Ân tình chiến sĩ Điện Biên

Đoàn đua 'Về Điện Biên Phủ- 2019, Cúp Báo Quân đội nhân dân' về tới thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La trong không khí trầm buồn của những ngày Quốc tang. Hai chặng đua đã không diễn ra nhưng những hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa vẫn được duy trì. Đó cũng là việc nên làm để an lòng người đã khuất.

 Đại tá Phùng Kim Lân tổng chỉ huy cuộc đua gặp gỡ các cựu chiến binh Mặt trận Điện Biên Phủ.

Đại tá Phùng Kim Lân tổng chỉ huy cuộc đua gặp gỡ các cựu chiến binh Mặt trận Điện Biên Phủ.

Chiều 3-5, 65 cựu chiến binh, thương binh, thân nhân gia đình có công với đất nước đã tề tựu về đại sảnh Khách sạn Mường Thanh. Chúng tôi cảm thấy thật may mắn khi gặp được 10 cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Một phần là bởi vì phần lớn các cụ đã qua tuổi 90, chẳng biết rồi đây có chờ được lần kế tiếp đoàn đua tới. Phần nữa các cụ vẫn còn minh mẫn vẫn kể được chuyện năm xưa. Tuổi cao trí tuệ còn minh mẫn là điều đáng mừng song đó cũng là biểu hiện của một cuộc sống an lành, hạnh phúc.

Cụ Cầm Văn Tương (95 tuổi) nguyên là Xã đội trưởng xã Chiềng An (nay là phường Chiềng An, TP Sơn La) vào thời kỳ Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Cụ là người tiêu biểu cho đàn ông dân tộc Thái tại Tây Bắc nhiều năm sống trong áp bức của thực dân Pháp. Họ nghe tin cách mạng về tới là bỏ hết việc nhà, việc bản để ra đi. Đi gánh, đi gùi lương thực, đi tải đạn, đi cáng thương.

Từ nơi Hà Đông “quê lụa”, anh thanh niên Trương Văn Sửu cũng theo kháng chiến đánh Tây từ ngày Toàn quốc kháng chiến, trải qua khắp các mặt trận, chiến trường lại ngược về Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 năm ấy lập công ở những trận “Đồi cháy”, A1, A3... cá nhân anh cũng ghi được nhiều chiến công, thành tích. Giờ đây, hai mái đầu bạc ngả vào nhau tâm tình, anh với tôi hai người đồng niên, đồng lứa, sao ngày đó lại chẳng biết nhau?

Trao quà cho người có công gia đình chính sách là một trong những hoạt động xã hội của Cuộc đua "Về Điện Biên Phủ".

Cụ Trương Văn Sửu, 96 tuổi, bị thương trong trận đánh đồi A1, được cáng ra “trạm phẫu tiền phương” ở rừng Mường Phăng. Trong đoàn cáng thương đó liệu có cụ Cầm? Chẳng thể biết được nhưng sau 65 năm sau hai người được ngồi, trò chuyện với nhau đây như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói năm nào: “Gặp được nhau đây là quý lắm rồi!”. Những cụ khác như Lường Văn Sáng, Nguyễn Hữu Đường, Nguyễn Tiến Vững… mỗi người một mặt trận, mỗi người một quê nhưng đều góp công lao, đóng góp cho Mặt trận Điện Biên Phủ. Dịp ban tổ chức cuộc đua tri ân những người có công với đất nước, mọi người “vô tình mà hữu ý” được gặp nhau, âu cũng là cái duyên của những người dám xả thân hy sinh vì đất nước. Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân chúng tôi cảm thấy ý nghĩa của việc mình làm hôm nay như được nhân lên nhiều.

Còn nhiều lắm những câu chuyện của những ngày Mặt trận Điện Biên rực lửa, cứ được “rủ rỉ, rù rì” qua tai nhau như thế. Chúng tôi, đám hậu sinh, ngồi nghe mà nước mắt tuôn rơi, xúc động như thể trước mắt mình là những tượng đài kỳ vĩ. Những chiến sĩ Điện Biên năm xưa sao giản dị, thân thương đến thế . Ông Đỗ Thế Công, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La nói: “Rất cần có nhiều cuộc đua về Điện Biên Phủ như Báo Quân đội nhân dân tổ chức trong những năm qua; bởi đây không chỉ là hoạt động thể thao, mà còn là giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước để từ đó giới trẻ kế thừa và phát huy”.

ĐÔNG LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/che-do-chinh-sach/an-tinh-chien-si-dien-bien-573248