An toàn cho phụ nữ và trẻ em

Trước thực trạng bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em những năm gần đây có xu hướng gia tăng, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực với mục đích đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Hội LHPN tỉnh bám sát chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, của tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở.

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 6 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng cho 268 trẻ em và cán bộ, hội viên, phụ nữ cơ sở. Cụ thể: 2 lớp tập huấn kiến thức về giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản tại TP Cẩm Phả cho 60 trẻ em và thành viên các “Câu lạc bộ trẻ em”; 1 lớp tập huấn phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho 28 cán bộ Hội LHPN TP Cẩm Phả và TX Đông Triều; 3 lớp tập huấn kỹ năng thúc đẩy bình đẳng giới cho 180 cán bộ Hội cơ sở tại Hải Hà, Bình Liêu, Tiên Yên; tổ chức buổi “Nói chuyện chuyên đề về bí quyết giữ lửa hạnh phúc gia đình, phòng chống bạo lực gia đình” cho 100 nữ công nhân khu công nghiệp hiện đang sống trong các khu nhà trọ thuộc xã Quảng Phong và xã Quảng Điền, huyện Hải Hà.

Các hội viên phụ nữ huyện Ba Chẽ - là thành viên của mô hình "Nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục, nuôi dạy và phát triển toàn diện trẻ thơ" tham gia một buổi thảo luận.

Các hội viên phụ nữ huyện Ba Chẽ - là thành viên của mô hình "Nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục, nuôi dạy và phát triển toàn diện trẻ thơ" tham gia một buổi thảo luận.

Đặc biệt, trong tháng 7 vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã cho ra mắt mô hình “Nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục, nuôi dạy và phát triển toàn diện trẻ thơ” tại 3 địa phương là Ba Chẽ, Quảng Yên và Uông Bí. Mô hình được thành lập ở các địa phương với số lượng thành viên là 30 người/mô hình, là ông bà, bố mẹ có con từ 0-8 tuổi, hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Hội LHPN tại cơ sở.

Hội LHPN TP Hạ Long phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó là con hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Nhàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Đây là mô hình mới, có ý nghĩa thiết thực và sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ em trong giai đoạn từ 0-8 tuổi. Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm mô hình luôn phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt, tích cực phát huy sự đoàn kết của các thành viên trong mô hình để triển khai các hoạt động đáp ứng nhu cầu và mong muốn của các thành viên trong chăm sóc và giáo dục trẻ em; góp phần đảm bảo công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian tới đạt kết quả tốt nhất.

Với mục tiêu hướng đến việc đối tượng bị bạo lực được sống, được an toàn và hướng đến sự ổn định, phát triển, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) đã triển khai các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực dưới các hình thức như: Tư vấn qua tổng đài miễn phí 18001769; tư vấn trực tiếp tại Trung tâm và tư vấn lưu động tại cộng đồng.

Đồng thời, với các hoạt động tiếp nhận thông tin qua nhiều kênh khác nhau liên quan đến nạn nhân bị bạo lực, buôn bán, xâm hại, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng như: Công an, Y tế, Tư pháp... triển khai thực hiện các hoạt động theo quy trình can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp.

Hiện tại, Trung tâm có 10 phòng tạm lánh tương đối đầy đủ tiện nghi để thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bố trí ăn, ở tạm thời cho đối tượng và tiến hành tư vấn, kết nối, đưa đối tượng trở về hòa nhập cộng đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 590 cơ sở tư vấn, 159 cơ sở khám, chữa bệnh, 34 cơ sở bảo trợ xã hội, 1.544 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, trên 170 trạm y tế tuyến xã bố trí nơi tạm lánh, tư vấn và điều trị cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Về cơ bản, các địa chỉ, cơ sở này đã phát huy được hiệu quả đối với các nạn nhân bị bạo lực; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình, góp phần hiệu quả trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Vân Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202009/an-toan-cho-phu-nu-va-tre-em-2500706/