Ăn thế nào để con không bị ốm vặt?

Tình trạng dinh dưỡng và hệ miễn dịch có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Nếu cơ thể trẻ không nhận đủ các chất dinh dưỡng thì hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm. Sức đề kháng kém làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Khi trẻ bị ốm thường hay chán ăn, lượng thức ăn bị giảm đi, dẫn đến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, tạo thành vòng xoắn bệnh lý, trẻ không phát triển được. Vì vậy, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ theo nhu cầu khuyến nghị là rất quan trọng để trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là những điểm cần lưu ý trong chế độ ăn của trẻ theo từng lứa tuổi:

Từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong giai đoạn này. Bà mẹ cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn (chỉ cho bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, nước uống nào khác kể cả nước trắng, trừ trường hợp phải uống bổ sung vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của bác sĩ). Sữa mẹ, đặc biệt là sữa non có tế bào bạch cầu và kháng thể giúp trẻ phòng tránh các bệnh tiêu chảy, dị ứng, nhiễm khuẩn hô hấp, viêm tai…

Tháp dinh dưỡng cân đối.

Tháp dinh dưỡng cân đối.

Từ tháng thứ 7

Sữa mẹ vẫn là nguồn quan trọng cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên sữa mẹ sẽ không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng lên theo sự phát triển của trẻ. Vì vậy trẻ cần được ăn thêm (ăn bổ sung) các thức ăn khác bên cạnh việc bú mẹ để bù đắp sự thiếu hụt này. Cần sử dụng đa dạng các thực phẩm khi chế biến thức ăn cho trẻ: Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có ít nhất 5 trong tổng số 8 nhóm thực phẩm gồm lương thực; các loại hạt; sữa và các chế phẩm từ sữa; thịt các loại, thủy sản; trứng và các sản phẩm từ trứng; củ quả màu vàng, rau màu xanh thẫm; rau củ quả khác; dầu ăn, mỡ các loại, trong đó nhóm 8 (dầu ăn, mỡ) là thành phần bắt buộc có.

Khi bắt đầu ăn bổ sung, hệ tiêu hóa của trẻ cần có thời gian để thích nghi với thức ăn mới. Nên tập ăn cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn lượng tăng dần, độ đặc tăng dần. Cho trẻ ăn thêm các bữa phụ: hoa quả, sữa chua… xen kẽ các bữa chính.

Tiếp tục cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu, với những trẻ không được bú mẹ cần cho trẻ uống thêm 500ml-700ml sữa/ngày (sữa công thức, sữa chua, phô mai…) tùy theo từng độ tuổi.

Chú ý bổ sung vi chất cho trẻ

Bên cạnh đó, bố mẹ, người chăm sóc trẻ cần quan tâm đến việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng cho trẻ. Đó là những chất cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất, tinh thần, giúp cơ thể khỏe mạnh, chống đỡ lại bệnh tật. Đặc biệt vi chất dinh dưỡng rất quan trọng cho sự tăng trưởng cân nặng và chiều cao của trẻ.

Vitamin A giúp trẻ tăng trưởng, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và các bệnh về mắt. Lựa chọn các thực phẩm giàu vitamin A như sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua…), rau có màu xanh thẫm, các loại quả màu vàng, đỏ; lòng đỏ trứng, gan…

Vitamin D có chức năng quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Sự thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến rối loạn điều hòa phản ứng miễn dịch của con người. Vitamin D có nhiều nguồn từ thực phẩm, thuốc hoặc tổng hợp dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên cần tùy thuộc thời tiết, cường độ nắng để tắm nắng phù hợp cho trẻ. Tắm nắng trước 9h thì không đủ tia UVB để tổng hợp vitamin D, tắm nắng sau 10h lại rất nhiều tia cực tím, tăng nguy cơ mắc các bệnh về da, thậm chí là ung thư da. Vì vậy với trẻ dưới 1 tuổi, WHO khuyến nghị dùng liều dự phòng bổ sung vitamin D cho trẻ là an toàn nhất. Cụ thể là nên bổ sung vitamin D 400 IU/ ngày với trẻ dưới 1 tuổi, từ 1 tuổi trở lên có thể bổ sung 600 IU/ ngày. Ngoài ra, nguồn thực phẩm giàu vitamin D có thể kể đến: Sữa, trứng, dầu cá, phô mai, cá hồi, nấm.

Tô màu bát bột cho bé ăn dặm

Vitamin C là chìa khóa cho sự tăng trưởng và hoạt động hàng ngày của hầu hết các mô cơ thể. Vitamin C làm tăng sức đề kháng, bảo vệ sự nguyên vẹn của tế bào, là chất chống oxy hóa mạnh của cơ thể. Vì vậy, cung cấp đủ vitamin C hàng ngày là rất cần thiết. Vitamin C có nhiều trong trái cây tươi và rau xanh, bao gồm: bưởi, chanh, cam, ổi, dâu tây, kiwi, đu đủ, bông cải xanh, bông cải trắng, ớt chuông, rau ngót, rau cải…

Kẽm giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ. Thiếu kẽm trẻ dễ bị nhiễm trùng, biếng ăn, chậm phát triển chiều cao. Cần lựa chọn các thực phẩm giàu kẽm cho bữa ăn của trẻ như: Các loại hải sản, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, các loại rau mầm… Khi trẻ bị tiêu chảy cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Sắt là yếu tố quan trọng trong quá trình tạo máu, giúp trẻ tăng trưởng, phát triển và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Lựa chọn các thực phẩm giàu sắt cho bữa ăn của trẻ: thịt nạc, cá, trứng, đậu đỗ, rau có màu xanh thẫm.

BS. Phan Thị Hồng Diệu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/an-the-nao-de-con-khong-bi-om-vat-n194160.html