Ăn thịt chó là sự phản bội tàn nhẫn!

'Chó đối với gia đình người Việt thân thiết, gắn bó như thế, nó vừa chơi với mình, vừa bảo vệ gia đình mình. Vậy mà, có lần bạn tôi lại bảo con chó này vừa tầm, thịt ăn ngon lắm. Thật không thể hiểu nổi' - bác sỹ Davkharbayar chia sẻ.

Thạc sĩ, bác sĩ Davkharbayar (Chủ tịch Hội Du học sinh Mông Cổ tại Việt Nam): Sự phản bội tàn nhẫn

Tôi rất phấn khởi khi báo Dân Việt mở diễn đàn “ăn hay không ăn thịt chó”. Đây là cơ hội để cho tôi chia sẻ với các bạn Việt Nam suy nghĩ của mình về vấn đề này – Điều mà lâu nay tôi muốn nói mà chưa có dịp.

Tôi đã sinh sống, học tập ở Việt Nam hơn 10 năm. Nhiều lần các bạn Việt Nam rủ tôi đi ăn thịt chó. Nhưng đối với người Mông Cổ, việc không ăn thịt chó như luật bất thành văn, vì vậy tôi chưa bao giờ ăn thịt chó.

Người Mông Cổ và người Việt Nam có nhiều nét văn hóa tương đồng trong phong tục, nghi lễ. Cũng như người Việt Nam, phần lớn người Mông Cổ theo đạo Phật, tôn trọng nét văn hóa cổ truyền, yêu quý vật nuôi…

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: IT

Từ xa xưa đến nay, người Mông Cổ vẫn chăn nuôi theo nếp du mục; chó như một phương tiện bảo vệ đàn cừu, dàn dê…chống lại chó sói, thú dữ.

Mỗi khi lùa đàn gia súc ra thảo nguyên chăn thả, bao giờ chó cũng đi cùng; chó gắn bó mật thiết với với công việc chăn nuôi, giúp người Mông Cổ bảo vệ gia súc, tài sản.

Bởi thế, người Mông Cổ coi chó như người bạn thân thiết, như một thành viên không thể thiếu trong mỗi gia đình.Mỗi khi có một chú chó bị chết, cả nhà ai cũng buồn và chú chó được chôn cất rất cẩn thận.

Bây giờ, tình yêu của người Mông Cổ đối với chó còn được nhân lên. Mỗi con chó đều được cơn quan thú y phường cấp một cuốn Hộ chiếu, trên đó có tên, ảnh, mã số của chú chó; địa chỉ, họ tên chủ nuôi…bệnh án theo dõi sức khỏe; thông tin khám, tiêm phòng bệnh địnhkỳ…có chữ ký, đóng dấu của cơ sở thú y.

Tôi thấy trong các gia đình ở nông thôn Việt Nam, hầu như nhà nào cũng nuôi chó. Nhiều lần tôi được các bạn người Việt mời về nhà chơi, dù xa gia đình mấy tháng, nhưng khi đến đầu ngõ đã thấy chó ra vẫy đuôi, mừng rỡ đón bạn tôi. Có người lạ đến nhà là nó sủa ầm ĩ…

Chó đối với gia đình người Việt thân thiết, gắn bó như thế, nó vừa chơi với mình, vừa bảo vệ gia đình mình; vậy mà, có lần bạn tôi lại bảo con chó này vừa tầm, thịt ăn ngon lắm. Thật không thể hiểu nổi.

Tôi không dám chê trách các bạn. Nhưng với tôi hành động đó là một sự phản bội tàn nhẫn.

Lê Trung Nghĩa (Cựu du học sinh Việt Nam tại Áo): Dã man hay không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh

Khi còn học tại nước Áo, một lần lúc ra chơi, đứng ở hành lang, thầy giáo tôi hỏi “thầy nghe nói người Việt Nam ăn thịt chó phải không?”. Câu hỏi khá nhạy cảm, nên tôi lảng tránh.

Thấy vậy thầy nói tiếp “Con chó nó đáng yêu như thế, sao lại giết thịt để ăn? Dã man quá”. Lúc đó tôi cảm thấy rất xấu hổ. Với người Áo, chó được yêu quý, chăm bẵm như người. Đặc biệt đối với người già, chó gắn bó với họ như máu mủ, ruột rà.

Người Áo, phần lớn con cái trưởng thành đều ở riêng, nên người già thường sống rất cô độc, họ lấy chó làm bầu bạn tâm giao, đi đâu họ cũng mang theo chó, họ nói chuyện với chó, vui buồn với chó - Chó là một phần không thể thiếu đối với người già ở Áo.

Mỗi khi chó ốm đau họ lo lắng đến mất ăn, mất ngủ, rồi vuốt ve chiều chuộng, xót xa như xót xa một em bé… Bởi thế thầy nói “dã man” cũng không sai.

Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cũng không nhất thiết phải cấm ăn thịt chó. Vấn đề là ăn thế nào mà thôi.

Một con chó nhà, đã gắn bó với mình bao nhiêu năm, lúc mình buồn nó cũng cảm nhận được và chia sẻ; lúc mình vui nó cũng vẫy đuôi mững rỡ, chia vui mà đem ra mổ để ăn thịt thì đúng là dã man. Không thể chấp nhận được.

Nhưng có một trang trại nuôi chó chỉ chuyên để cung cấp thịt, rồi có một lò mổ chó tập trung (giống như trang trại chăn nuôi và giết mổ lợn) thì tôi nghĩ cũng không có vấn đề gì.

Cùng một hành vi nhưng hành vi đó có văn hóa hay không còn phụ thuộc vào việc hành vi đó diễn ra thế nào? ở đâu?... Vậy nên chúng ta cần có cách ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh.

Lê Chiên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/an-thit-cho-la-su-phan-boi-tan-nhan-913035.html