An toàn thông tin trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh

Đây chính là chủ đề chính của Ngày An toàn Thông tin Việt Nam 2018 vừa được diễn ra ngày 22/11/2018. Sự kiện do Sở TTTT TP.HCM và VNISA phối hợp tổ chức.

Ngày An toàn Thông tin Việt Nam lần thứ 11 diễn ra trong xu thế của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các sản phẩm, dịch vụ thông minh. Trong bối cảnh đó, việc đảm bảo ATTT sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn và phải có sự chuyển đổi để phù hợp với xu thế phát triển trong lĩnh vực CNTT-TT. ATTT cũng phải dựa trên “công nghệ thông minh” mới có thể đáp ứng được những nhu cầu phát triển của xã hội. Đó cũng là chủ đề chính của Ngày An toàn Thông tin Việt Nam năm 2018: “An toàn thông tin trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh”.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Ngày An toàn Thông Tin 2018.

Tham dự hội thảo có sự hiện diện Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng, Phó giám đốc Sở TTTT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cùng các đại diện một số cơ quan đơn vị của các Bộ, ban, ngành; các nhà cung cấp giải pháp, công nghệ và những chuyên gia an toàn thông tin (ATTT) và công nghệ thông tin (CNTT).

Tại hội thảo,Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong xu hướng nền kinh tế số, doanh nghiệp buộc phải tiến hành chuyển đổi số để thích ứng và tồn tại bằng việc đưa hầu hết các hoạt động của mình lên không gian mạng . Điều này cũng đặt ra bài toán an toàn thông tin của doanh nghiệp khi giới tội phạm mạng huyển mục tiêu vào “mảnh đất màu mỡ” các thành phần của hệ sinh thái số hiện nay (như cloud computing, IoT…). Do thế, các phương án tiếp cận truyền thống trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng dần trở nên không còn hiệu quả.

Ông Hưng cũng nhận định rằng, cuộc chiến An ninh mạng sẽ không có hồi kết, bất cứ công nghệ tiến tiến như AI đều có thể sử dụng theo hướng tích cực và tiêu cực. Trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, sự phát triển của AI sẽ khiến thay đổi các quan niệm về ATTT.

Hiện nay thế giới có khoảng 7 tỷ thiết bị IoT, đến 2015 ước tính có 21 tỷ thiết bị, chiếm tổng số 65% thiết bị kết nối mạng trên toàn cầu. Việt Nam hiện nay có khoảng 350 ngàn thiết bị IoT công khai trên mạng Internet, hầu hết là thiết bị camera giám sát, router, trong đó có khoảng 40% thiết bị bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng an toàn thông tin. Ông Hưng cũng nhận định, thời gian tới các nguy cơ đã hiện hữu rõ ràng, đó là mã độc ngày càng thông minh hơn, có môi trường hoàn hảo hơn để hoạt động, nhắm vào các thiết bị IoT.

Ngày An toàn Thông tin 2018 tại TP.HCM còn diễn ra báo cáo hiện trạng về ATTT khu vực phía Nam. Trong đó đã chỉ ra việc doanh nghiệp và người dùng các nhân ở Việt Nam bị tấn công chủ yếu bằng mã độc, thay đổi giao diện web và lừa đảo - phishing. /Báo cáo cho biết đã phát hiện ra 29 Trang tin/Cổng thông tin của cơ quan nhà nước tồn tại lỗ hổng nghiêm trọng. Cùng với đó là 100 nghìn địa chỉ mạng của Việt Nam kết nối với mạng máy tính ma.

Bên cạnh chương trình hội thảo, còn có khu trưng bày, triển lãm giới thiệu giải pháp, sản phẩm CNTT và ATTT của các tổ chức và doanh nghiệp. Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2018 sẽ là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp giới thiệu với các khách hàng, đối tác về các giải pháp, sản phẩm ATTT mới nhất, các vấn đề về xây dựng nguồn nhân lực và chuẩn hóa quốc tế trong ATTT.

Thạch An

Nguồn PC World: http://www.pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/an-ninh-mang/2018/11/1260119/an-toan-thong-tin-tren-nen-tang-tri-tue-nhan-tao-va-thiet-bi-thong-minh/