An toàn bay là 'nhiệm vụ tối thượng' của các hãng hàng không

Theo thông lệ, trước mỗi mùa cao điểm Tết Nguyên đán, Bộ Giao thông vận tải đều ban hành chỉ thị về việc triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ, nhằm tập trung cao nhất mọi nguồn lực để phục vụ tốt nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách.

Máy bay hiện đại của Hãng hàng không Việt Nam - Ảnh: VNA

Giám sát đặc biệt đối với Vietjet

Tuy nhiên, điểm khác biệt của Tết Kỷ Hợi 2019 là Bộ GTVT còn yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác phục vụ Tết để điều phối công tác chung tại tất cả các sân bay trong nước. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam phải ra quyết định giám sát đặc biệt đối với Công ty cổ phần Hàng không Vietjet vì đã liên tục để xảy ra các vụ việc uy hiếp an toàn bay ngay tại thời điểm toàn ngành đang dồn sức chuẩn bị cho mùa bay tết.

Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, chỉ tính riêng trong quý 4.2018, Vietjet đã xảy ra 7 sự cố khai thác tàu bay. Trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của tổ lái. Riêng sự cố xảy ra với chuyến bay VJ689 hôm 26.12 lại kết hợp cả 2 nguyên nhân: Chuyến bay VJ689 khởi hành từ Cam Ranh đi TP.HCM. Sau khoảng 20 phút cất cánh, tổ bay phát hiện cảnh báo hệ thống dầu thủy lực giảm nên xin quay lại sân bay Cam Ranh để kiểm tra. Nhưng trong quá trình hạ cánh, tổ bay mất tập trung, không tham vấn mặt đất để cùng đánh giá tình huống nên đã tiếp cận lệch hướng hạ cánh, đến khi phát hiện lỗi thì không có khả năng điều chỉnh nên cơ trưởng cho tàu bay đáp xuống đường băng bên cạnh.

Trong thời gian bị giám sát đặc biệt đến ngày 15.1.2019, Vietjet phải chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống, đặc biệt là các quy định về an toàn bay và tạm thời chưa được cấp phép tăng chuyến. Để không làm xáo trộn lịch đi lại của hành khách trong dịp tết, đặc biệt là đối với khách đã mua vé, Cục Hàng không Việt Nam đã giao Phòng Vận tải hàng không nghiên cứu phương án vận chuyển dự phòng trong trường hợp Vietjet không được tăng chuyến trong dịp Tết Nguyên đán 2019. Cụ thể là sẽ giao Vietnam Airlines và Jetstar Pacific bổ sung máy bay, tăng chuyến để đảm bảo hành khách đi lại bình thường.

Cũng liên quan đến vấn đề kỹ thuật, trong dịp Tết 2018, một tàu bay A320 của Vietjet buộc phải cắt ra khỏi lịch khai thác theo kế hoạch khi nhà sản xuất Airbus có chỉ lệnh tạm dừng khai thác trên toàn cầu sau khi có nghi vấn kỹ thuật đối với động cơ trang bị cho loại tàu bay này. Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Vietjet phải gấp rút thuê bổ sung để không phá vỡ kế hoạch bay tết, ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách đã mua vé. Ngày 15.2.2018 (tức 30 tết), Vietjet mới nhận được chiếc A320 thuê ướt (thuê máy bay kèm theo phi hành đoàn) để bổ sung vào đội bay tăng cường. Do tính chất khẩn trương của kế hoạch phát sinh, tàu bay mới của Vietjet cũng được giám sát chặt chẽ từ Cục Hàng không Việt Nam để đảm bảo an toàn trong quá trình đưa vào khai thác.

Cần sự tuân thủ ở từng DN

Mặc dù sự cố kỹ thuật gia tăng vào cuối năm 2018 như đã xảy ra ở Vietjet nhưng đây là năm thứ 21, ngành hàng không Việt Nam giữ vững tuyệt đối an toàn trong hoạt động khai thác, trở thành điểm sáng trên thị trường hàng không thế giới về tăng trưởng vận tải cũng như an toàn bay.

Tuy nhiên, an toàn hàng không phải là một quá trình được duy trì và cải tiến liên tục với sự tham gia của tất cả các đơn vị trong ngành hàng không. Điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực, chủ động của tất cả các doanh nghiệp, đơn vị trong toàn ngành nhằm liên tục cải tiến và hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý, đặc biệt là trong bối cảnh tính phức tạp của các hoạt động hàng không như hoạt động bay, số lượng các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hàng không, cơ sở hạ tầng sân bay... ngày càng gia tăng. Trong đó, ý thức tuân thủ văn hóa an toàn của các hãng hàng không có vai trò rất quan trọng.

Các chuyên gia hàng không cho biết một doanh nghiệp hàng không phải vận hành trên nền tảng được xây dựng bởi 3 yếu tố xương sống: hệ thống quản lý an toàn; hệ thống điều hành khai thác bay và hệ thống phục vụ hành khách. Đây cũng chính là ngành nghề kinh doanh mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều quản lý bằng điều kiện, trong đó, điều kiện kinh doanh được chi phối rất mạnh bởi yếu tố đảm bảo an toàn khai thác. Phát triển dựa trên nền tảng này, Vietnam Airlines đã xác định an toàn bay là mục tiêu số 1 và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của hãng. Hằng năm, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đều có chỉ thị về tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác. Lãnh đạo VNA đã đề ra công tác an toàn khai thác đối với tất cả các khâu kỹ thuật, bảo dưỡng, cung ứng vật tư, khai thác bay, khai thác mặt đất, hàng hóa... và luôn được kiểm soát chặt chẽ cũng như thường xuyên nhắc nhở trong các cuộc giao ban tuần, tháng, quý cùng với việc đưa ra các kết luận kịp thời để các đơn vị thực hiện.

Năm 2018 vừa qua, hãng tiếp tục duy trì thực hiện tốt văn hóa an toàn, không để xảy ra sự cố nhóm A, giảm tỷ lệ sự cố nhóm C,D,E về mức 0,658 sự cố trên 1.000 chuyến bay, đạt kết quả tốt hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra.

D.T

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/du-lich-c-82/an-toan-bay-la-nhiem-vu-toi-thuong-cua-cac-hang-hang-khong-105108.html