An toàn lao động tại các làng nghề

Hiện nay, nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đang phát triển, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô ngày càng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, một số làng nghề đang phải đối diện với nguy cơ mất an toàn lao động, trong khi đó chủ cơ sở sản xuất và người lao động lại tỏ ra khá thờ ơ với mối nguy cơ này.

Tai nạn lao động là điều không thể tránh khỏi!

Được biết đến là làng nghề có truyền thống lịch sử lâu đời, nghề rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội) đã và đang là công việc đưa lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, do đặc thù công việc, người lao động vẫn luôn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn lao động. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi khói bụi nơi làm việc, những nguy cơ về đứt chân, đứt tay cũng luôn “rình rập” người lao động từng phút, từng giờ.

Để đảm bảo an toàn lao động, trong quá trình sản xuất, người lao động cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc đảm bảo an toàn. Ảnh: Lương Hằng

Để đảm bảo an toàn lao động, trong quá trình sản xuất, người lao động cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc đảm bảo an toàn. Ảnh: Lương Hằng

So với trước đây, phương thức sản xuất của làng nghề Đa Sỹ hiện tại có sự thay đổi rõ nét. Thay vì sử dụng phương tiện thô sơ, công nghệ hiện đại sản xuất bằng máy móc đã du nhập và được áp dụng phổ biến tại làng nghề.Tính tới thời điểm hiện tại, làng rèn Đa Sỹ đã có trên 100 hộ sản xuất búa máy. Với việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng công nghiệp và chuyên môn hóa kỹ thuật hiện đại, trung bình một lò rèn hiện đại có thể sản xuất ra gần 1000 sản phẩm mỗi ngày với khoảng 7 công nhân làm việc liên tục.

Tuy nhiên vì một số nguyên nhân khách quan, vẫn còn tồn tại ở làng nghề rèn Đa Sỹ. Chia sẻ với chúng tôi, bà Hà (chủ cơ sở sản xuất Cung Hà, làng nghề Đa Sỹ) cho hay, làm nghề cơ khí thì tai nạn lao động là điều không thể tránh khỏi. Những tai nạn có thể nhìn thấy là tai nạn do lửa rèn bắn làm bỏng tay chân, các mảnh dụng cụ bị văng, vỡ có thể gây chấn thương, thậm chí còn có trường hợp mù mắt. Theo bà Hà, so với trước đây, tình trạng mất an toàn trong quá trình làm việc cũng đã được cải thiện hơn, tuy nhiên, chỉ cần một phút mất cảnh giác thì tình trạng mất an toàn lao động hoàn toàn có thể xảy ra. Nên việc an toàn vệ sinh lao động luôn được cơ sở đặt lên hàng đầu.

Được biết đến là nơi cung cấp các sản phẩm gỗ mỹ nghệ tinh xảo, đa dạng mẫu mã cho Thủ đô và cả nước, nghề mộc đã đem lại thu nhập cao cho các hộ gia đình tại thôn Châu Phong xã Liên Hà huyện Đông Anh. Thế nhưng, ngoài câu chuyện phát triển kinh tế từ nghề, chúng tôi cũng được nghe những chia sẻ về nguy cơ mất an toàn lao động mà người lao động nơi đây phải đối mặt hàng ngày.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Văn Nam (Cơ sở sản xuất đồ thờ Nam Lương) cho hay, anh gắn bó với nghề mộc đến nay đã được 12 năm. Trong quá trình gắn bó với nghề, anh Nam cũng từng chứng kiến nhiều trường hợp tai nạn lao động. Không nói đâu xa, 7 năm trước,chính anh Nam cũng bị tai nạn trong lúc làm việc khiến bàn tay trái bị thương nặng. Thời điểm đó, anh Nam phải nghỉ làm một thời gian dài để hồi phục vết thương sau tai nạn.

Không chỉ có anh Nam mà ngay cả những người thợ lành nghề như ông Nguyễn Văn Hải (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) cũng đã từng bị tai nạn trong quá trình làm việc. Ông Hải cho biết, làm nghề mộc thường không tránh được tai nạn, 10 người thợ mộc thì phải có tới 9 người bị thương tật ở các mức khác nhau. “Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn, chỉ còn cách nâng cao cảnh giác khi làm việc, cẩn thận kiểm tra máy móc trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.”- ông Hải chia sẻ.

Theo khảo sát, không chỉ ở làng rèn Đa Sỹ, làng mộc Liên Hà, mà ở hầu hết các làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Người dân làm nghề vẫn chưa có nhiều kiến thức để đảm bảo an toàn lao động cho bản thân, các chủ cơ sở sản xuất vẫn còn coi nhẹ vấn đề an toàn lao động. Những kinh nghiệm đều được người lao động rút ra sau khi gặp tai nạn và chưa có nhiều biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc.

An toàn phải bắt đầu từ ý thức của người lao động

Được biết đến là một trong những làng nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, thế nhưng, những năm gần đây, các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm mây tre đan thuộc làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) đã chủ động hơn trong công tác đảm bảo an toàn lao động tại cơ sở.

Chia sẻ về tình hình an toàn lao động tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hiệp hội mây tre Chương Mỹ cho biết, cách đây một vài năm đã có một số doanh nghiệp xảy ra tình trạng cháy nổ do chủ quan, không cẩn thận trong quá trình sản xuất.

Cùng đó, tình trạng mất an toàn lao động như đứt chân, đứt tay cũng đã xảy ra.Những trường hợp tai nạn tuy không nhiều nhưng cũng có trường hợp bị mất ngón tay hoặc những chấn thương khác. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trong lĩnh vực này là vấn đề khó khăn với các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ bởi tình trạng trên hay đột biến và phụ thuộc phần lớn vào năng lực của lao động.

Để hạn chế những nguy cơ cháy nổ tại các xưởng sản xuất, các cơ quan phòng cháy chữa cháy của địa phương đã tới từng doanh nghiệp để tư vấn, tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy. Thế nhưng, những buổi tư vấn không nhiều, do đó, các chủ cơ sở sản xuất và người lao động vẫn chưa nắm được tầm quan trọng của công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy và chưa thấy rõ vai trò của bản thân trong công tác đảm bảo an toàn lao động nơi làm việc.

Trên cương vị của Chủ tịch Hiệp hội mây tre Chương Mỹ, ông Trung cho rằng, việc đảm bảo an toàn lao động là vấn đề đáng lưu tâm hiện nay. “Với những doanh nghiệp không chấp hành nghiêm quy định an toàn lao động, Nhà nước nên có các biện pháp xử lý như: Không cho xuất khẩu, không cho tổ chức sản xuất. Trong trường hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghiêm túc chấp hành quy định trên, Nhà nước cần giúp đỡ họ bằng cách tạo điều kiện cho họ tham gia các khóa học, các khóa đào tạo về an toàn lao động để họ thấy được giá trị của việc đảm bảo an toàn lao động tại mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh.”-Ông Trung cũng thẳng thắn bày tỏ.

Thực tế, để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn lao động, Thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, ban hành nhiều chính sách về lĩnh vực này. Theo đó, các quận, huyện nơi có làng nghề đã tập trung tuyên truyền những biện pháp đảm bảo an toàn, từ đó đào tạo cho người lao động những kỹ năng cần thiết đảm bảo an toàn lao động. Tuy nhiên, lĩnh vực an toàn lao động làng nghề có những đặc điểm riêng không giống các ngành nghề khác, do đó, để đảm bảo an toàn, người lao động và chủ sử dụng lao động phải chủ động nâng cao hiểu biết cho bản thân để phòng ngừa nguy cơ tai nạn, những chấn thương không đáng có.

Để đảm bảo an toàn lao động cho người lao động tại làng nghề Đa Sỹ, thời gian qua, Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ đã có sự vào cuộc kịp thời bằng cách nâng cao hiểu biết cho các hộ gia đình về an toàn lao động. Theo ông Hoàng Quốc Chính – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ, hàng năm, chính quyền phường, quận đã phối hợp với Hiệp hội mở các lớp tập huấn trao đổi kiến thức về an toàn lao động cho người dân như tư vấn tư thế làm việc, sắp xếp dụng cụ lao động đảm bảo an toàn… để hạn chế tối đa nhất nguy cơ mất an toàn lao động.

Tuy nhiên, ông Chính cũng cho biết, để đảm bảo an toàn lao động tuyệt đối, phần lớn vẫn là xuất phát từ ý thức của người lao động. Trong quá trình làm việc, người lao động phải tự trang bị đồ bảo hộ; thấy bụi phải đeo khẩu trang; khi rèn thì phải đeo kính để tránh những tia lửa bắn vào mắt. Hay khi làm việc, người lao động phải tập trung, không được lơ là vì chỉ cần một phút mất cảnh giác thì sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động.

Vẫn biết việc đảm bảo an toàn lao động tại các làng nghề phải xuất phát từ ý thức của chính người lao động và chủ sử dụng lao động, tuy nhiên, về mặt quản lý, chính quyền cũng như các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn. Để công tác đảm bảo an toàn tại các làng nghề đi vào hiệu quả, cần có nhiều hơn các buổi tập huấn, các buổi tọa đàm để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng an toàn lao động cho người dân. Cùng đó, chính quyền các cấp nên tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất tại các làng nghề để đảm bảo người dân thực hiện nghiêm túc vấn đề an toàn lao động và phòng chống cháy nổ, từ đó tạo điều kiện giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Lương Hằng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/an-toan-lao-dong-tai-cac-lang-nghe-116114.html