngọc Anh là trường Tiểu học Gateway có phần mềm quản lý riêng, năm nay mới đưa vào hoạt động, chưa có người vận hành đầy đủ.

Để “siết” công đoạn cuối này của quy trình đưa đón, ngay sau vụ việc tại trường Gateway, một số trường tại Hà Nội đã triển khai việc nhắn tin báo tới phụ huynh về việc điểm danh của con. “Có hôm 12 giờ trưa, điện thoại tôi mới nhận được tin báo con đã vào lớp. Có người thì đầu giờ sáng nhận tới mười mấy tin nhắn con vào lớp, mỗi tin nhắn là tên một học sinh khác nhau. Cũng có hôm không hiểu phần mềm trục trặc thế nào, hơn 90 tin nhắn đổ vào máy điện thoại của phụ huynh là con đã có mặt” – một phụ huynh trường Tiểu học V. cho biết về sự vận hành của “phần mềm điểm danh”.

Tiềm ẩn nguy cơ

Một trong những “kẽ hở” của quy trình đưa đón trẻ, chính là con người. Nhân viên đưa đón làm việc theo thời vụ và không được đào tạo bài bản là tình trạng chung của khá nhiều trường. Chính vì vậy, tình trạng “bỏ quên học sinh trên xe” cũng đã từng xảy ra tại một số trường, rất may mắn là các cháu này đã được trở về nhà.

Một quản lý ở trường quốc tế tại Hà Nội (xin giấu tên) cho biết: Trường Tiểu học Gateway đã sai và có thể rất nhiều trường đang sai ở vai trò cô nuôi/ cô bán trú/ cô giám sát đi theo xe. Theo biên chế, trường nào nhiều nhất và tốt nhất cũng chỉ có 10 - 15 cô bán trú nằm trong biên chế. Mỗi cô nuôi này chỉ đi được 1 xe. Giả sử 1 trường có 30 - 40 xe đưa đón thì số xe còn lại ai đi theo? Chỉ có thể thuê thêm người bên ngoài vào. Có thể họ cũng chỉ là những người lao động tự do.

Chia sẻ về công việc khá vất vả lại thu nhập không cao này, vị quản lý trường quốc tế này cho biết: “Đa số giáo viên, nhân viên không ai muốn làm phần việc theo xe về cả. Họ chỉ muốn về nhà thật nhanh. Ban giám hiệu và Nhà trường phải rất nghiêm, trả chế độ tốt thì họ mới theo xe về. Đó là lí do lực lượng đi theo xe đều là thuê mướn và trong tình trạng hỗn độn như hiện nay. Vậy nên yếu tố tiên quyết là cần người có trình độ, có nghiệp vụ sư phạm đi theo xe thì mới giải quyết được vướng mắc này”.

Vị quản lý này cũng nêu quan điểm: Để đảm bảo sự chặt chẽ thì trong quy trình kiểm tra, chỉ cô giám sát và lái xe kiểm tra thôi chưa đủ. Bảo vệ, thanh tra, Ban giám hiệu phải tham gia kiểm tra, nhận thông tin học sinh khi đến và về”. Thực tế cho thấy, phụ huynh chỉ biết nhà trường có dịch vụ xe đưa đón mà chưa từng biết đến văn bản cam kết nào về sự bảo đảm an toàn cho trẻ.

Bà Mai Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường quốc tế Việt Nam - trường đầu tiên tại Việt Nam thí điểm mô hình quốc tế cho biết: Việc đưa đón trẻ phải có cam kết với phụ huynh ngay từ khi tiếp nhận đơn xin nhập học của học sinh. Trường tiếp nhận học sinh đến từ 42 quốc gia khác nhau và ngôn ngữ chính là tiếng Anh. Do đó, nhân viên trên xe cũng phải có nhân thân rõ ràng, trình độ và nghiệp vụ sư phạm, tiếng Anh giao tiếp tốt. Đây là cam kết của nhà trường với phụ huynh.

Hiện nay, việc đảm bảo an toàn trên mỗi chuyến xe đưa đón vẫn phụ thuộc vào điều kiện mỗi trường. Phòng GD&ĐT mới chỉ dừng lại ở văn bản yêu cầu đảm bảo an toàn cho trường học nói chung. Việc quản lý, vận hành ra sao là do các trường thực hiện, không đơn vị nào kiểm tra, giám sát. Đây chính là lỗ hổng dẫn đến mất an toàn đối với các em học sinh trên các tuyến xe, mà cụ thể là sự việc đau thương vừa xảy ra ở trường Tiểu học Gateway.

Bài cuối: Cần chế tài cho dịch vụ vận tải đặc thù

Lê Vân/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/an-toan-tren-nhung-chuyen-xe-dua-don-hoc-sinh-bai-2-ho-ca-van-ban-lan-thuc-te-20190816173527114.htm