Án tham nhũng và chức vụ tăng 240% số vụ ở TPHCM

Trong số các loại tội phạm gia tăng năm 2019, đáng chú ý là nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ tăng tới 240% về số vụ và 250% về số bị can.

Sáng 14-11, Ban Pháp chế HĐND TPHCM giám sát về công tác kiểm sát năm 2019 tại Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM.

Trình bày báo cáo trước đoàn giám sát, Phó Viện trưởng VKSND TPHCM Nguyễn Nhật Nam cho biết, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay được giữ vững ổn định; số án khởi tố mới 9.110 vụ với 7.161 bị can, so với cùng kỳ tăng 667 vụ với 1.043 bị can (tăng 7,9% về số vụ, 17% về số bị can).

Mặc dù, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan chức năng đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn tăng và còn nhiều diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng đa dạng, tinh vi, nhiều vụ phạm tội có quy mô, tổ chức chặt chẽ, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra đa dạng, nhiều vụ sử dụng công nghệ cao để phạm tội; nhiều vụ án giết người xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhưng hành vi phạm tội rất côn đồ, dã man, manh động, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm hoang mang trong dư luận.

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TPHCM làm việc tại Viện Kiểm sát nhân dân TP sáng 14-11. Ảnh: MAI HOA

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TPHCM làm việc tại Viện Kiểm sát nhân dân TP sáng 14-11. Ảnh: MAI HOA

Trong số các loại tội phạm gia tăng, đáng chú ý là nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ tăng tới 240% về số vụ và 250% về số bị can. Cụ thể, khởi tố mới 17 vụ với 42 bị can, tăng 12 vụ, 30 bị can so với năm ngoái. Trong đó có 10 vụ tham ô tài sản, 2 vụ nhận hối lộ.

Ngoài ra, trong thời gian này, VKSND TP còn thực hiện một khối lượng công việc rất lớn trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự; kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp...

Viện trưởng VKSND TPHCM Đỗ Mạnh Bổng phát biểu trước đoàn giám sát. Ảnh: MAI HOA

VKSND TP đánh giá, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn những hạn chế như tỷ lệ giải quyết tin báo của cơ quan điều tra chưa cao (đạt 81,4%, giảm 1,3%); tỷ lệ án trả điều tra bổ sung vẫn còn cao hơn tỷ lệ cho phép 2,4%; còn án dân sự, hình sự hủy liên quan đến trách nhiệm của VKS...

Nguyên nhân, khối lượng công việc của VKS 2 cấp rất lớn, nhiều vụ, việc có tính chất phức tạp (nhất là ở cấp thành phố). Bên cạnh đó, một số khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật chậm được hướng dẫn, làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả các khâu công tác kiểm sát. Một số cán bộ, kiểm sát viên ý thức trách nhiệm chưa cao, năng lực, trình độ còn hạn chế; công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp chưa chặt chẽ, kịp thời.

Một người bị oan không nhận tiền bồi thường

Về công tác giải quyết bồi thường cho người bị oan, trong năm qua VKSND TP thụ lý 10 trường hợp bồi thường. Trong đó đã bồi thường xong 7 trường hợp, tòa đang thụ lý giải quyết một vụ, một vụ khác đang tiến hành thương lượng. Riêng một trường hợp đương sự không nhận tiền bồi thường. Đó là ông L.T.M, VKS quận 10 đã nhiều lần mời ông Minh đến nhận tiền bồi thường nhưng ông Minh không đến nhận và tiếp tục làm đơn khiếu nại bồi thường.

Phó Viện trưởng VKSND TPHCM Nguyễn Văn Tấn, cho biết đương sự này yêu cầu Chi cục thuế quận 10 phải nhận ông về làm việc lại chứ không nhận tiền, mà Chi cục thuế chưa có trả lời. Tới nay, luật chưa có quy định xử lý tiền bồi thường này như thế nào, tiền đã đưa xuống rồi không trả lại được, hiện tiền đang gửi ngân hàng, để khi nào đương sự nhận thì sẽ có thêm khoản lãi.

MAI HOA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/an-tham-nhung-va-chuc-vu-tang-240-so-vu-o-tphcm-628473.html