Ăn theo phim Hồng Kông xưa: Chán ngán!

Sau trào lưu Việt hóa phim Hàn Quốc, một số nhà làm phim Việt chuyển sang xào nấu lại các phim hành động nổi tiếng một thời của Hồng Kông

Phim "Vô gian đạo" của đạo diễn Trần Việt Anh, đang ra rạp, là tác phẩm "xào nấu" từ "Thánh bịp vô danh" (tên tiếng Anh: My name is nobody) của đạo diễn Vương Tinh, thêm tinh thần "Vô gian đạo" (Infernal affairs) của Mạch Triệu Huy và Lưu Vĩ Cường. Đây là tác phẩm mới nhất sau "Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội", "Trường học bá vương"… mang đậm chất hành động Hồng Kông. Dù các nhà làm phim nỗ lực mang đến hơi thở thời đại và chỉnh sửa câu chuyện cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam nhưng các phim này vẫn lạc lõng, không được khán giả ưa thích.

Cũ kỹ, chắp vá

Gần đây, điện ảnh Việt bắt đầu có những tác phẩm khai thác từ sao chép, rập khuôn cho đến lấy cảm hứng rồi Việt hóa những phim nổi tiếng một thời của Hồng Kông. "Vô gian đạo" (ăn theo tên của bộ phim Hồng Kông nổi tiếng) ngay từ khi tung các đoạn quảng cáo đã bị nhìn nhận đậm màu Hồng Kông dù đạo diễn Trần Việt Anh lên tiếng bác bỏ. Sau đó, đạo diễn này lại thừa nhận đây là tác phẩm Việt hóa, mua bản quyền từ "Thánh bịp vô danh" của đạo diễn Vương Tinh nhưng thêm vào đó tinh thần của "Vô gian đạo". Đạo diễn khẳng định trau chuốt lại các lỗi cũ của bản phim gốc và thay đổi khá nhiều chi tiết để hợp với thị hiếu khán giả Việt hiện tại. Dù vậy, "Vô gian đạo" giữ gần như nguyên vẹn đường dây cốt truyện của "Thánh bịp vô danh". Phim chỉ thay đổi tiểu tiết như chơi bài tiến lên, domino thay cho mạt chược, xì tố; thay đổi nội dung thoại và đổi tính cách, số phận một nhân vật. Phần kết phim, đạo diễn sử dụng nhân vật được thay đổi này tạo cú lật lớn cho thấy hơi hướng "Vô gian đạo" nhưng đất diễn ít, thiếu điểm nhấn, nhân vật này chẳng thể phát huy tốt vai trò của mình. Nhìn chung, đây là tác phẩm chưa đạt chất lượng, "Việt hóa" nửa mùa. Là tác phẩm Việt đầu tiên khai thác về cờ bạc bịp nhưng dựa trên nền câu chuyện quá cũ kỹ từ những năm 2000 của Hồng Kông, ngay cả những mánh khóe bài bạc cũng chẳng cập nhật, bê nguyên từ bản gốc sang. "Tôi nghĩ không nên làm lại kiểu này nữa bởi trông cũ kỹ và chắp vá" - khán giả Nguyễn Hồng Hải nhận định.

Phim “Vô gian đạo” ôm đồm nhiều nhưng chẳng có yếu tố nào được thể hiện đến nơi đến chốn (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Phim “Vô gian đạo” ôm đồm nhiều nhưng chẳng có yếu tố nào được thể hiện đến nơi đến chốn (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Trước "Vô gian đạo", phim "Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội", "Trường học bá vương" dù không phải Việt hóa nhưng cũng lấy cảm hứng, vay mượn và chắp vá từ những tác phẩm "Người trong giang hồ" đạo diễn Lưu Vĩ Cường, "Trường học Uy Long" đạo diễn Trần Gia Thượng. Cả hai phim đều không được đánh giá cao về chất lượng dù "Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội" đầu tư nhiều, doanh thu ổn nhờ ăn theo loạt phim chiếu mạng "Thập Tam Muội". Trong đó, "Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội" mang đến màn ảnh rộng một xã đoàn giang hồ đã "cải tà quy chính" nên chỉ toàn tấu hài, chọc cười khán giả. Phần hành động tệ và vô số "sạn" do kịch bản yếu. Phim "Trường học bá vương" sao chép "Trường học Uy Long", cố tạo tiếng cười theo kiểu Châu Tinh Trì nhưng hoàn toàn thất bại. Thậm chí, phim còn chọc giận người hâm mộ Châu Tinh Trì khi "phá nát" tác phẩm từng tạo dấu ấn của nghệ sĩ này.

Một kiểu bế tắc

Phim "Vô gian đạo" (ra rạp từ 24-5) không nhiều suất chiếu so với những đối thủ: "Aladdin", "Ngôi đền kỳ quái"… Sự đón nhận không như kỳ vọng này cho thấy khán giả chán ngán những kiểu Việt hóa từ phim Hàn cho đến xào nấu phim cũ của Hồng Kông. Nhiều người trong giới cho rằng các nhà làm phim nên tập trung tạo ra tác phẩm mang nét riêng cho phim Việt hơn là cứ loay hoay trong những tác phẩm ngoại lai một cách bế tắc. "Món ăn dù ngon nhưng nấu đi nấu lại mãi vẫn khiến người ta ngán. Phim Hồng Kông dù có hay nhưng cũng là với khán giả thế hệ trước, khán giả trẻ ngày nay họ chẳng còn nhiều hứng thú. Nội dung phim thì đã quá lỗi thời, dù cố gắng cũng khó mang hơi thở cuộc sống hôm nay vào câu chuyện cách đây vài chục năm. Tôi nghĩ đến lúc nên tập trung vào những chủ đề mới lạ, câu chuyện của riêng Việt Nam" - nhà biên kịch Đông Hoa nói.

Theo nhà biên kịch Châu Thổ, khán giả ngày nay rất tinh tế, trình độ nhận thức cao. Họ dễ nhận ra đâu là sao chép, đâu là sáng tạo và đâu là một câu chuyện hợp lý chứ không bị những chiêu trò bê bối hay hài hước câu kéo như trước.

Khán giả cần câu chuyện hay

Phim Hồng Kông những năm 1980-1990 chinh phục khán giả châu Á, trong đó có Việt Nam, với đủ đề tài về giới giang hồ, cờ bạc bịp, hình sự. Nhiều tác phẩm được đánh giá cao và vẫn được nhắc đến tận ngày nay. Theo xu hướng phát triển chung của điện ảnh thế giới, dòng phim này dần không còn giữ được vị thế của mình.

Việt hóa hay xào nấu các phim nổi tiếng của điện ảnh Hồng Kông có thể thu hút khán giả trẻ ban đầu vì tò mò, thấy lạ nhưng sớm gây nhàm chán. "Tôi nghĩ khán giả hiện nay cần một câu chuyện hay, hợp lý, chinh phục được họ chứ không quan tâm đến Việt hóa, làm lại, chuyển thể hay yếu tố nào khác. Phim không thuyết phục số đông khán giả là vì không hay, không phù hợp thị hiếu" - bà Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, nhận định.

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/an-theo-phim-hong-kong-xua-chan-ngan-20190528224401464.htm