Án tham nhũng còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm do đâu?

Ông Đặng Ánh, Phó Chánh án TAND TP.Đà Nẵng cho rằng, việc xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng còn chậm vì nhiều lý do.

Ngày 30/8, trong buổi làm việc với ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông Đặng Ánh, Phó Chánh án TAND TP.Đà Nẵng cho biết, trong 5 năm qua, TAND hai cấp TP.Đà Nẵng đã thụ lý 10 vụ án tham nhũng, kinh tế; trong đó, có 29/47 bị cáo phạm tội liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng vụ Địa phương, ban Nội chính Trung ương chia sẻ tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng vụ Địa phương, ban Nội chính Trung ương chia sẻ tại buổi làm việc.

Các vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ, án kinh tế được TAND hai cấp thành phố đưa ra xét xử là không nhiều nhưng 1 số vụ án có tính chất phức tạp. Dù vậy, công tác xét xử án tham nhũng, chức vụ, án kinh tế vẫn bảo đảm đúng người, đúng pháp luật, mức án tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, chưa để xảy ra trường hợp nào bị oan sai hay bỏ lọt tội phạm.

Tuy vậy, việc xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng còn chậm do phải hoãn phiên tòa. Thậm chí, có vụ án bị hủy, xét xử lại với tội danh khác. Một số vụ án do cơ quan điều tra Trung ương và Viện KSND TC truy tố, ủy quyền cho Viện KSND TP.Đà Nẵng giữ quyền công tố thì công tác phối hợp giải quyết những vướng mắc, quan điểm khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ, kết quả trưng cầu giám định, xử lý tang vật vụ án. Trong quá trình điều tra cũng có vụ án gặp nhiều vi phạm về tố tụng chưa kịp thời, dẫn đến vụ án phải hoàn trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần, làm cho quá trình giải quyết vụ án kéo dài.

Theo ông Ánh, có 3 nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót, khuyết điểm trong việc giải quyết, xét xử các vụ án tham nhũng. Thứ nhất là cơ chế, chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chưa kịp thời. Thứ 2, công tác kiểm tra giám sát thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, chậm phát hiện những hạn chế, thiếu sót. Cuối cùng, công tác phối hợp của cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đối với cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới chưa kịp thời. Đồng thời, các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương cũng còn có những quan điểm khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ tội danh dẫn đến vụ án kéo dài.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng vụ Địa phương, ban Nội chính Trung ương ghi nhận những kết quả đã đạt được, đồng thời đề nghị TAND thành phố, Viện KSND tập trung nêu rõ bài học kinh nghiệm, tính hiệu quả của đơn vị mình trong công tác xét xử, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục cải thiện công tác phối hợp với các ngành; phát huy tính gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phòng chống, phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí tiêu cực... Đoàn công tác tiếp thu các kiến nghị, đề xuất và sẽ báo cáo với ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN để xem xét sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng tại TP.Đà Nẵng và cả nước nói chung.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/an-tham-nhung-con-nhieu-thieu-sot-khuyet-diem-do-dau-a391301.html