An toàn lao động ở làng nghề Đa Sỹ

Được biết đến là làng nghề có truyền thống lịch sử lâu đời, nghề rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội) đã và đang là công việc đưa lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, do đặc thù công việc, người lao động vẫn luôn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn lao động. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi khói bụi nơi làm việc, những nguy cơ về đứt chân, đứt tay cũng luôn 'rình rập' người lao động từng phút, từng giờ.

Đổi mới phương thức sản xuất tạo việc làm cho nhiều lao động

Chúng tôi tìm đến với làng nghề rèn Đa Sỹ trong một buổi sáng mùa Thu. Từ sáng sớm, những bếp lò của các gia đình làm nghề đã sáng rực. Những tiếng búa nèn, tiếng các chủ xưởng và khách hàng nói chuyện với nhau khiến không khí tại làng nghề thêm phần tấp nập.

Người lao động làng nghề Đa Sỹ chủ động đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc. (Ảnh: Lê Thắm)

Người lao động làng nghề Đa Sỹ chủ động đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc. (Ảnh: Lê Thắm)

Theo các cụ trong làng kể lại, làng nghề Đa Sỹ đã có từ thế kỉ XVII. Thời gian này, có 2 ông Nguyễn Thuần và Nguyễn Thuật đi theo nghĩa quân tới giúp đỡ người dân sản xuất các vật dụng hằng ngày như cuốc, xẻng. Khi chiến tranh bắt đầu, 2 ông hướng dẫn thêm cho người dân nghề rèn mã tấu, kiếm để phục vụ kháng chiến. Hòa bình lặp lại, 2 ông truyền thụ cho người dân những món nghề tinh xảo hơn. Khi 2 cụ mất đi, dân làng cảm kích công ơn nên tôn 2 ông làm ông tổ làng nghề Đa Sỹ.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, sản phẩm của làng nghề Đa Sỹ ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Nếu như trước đây, sản phẩm của làng nghề chỉ được bán tại các khu chợ của miền Bắc thì hiện tại, các sản phẩm làng nghề đã được phân phối khắp cả nước. Để bắt kịp với xu hướng quốc tế, làng nghề Đa Sỹ cũng đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu tới thị trường nước ngoài. Do có thị trường rộng, nguồn khách hàng ổn định, thế nên, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, làng nghề Đa Sỹ dường như không chịu nhiều ảnh hưởng.

So với trước đây, phương thức sản xuất của làng nghề Đa Sỹ cũng có sự thay đổi rõ nét. Thay vì sử dụng phương tiện thô sơ, công nghệ hiện đại sản xuất bằng máy móc đã du nhập và được áp dụng phổ biến tại làng nghề.Tính tới thời điểm hiện tại, làng rèn Đa Sỹ đã có trên 100 hộ sản xuất búa máy. Với việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng công nghiệp và chuyên môn hóa kỹ thuật hiện đại, trung bình một lò rèn hiện đại có thể sản xuất ra gần 1000 sản phẩm mỗi ngày với khoảng 7 công nhân làm việc liên tục.

Việc áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất cũng tạo công ăn việc làm cho đông đảo nhân dân địa phương và người lao động trên địa bàn lân cận. Với mỗi công nhân làm thuê tại các xưởng sản xuất, nguồn thu nhập trung bình mỗi tháng đạt khoảng trên 3 triệu đồng tùy vào vị trí việc làm và hiệu quả công việc.

Dù sản xuất theo hình thức nào thì chất lượng sản phẩm của làng nghề Đa Sỹ luôn được đặt lên hàng đầu. Gắn bó với nghề rèn đến nay đã trên 40 năm, cửa hàng nhỏ của ông Hoàng Văn Cung, chủ cơ sở sản xuất Cung Hà lúc nào cũng tấp nập khách hàng. Hiện tại, cửa hàng của ông Hà nhận sửa chữa dao kéo và sản xuất các loại dao nhưng số lượng dao có sẵn không nhiều, phần lớn là làm theo đơn đặt trước của khách hàng.

“Nhiều gia đình họ thường chạy theo số lượng, thế nhưng, suốt cuộc đời làm nghề, tôi chỉ mong tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Do có kinh nghiệm làm lâu năm nên sản phẩm của gia đình được ưa chuộng và tin tưởng. Có trường hợp khách quen tới làm dao, trả tiền rồi nhưng lại mất cả tháng mới quay lại lấy dao là chuyện bình thường.”- ông Hoàn Văn Cung chia sẻ.

Nâng cao an toàn lao động bắt đầu từ ý thức người lao động

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực tế cho thấy, tình trạng mất an toàn trong quá trình lao động vẫn còn tồn tại ở làng nghề rèn Đa Sỹ. Từ nhu cầu lớn của thị trường, nhiều gia đình đã dùng máy để thay thế các bước rèn bằng tay để tiết kiệm thời gian, công sức. Thế nhưng, việc phát triển và đổi mới phương thức sản xuất cũng đưa đến nhiều nguy cơ mất an toàn cho chính người lao động.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Hà (chủ cơ sở sản xuất Cung Hà, làng nghề Đa Sỹ) cho hay, làm nghề cơ khí thì tai nạn lao động là điều không thể tránh khỏi. Những tai nạn có thể nhìn thấy là tai nạn do lửa rèn bắn làm bỏng tay chân, các mảnh dụng cụ bị văng, vỡ có thể gây đứt chân, đứt tay, thậm chí còn có trường hợp mù mắt. Theo bà Hà, so với trước đây, tình trạng mất an toàn trong quá trình làm việc cũng đã được cải thiện hơn, tuy nhiên, chỉ cần một phút mất cảnh giác thì tình trạng mất an toàn lao động hoàn toàn có thể xảy ra.

Không chỉ tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn lao động, những người làm nghề rèn tại Đa Sỹ cũng phải sống chung với khói bụi của làng nghề. Ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, mặt bằng sản xuất của người dân nơi đây ngày càng bị thu hẹp, phần lớn xưởng sản xuất đều gắn liền với nhà ở. Nhiều người dân tỏ ra lo lắng vì không chỉ những người lao động chính trực tiếp làm nghề bị ảnh hưởng mà cả gia đình và những người xung quanh cũng phải hứng chịu khói bụi và tiếng ồn.

Không chấp nhận bầu không khí ô nhiễm, anh Lê Ngọc Lâm (chủ cơ sở sản xuất Lâm Ánh) đã đầu tư hệ thống hút bụi trực tiếp để làm giảm tác động của khói bụi tới sức khỏe của công nhân và chính gia đình mình. Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo ra chiếc máy hút bụi, anh Lâm cho biết, qua quá trình làm nghề, anh nhận thấy khói bụi nhiều nên đã quyết định lắp đặt hệ thống hút bụi. Chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên anh Lâm đã tới một số làng nghề gỗ để tìm hiểu về loại máy trên, thấy làng nghề gỗ sử dụng hiệu quả nên anh làm theo. Dựa trên tình hình thực tế, anh Lâm cũng có sáng tạo riêng cho phù hợp với đặc điểm của cơ sở sản xuất.

“Tôi lắp máy hút bụi cách đây khoảng 4 năm, tới hiện tại, đây là cơ sở duy nhất có máy hút bụi có thiết kế hiện đại như thế này. Bụi sau khi được hút sẽ được cho vào phòng có chứa nước để lắng dần, sau đó chỉ còn khí bay ra ngoài, phòng chứa càng cao càng rộng thì bụi khí luẩn quẩn trong đó càng lâu. Nếu xả trực tiếp ra ngoài thì sẽ rất ô nhiễm và ảnh hưởng tới sức khỏe.”- anh Lâm cho biết.

Với vai trò là chủ cơ sở sản xuất, anh Lâm cũng nâng cao cảnh giác đối với nguy cơ mất an toàn lao động tại xưởng. Bản thân anh Lâm đã từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn lao độngdo bộ phận truyền động của máy gây kéo, cán, kẹp, cắt. Để hạn chế nguy cơ mất an toàn, anh lâm đã sử dụng các vật dụng che chắn những phần nguy hiểm của máy.Dù biết tai nạn đứt chân, đứt tay do lao động thủ công là không thể tránh khỏi, tuy nhiên anh Lâm vẫn thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở thợ nâng cao cảnh giác, chú tâm khi làm việc.

Được thành lập từ năm 2001, Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ đã và đang hoạt động có hiệu quả, từng bước mở rộng thị trường cho các sản phẩm của làng nghề. Bên cạnh việc phát triển làng nghề, những năm qua, làng nghề rèn chưa ghi nhận trường hợp tai nạn nghiêm trọng gây nguy hại tới tính mạng người lao động.Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, người dân làng nghề Đa Sỹ cũng đang từng ngày đối mặt với nguy cơ tai nạn do mất an toàn lao động.

Với việc đảm bảo an toàn lao động cho người lao động tại làng nghề, Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ đã có sự vào cuộc kịp thời bằng cách nâng cao hiểu biết cho các hộ gia đình về an toàn lao động. Theo ông Hoàng Quốc Chính – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ, hàng năm, chính quyền phường, quận đã phối hợp với Hiệp hội mở các lớp tập huấn trao đổi kiến thức về an toàn lao động cho người dân như tư vấn tư thế ngồi làm, để đồ điện cho đảm bảo an toàn…

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ Hoàng Quốc Chính,để đảm bảo an toàn lao động tuyệt đối, phần lớn vẫn là do ý thức người lao động. Trong quá trình làm việc, người lao động phải tự trang bị đồ bảo hộ cho mình, thấy bụi thì phải đeo khẩu trang; khi rèn thì phải đeo kính để tránh những tia lửa bắn vào mắt. Hay khi làm việc, người lao động phải tập trung, không được lơ là vì chỉ cần một phút mất cảnh giác thì sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động./.

Lương Hằng- Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/an-toan-lao-dong-o-lang-nghe-da-sy-114593.html