An toàn hồ đập: Nâng cao trách nhiệm của bà con

Tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, nhiều hồ thủy lợi và hồ đập thủy điện đang bị một số hộ dân trồng cây, thả cá, đánh bắt cá, xây dựng các công trình dân dụng xâm phạm đến an toàn của hồ đập.

Vi phạm hành lang an toàn hồ đập

Bảo vệ an toàn hồ đập là trách nhiệm của mọi người dân, vì khi để xảy ra sự cố thì tai họa sẽ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh cho cả một khu vực rộng lớn. Ông Võ Đức Trong - Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tây Ninh - cho biết, hồ Dầu Tiếng là hệ thống thủy nông có quy mô lớn nhất nước hiện nay, dung tích 1,58 tỷ m3 nước, cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho 78.830 héc-ta của Tây Ninh, tạo nguồn tưới cho các xã phía Tây sông Vàm Cỏ Đông 17.740 héc-ta, đẩy mặn cho các tỉnh Bình Dương, Long An và TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù các cơ quan chức năng đã kiểm soát chặt về an toàn hồ đập, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những hộ dân trồng cây, canh tác ở mạn thượng nguồn vi phạm hành lang an toàn.

Tại lòng hồ Thủy điện Thác Mơ thuộc tỉnh Bình Phước hiện đang tồn tại một số vấn đề chưa được khắc phục. Chẳng hạn, như tình trạng lấn chiếm đất bán ngập và sự phát triển tự phát các hộ dân chài khai thác thủy sản trên hồ vẫn còn diễn ra. Vùng hạ du, sau đập tràn, vẫn còn một số trường hợp xây dựng các công trình tạm, công trình kiên cố chưa được xử lý triệt để; một số hộ dân vào canh tác, trồng cây lâu năm và xây dựng nhà tạm trong phạm vi bảo vệ an toàn công trình hồ đập.

Tương tự như hồ đập Thủy điện Thác Mơ, hồ đập Thủy điện Trị An, tỉnh Đồng Nai gần đây cũng đã bị một số hộ dân sống xung quanh và người dân nhập cư trồng cây, xây dựng công trình nhà cửa, đào ao nuôi cá, đánh bắt cá trong lòng hồ… Hiện tại, ở phía hạ lưu lòng hồ Trị An đang tồn tại hàng chục hộ dân sinh sống trên ghe thuyền hành nghề đánh bắt cá. Được biết, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đang có kế hoạch đưa những hộ dân này lên bờ, tạo điều kiện về nhà ở, việc làm nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.

Người dân sinh sống trên hạ lưu lòng hồ Trị An, tỉnh Đồng Nai

Người dân sinh sống trên hạ lưu lòng hồ Trị An, tỉnh Đồng Nai

Phải tăng cường kiểm tra, giám sát

để quản lý hồ đập Thủy điện Trị An an toàn, ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc EVN - đề nghị, UBND tỉnh Đồng Nai cần có nhiều giải pháp và tiếp tục hỗ trợ Nhà máy Thủy điện Trị An trong việc đảm bảo an toàn hành lang, nhất là tình trạng các hộ dân lấn chiếm lòng hồ. Sắp đến mùa mưa bão, đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân nâng cao tinh thần phòng chống thiên tai, đặc biệt là khu vực hồ đập và các công trình trên địa bàn.

Trong chuyến thị sát các hồ đập thủy lợi, hồ đập thủy điện tại tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai mới đây, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao công tác kiểm tra, kiểm soát đối với an toàn hồ đập, khai thác giá trị về nguồn nước, về kinh tế hiệu quả của các địa phương và các đơn vị. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, mùa mưa đang đến, tình trạng thời tiết cực đoan có thể xuất hiện, thiên tai xảy ra không biết lúc nào. Một khi hồ đập mất an toàn thì hậu quả sẽ vô cùng lớn, do vậy các địa phương, các đơn vị quản lý hồ đập phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt, không được lơ là, chủ quan. Để bảo vệ an toàn hồ đập, Thứ trưởng chỉ đạo lực lượng phòng chống thiên tai địa phương và các đơn vị chủ quản hồ đập tiếp tục triển khai phương châm “4 tại chỗ”, công tác “phòng là chính” và “3 sẵn sàng” trên tinh thần thực thi nghiêm túc và quyết liệt. Đồng thời, các đơn vị cần áp dụng thiết bị công nghệ để cảnh báo về thiên tai, xác định các loại hình thiên tai có thể xảy ra, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát từng địa bàn, hồ đập, kênh mương để trong những trường hợp cụ thể đã có giải pháp ứng phó kịp thời.

Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/an-toan-ho-dap-nang-cao-trach-nhiem-cua-ba-con-143125.html