An toàn thực phẩm học đường: Các bậc phụ huynh 'hiến kế'

Nhiều phụ huynh lo lắng trước vấn nạn thực phẩm bẩn trong trường học cùng hiến kế giúp các con được ăn những bữa cơm an toàn.

Năm học mới vừa chỉ bắt đầu được vài tháng, nhưng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát hiện hàng loạt bếp ăn tập thể tại nhiều trường học để xảy ra tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng.

Mới nhất, ngày 19/10, đoàn kiểm tra liên ngành quận Hoàng Mai kiểm tra đột xuất bếp ăn tại trường mầm non Hoàng Liệt phát hiện nhiều vi phạm, đặc biệt sau khi test nhanh thực phẩm phát hiện mẫu rau mùng tơi tại tủ lưu trữ chưa qua chế biến dương tính với hóa chất bảo vệ thực vật.

Dù rau chưa được sử dụng cho các trẻ tại trường nhưng thông tin dương tính với hóa chất bảo vệ thực vật đã khiến hầu hết cha mẹ lo lắng.

Sau khi test nhanh mẫu rau mồng tơi tại trường mầm non Hoàng Liệt phát hiện dương tính với hóa chất bảo vệ thực vật

Sau khi test nhanh mẫu rau mồng tơi tại trường mầm non Hoàng Liệt phát hiện dương tính với hóa chất bảo vệ thực vật

Khảo sát tại một vài khu vực cho thấy, các bậc phụ huynh dù cho con đi học và có ăn tại trường nhưng không hoàn toàn tin tưởng vào khẩu phần ăn cũng như vẫn hoài nghi về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học.

"Gia đình tôi thi thoảng mới cho cháu ăn ở trường vì tôi thấy nhiều trường hợp các con ăn ở trường bị đau bụng hay là ngộ độc rồi. Nếu chẳng may con bị ngộ độc hay thuốc trừ sâu ngấm vào người lâu ngày sinh bệnh thì gia đình và các con phải chịu khổ chứ lúc đó ai chịu cho. Vì vậy gia đình tôi thường sáng đưa trưa đón, khi nào thực sự có việc tôi mới để con ăn ở trường", chị Hoàng Thị Bắc (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Đồng thời, chị Bắc cũng cho rằng để bữa cơm ở trường được đảm bảo thì Ban phụ huynh cần làm việc với nhà trường hàng tháng về việc tổ chức thuê nhân lực nấu tại trường cho con đảm bảo an toàn vệ sinh, cơm được nóng sốt. Tuy nhiên, khâu mua thực phẩm cần đặc biệt chú ý như mua qua một công ty cung cấp thực phẩm nhưng cần có đầy đủ giấy tờ, thậm chí cần phải xuống tận ruộng kiểm tra đột xuất hàng tháng.

Trong khi đó, chị Hà Phương (Xuân Thủy, Hà Nội) dù cho con ăn tại trường nhưng vẫn còn nhiều hoài nghi về chất lượng: "Tôi thấy rất lo cho các con, ở trường thì các cô nấu cho ăn cái gì các con ăn cái đó chứ cũng không thể phân biết được đã làm sạch hay chưa, rau chưa sạch vẫn còn tồn đọng 1 phần nhỏ thuốc trừ sâu thì về lâu dài các con ăn phải sẽ ra sao? ".

Chị Phương chia sẻ tiếp: Hiện nay, thực đơn ở nhiều trường công lập còn không có. Chúng tôi cần nhà trường cung cấp thực đơn theo tuần/tháng. Nếu có điều kiện có thể thuê một đơn vị giám sát độc lập về hoạt động cung cấp thực phẩm và sử dụng bếp ăn tại trường để nấu cho các con. Tôi hy vọng cách này có thể giảm thiểu những vẫn đề mất an toàn thực phẩm.

Các bậc phụ huynh rõ ràng có cơ sở để lo lắng với chất lượng bữa ăn hàng ngày của con em mình. Bởi chỉ mới cách đây 1 tháng, trước vụ việc rau mồng tơi dương tính chất hóa học bảo vệ thực vật cũng đã xảy ra liên tiếp các vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí nhiều trẻ phải nhập viện.

Cụ thể ngày 11/9, một số học sinh trường mầm non Lại Yên (huyện Hoài Đức) cùng có biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau khi ăn trưa tại trường. 31 trẻ đã được nhập viện, trong đó 9 trẻ được xác định bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp. Qua kiểm tra, mẫu thức ăn ngày 11/9 không được nhà trường lưu mẫu theo quy định.

Hay như vụ việc xảy ra tại trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) cùng thời điểm trên. Trong bữa trưa, các học sinh lớp 3D bất ngờ phát hiện có giòi bò trên khay inox dùng kê bát ăn. Khi bị phụ huynh chất vất, đại diện nhà trường thừa nhận có xảy ra vụ việc nhưng giải thích rằng không phải do nguồn thực phẩm không bảo đảm, mà do công đoạn rửa bát không sạch sẽ, hai khay đựng bát ăn bị dính vào nhau và để qua hai ngày cuối tuần nên phát sinh giòi.

Hầu hết các vụ việc sau khi bị phát hiện, nhà trường đều "quanh co chối tội" và không chịu thừa nhận cho dù các bậc phụ huynh đã hoàn toàn đặt niềm tin vào phía nhà trường để đảm bảo sức khỏe cho con em của họ.

Anh Phùng Thanh N. (ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Phải có sự minh bạch trong mọi hoạt động về an toàn thực phẩm của nhà trường với phụ huynh, nhất là với các trường có học sinh đã từng bị ngộ độc. Nhà trường cần phải chọn lựa thực phẩm sạch, an toàn và những nhân viên nhà bếp phải làm việc đảm bảo không chế biến thức ăn bị ôi, mất vệ sinh. Có như thế chúng tôi mới hoàn toàn yên tâm và tin tưởng giao con em cho trường được".

Anh N. cho rằng: Một yếu tố quan trọng là chế tài đối với những trường nào không làm đúng quy trình. Để chuẩn chỉnh, phía cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và Bộ Giáo dục cần bắt tay nhau để đưa ra văn bản quy chuẩn yêu cầu các trường thực hiện. Đồng thời, có tập huấn đầy đủ cho cán bộ trong trường. Nếu có vi phạm cần xử nghiêm, thậm chí cắt chức người đứng đầu trường vi phạm.

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục Trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, an toàn thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm trong bếp ăn tại trường học đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Dù các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường chiếm tỷ lệ thấp nhưng đối tượng lại là các em nhỏ, sức đề kháng thấp vì thế có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Phong cũng cho biết thêm, các quy định về an toàn cho bữa ăn của trẻ đã được quy định rõ ràng, chặt chẽ tại Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT/BYT-BGDĐT. Để xảy ra ngộ độc sau khi phát hiện cơ sở cung cấp thực phẩm không đảm bảo, hiệu trưởng của trường đó phải chịu trách nhiệm.

Có thể thấy, các vụ việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học gần đây khiến các bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng ra sao. Do đó, chất lượng bữa ăn và sự an toàn của trẻ phải là mục tiêu hàng đầu không khoan nhượng của bất kỳ ngôi trường nào. Chỉ có thể, niềm tin nơi cha mẹ về an toàn thực phẩm mới không bị đánh mất.

Hoàng Giang

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/an-toan-thuc-pham-trong-truong-hoc-cac-bac-phu-huynh-lo-nhu-the-nao-a207424.html