An toàn thông tin trên nền tảng trí tuệ nhân tạo

Ngày 30/11, Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam 2018 với chủ đề 'An toàn thông tin trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh' do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì đã khai mạc tại Hà Nội.

Khu vực trình diễn Công nghệ An toàn thông tin

Đến tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng các quý vị đại biểu đại diện các cơ quan về công nghệ thông tin.

Ông Vũ Quốc Thành phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Quốc Thành, Tổng thư ký Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết: Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2018 diễn ra trong bối cảnh các thách thức về an toàn an ninh mạng trên thế giới và trong nước ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã từng hoàn thiện các sở sở pháp lý, xây dựng các chiến lược phát triển CNTT và an toàn thông tin quốc gia, phấn đấu từng bước đưa Việt Nam thành nước mạnh về về an ninh mạng và toàn thông tin.

Để đạt được mục tiêu đó, cần sự chung sức của các lực lượng trong xã hội. Hội thảo là dịp chúng ta chia sẻ kinh nghiệm về pháp lý, về chính sách và đặc biệt là công nghệ mới trên thế giới để từng bước ứng dụng vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo

Thay mặt Bộ Thông tin truyền thông, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông nhấn mạnh: Qua 11 năm tổ chức, Ngày an toàn thông tin Việt Nam đã trở thành một sự kiện thường niên quan trọng, là diễn đàn của các cơ quan nhà nước chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giải pháp góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về an toàn thông tin.

Song hành cùng Hội thảo là khu Triển lãm với 25 gian hàng của các Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, trình diễn các sản phẩm, công nghệ an toàn thông tin tiên tiến nhất.

Điểm đặc biệt, năm nay sẽ có một khu vực mang tính chuyên môn cao là Khu vực trình diễn Công nghệ An toàn thông tin. Khu vực này dành riêng cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các kỹ sư về ATTT giới thiệu các sản phẩm, các demo công cụ mới nhất về bảo mật, an toàn thông tin với khách mời Hội thảo.

Một trong những gian triển lãm tại Hội thảo

Việc trình bày thực hiện trong không gian mở (trên diện tích 120 m2), nhấn mạnh tính trình diễn (PoC, demo) các công cụ, sản phẩm, phần mềm hướng cộng đồng hoặc hướng nghiên cứu, không hướng thương mại hóa. Người trình bày và người nghe tương tác trực tiếp, trải nghiệm thực tế liên tục. Đối tượng dự nghe và tương tác là cán bộ, chuyên gia CNTT/ ATTT thuộc các Bộ, ngành; Giáo viên, Sinh viên khoa CNTT/ATTT của các Học viện, Nhà trường….

Khu vực trình diễn sẽ hoạt động liên tục từ 09h sáng tới 16h chiều trên diện tích 120 m2 (bên cạnh Phòng Hội thảo chính), bao gồm: Khu trình bày mini (có thiết bị trình chiếu và khoảng 20 ghế ngồi) với các bài trình bày liên tục (18 bài); Các Trạm trình diễn - tương tác (06 trạm) dành cho các nhóm tham gia phân chia theo thời gian để trình bày, trình diễn và tương tác với khách mời (theo chương trình và kịch bản chung của Ban tổ chức); Tổ chức mini game (trò chơi tấn công mạng) cho khách tham dự (01 trạm).

Buổi chiều sẽ đồng thời diễn ra 2 phiên hội thảo chuyên đề với các chủ đề: (1) Chuyển đổi số, IoT và bảo mật dữ liệu; (1) Công nghệ AI, điện toán đám mây và bảo đảm An toàn thông tin.

Lê Đăng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/an-toan-thong-tin-tren-nen-tang-tri-tue-nhan-tao-3966973-v.html