Nghi vấn virus SARS-CoV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán: Phức tạp, khó chứng minh

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 xuất hiện đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, nơi các nhà khoa học Trung Quốc tại Viện Virus học Vũ Hán đang tích cực nghiên cứu các chủng virus corona. Các nghi ngờ của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đổ dồn về đây. Nhưng mọi chuyện không đơn giản.

Hiện nay các nhà điều tra đang nhìn nhận trực diện vào khả năng virus SARS-CoV-2 (một loại virus corona gây bệnh Covid-19) có khả năng đã rò rỉ ra khỏi một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Cả các nhà điều tra này và các cơ quan tình báo của Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn gốc của căn bệnh này.

Các nhân viên bảo vệ xuất hiện trước trụ sở Viện Virus học Vũ Hán vào tháng 2/2021. Ảnh: AP.

Các nhân viên bảo vệ xuất hiện trước trụ sở Viện Virus học Vũ Hán vào tháng 2/2021. Ảnh: AP.

Thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm giành được sự tin tưởng ở Mỹ và nhiều nước khác trong vài tuần qua sau khi một bài báo gây chấn động trên tờ Nhật báo Phố Wall tiết lộ rằng 3 nhà nghiên cứu tại một phóng thí nghiệm virus ở Vũ Hán đã có các triệu chứng Covid-19 vào cuối năm 2019, trước khi bệnh này trở thành đại dịch. Nhưng điều này vẫn chưa được chứng minh, cũng tương tự như các giả thuyết khác về cách thức virus này lần đầu lây nhiễm sang người.

Richard Dearlove – cựu lãnh đạo cơ quan tình báo đối ngoại MI6 của Anh, nói với tờ Telegraph mới đây rằng “nhiều dữ liệu có thể đã bị phá hủy và cất giấu nên rất khó để chứng minh một cách rõ ràng rằng “chimera” trong nghiên cứu “gain-of-function” là nguyên nhân gây ra đại dịch”. Trong di truyền học, chimera là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng một sinh vật sống là tập hợp nhiều phần ADN của các cá thể khác nhau.

Nghiên cứu “gain-of-function” là một điều gây tranh cãi. Phương pháp này liên quan việc chỉnh sửa và làm mạnh các virus (với mục đích nghiên cứu).

Cựu trưởng chi nhánh CIA tại Moscow Daniel Hoffman, cho hay những người thu thập tình báo sẽ phải cố gắng thu hẹp các khả năng.

Hoffman nói: “Chúng tôi thường không có bằng chứng pháp y... Chúng tôi có thể phải lấy thông tin này từ các dữ liệu tình báo mà chúng tôi thu nhận được từ những người nắm được các vấn đề này...”.

Chẳng hạn, ông này nói, trong vụ sự cố hạt nhân Chernobyl, Mỹ không có các điều tra viên tại thực địa nhưng sự thật đã lộ diện sau đó.

Hoffman lưu ý rằng Mỹ có một lãnh sự quán tại Vũ Hán và viện virus học tại đó là do người Pháp xây dựng. Vô số các quan chức phương Tây từng ở trong cơ sở này.

Hoffman đưa ra các câu hỏi như sau: “Ý kiến của các vị đó là gì? Quy trình an toàn ra sao, tốt hay kém? Họ nghĩ gì về những gì có thể xảy ra hoặc không xảy ra? Có nhiều thông tin có thể thu thập từ họ”.

Giả thuyết virus rò rỉ từ phóng thí nghiệm đã nhận thêm trọng lượng khi tân Tổng thống Mỹ Biden và giới tình báo Mỹ kết luận đây là một trong “hai kịch bản có khả năng” dẫn tới sự bùng phát dịch Covid-19.

Kịch bản còn lại là virus này lây từ động vật sang người. Động vật ở đây có thể là dơi.

Tổng thống Mỹ đã công bố thời hạn 90 ngày để giới điều tra cấp liên bang của Mỹ hoàn thành báo cáo về nguồn gốc Covid-19./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Fox News

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nghi-van-virus-sars-cov-2-xuat-phat-tu-phong-thi-nghiem-vu-han-phuc-tap-kho-chung-minh-863428.vov