An toàn bữa ăn học đường: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng!

Hiện tượng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn bán trú dành cho học sinh xảy ra trong trường học không phải bây giờ mới có. Nhưng việc xảy ra hàng loạt sự cố ở nhiều trường thời gian gần đây cho thấy nguy cơ mất an toàn bữa ăn học đường đã đến mức báo động. Vấn đề đặt ra, nếu không được kịp thời chấn chỉnh và siết chặt công tác quản lý sẽ còn nhiều vụ ngộ độc xảy ra.

Năm học mới 2017-2018 vừa chính thức bắt đầu được hơn một tháng nhưng hàng loạt vụ việc liên quan đến an toàn,vệ sinh thực phẩm bữa ăn bán trú tại nhiều trường học bị phụ huynh khiếu nại hay phát giác đã gây xôn xao dư luận. Đơn cử như vụ việc hàng trăm phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Lý Nhân (Lý Nhân -Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) bức xúc khi qua điều tra theo dõi, họ phát hiện ra rau quả hư hỏng, không đảm bảo chất lượng được tuồn vào trường này. Hay vụ việc tại trường Tiểu học C.V.A, (Hoàng Liệt, HN), nhiều bậc phụ huynh thắc mắc, lo lắng khi thấy con của họ phải nghỉ học với biểu hiện giống nhau: đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn.

Ảnh minh họa. Nguồn Dân trí

Sau khi có phản ánh của phụ huynh, thống kê của nhà trường cho thấy, trong số hơn 100 học sinh nghỉ học vào ngày 13/9 (vì nhiều lý do khác nhau) thì có tới 18 học sinh nghỉ vì có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, buồn nôn và có một số cháu phải nhập viện điều trị. Hay sự việc trong bữa trưa ngày 12/9 của học sinh bán trú lớp 3 Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, HN) phát hiện giòi bò trong hai khay đựng thức ăn. Ngay sau đó, một nhóm phụ huynh đã lên gặp đại diện nhà trường để làm rõ sự việc. Sự việc cũng được Ban giám hiệu nhà trường xác nhận và cho rằng do khâu vệ sinh bát đĩa chưa đảm bảo, các khay nhôm được kẹp vào nhau để qua mấy ngày nghỉ cuối tuần nên sinh giòi... Các vụ việc ngay sau đó được các cơ quan quản lý chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.

Phấn đấu 100% bếp ăn các trường học ký cam kết an toàn thực phẩm

Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành kế hoạch công tác an toàn thực phẩm và tổ chức phong trào thi đua "An toàn thực phẩm" ngành GD-ĐT năm học 2017 - 2018. Theo đó, năm học 2017 - 2018, phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức tuyên truyền về an toàn thực phẩm; trên 80% cán bộ, giáo viên, HSSV có kiến thức đúng về an toàn thực phẩm; 100% các nhà trường có bếp ăn tập thể, căng tin được tập huấn về an toàn thực phẩm; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm, người trực tiếp liên quan đến thực phẩm, nhân viên cấp dưỡng có kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm...100% nhà trường có bếp ăn tập thể ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm, rau an toàn; 100% các cơ sở giáo dục cung cấp đủ nước uống đảm bảo chất lượng cho học sinh và giáo viên. Hà Nội cũng phấn đấu từ năm học 2017 - 2018, 100% bếp ăn tập thể trường học được cấp giấy chứng nhận "Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm" hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo một thống kê của Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm thuộc Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, trên 47% ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể trường học là do vi sinh vật (E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng), hơn 5% do độc tố tự nhiên (histamine trong cá, độc tố trong nấm), trên 5% do hóa chất bảo vệ thực vật và hơn 42% chưa xác định được căn nguyên. Vì thế, an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học vẫn là bài toán khó kiểm soát.

Thống kê của Sở GD- ĐT Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện đã có 1.040 trường mầm non với hơn 523 nghìn học sinh, 719 trường tiểu học với hơn 641 nghìn học sinh. Đây là hai bậc học có tổ chức học bán trú cho học sinh nhiều nhất. Điều này đồng nghĩa với việc các trường tổ chức học bán trú sẽ tổ chức bữa ăn trưa bán trú cho học sinh.

Theo quy định, để tổ chức các bếp ăn tập thể cần có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng trên thực tế rất khó để đảm bảo tuyệt đối chất lượng với từng đấy bếp ăn đặt ở các trường (chưa kể có trường đặt suất ăn của nhà cung cấp bên ngoài). Theo một cán bộ quản lý lâu năm của ngành giáo dục (xin được giấu tên) cho biết, việc cấp giấy chứng nhận cho bếp ăn các trường mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ vì có ai kiểm soát được nguồn gốc chất lượng thực phẩm cung cấp vào nhà trường hiện nay khi sản phẩm chủ yếu được xác nhận trên giấy và do cơ sở cung cấp tự trình, đưa ra.

Theo vị cán bộ này, cần có một hệ thống kiểm định, giám sát từ xa chứ không chỉ nhằm vào một khâu nấu nướng ở bếp ăn trường học. Bởi có những trường đặt suất ăn cho học sinh từ các công ty, cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm thì kiểm soát như thế nào từ khâu nhập thực phẩm, chế biến đến vận chuyển thức ăn cũng là cả vấn đề. Đồng thời, cũng như cần có cơ chế kiểm tra định kỳ và đột xuất với các bếp ăn trường học hay những cơ sở chế biến thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn trường học về nguồn gốc nhập hay quy trình thực hiện… Tất cả những vấn đề này không chỉ thực hiện bởi riêng các cơ sở giáo dục hay ngành quản lý giáo dục địa phương mà còn sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan hữu quan có liên quan như y tế, thị trường, chính quyền địa phương…

Hữu Thành

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/an-toan-bua-an-hoc-duong-dung-de-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-61378.html