Ăn Tết hai lần

Gắn bó với sự ra đời, chiến đấu và phát triển của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng, nguyên Tư lệnh BĐBP luôn mang trong lòng niềm tự hào về tinh thần trách nhiệm, vượt khó của cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh luôn chắc tay súng bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng, sinh năm 1937, trong gia đình nghèo quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Năm 17 tuổi, theo gương cha, anh, ông xung phong vào quân ngũ. Đến năm 1959, khi Bộ Chính trị Ban hành Nghị quyết 58 thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), ông được nhận nhiệm vụ mới và là một trong những cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của lực lượng BĐBP.

Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng xem lại những trang kỷ niệm về thời gian công tác tại BĐBP.

Đầu thềm xuân Kỷ Hợi 2019, chúng tôi đến thăm Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng, tại căn hộ tập thể xinh xắn ở bán đảo Linh Đàm (Hà Nội). Trong buổi nói chuyện thân mật, chúng tôi cảm nhận được tâm huyết, sự quan tâm và tấm lòng nhân hậu của một vị tướng dành cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP. “Đến nay, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và toàn thể bộ, ngành Trung ương cũng như Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương nên hầu hết các trạm, đồn biên phòng được xây dựng khang trang và đời sống cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã đỡ vất vả. Còn trước kia, gian khó lắm, đồn, trạm biên phòng ở xa còn được “ăn Tết hai lần” do không có thông tin và cũng không biết thời gian tổ chức Tết cho bộ đội”, ông tâm sự.

Kỷ niệm vui mà có thật “ăn Tết hai lần” của ông đã đưa chúng tôi đến đầu những năm 1990, khi ông đang là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu, nơi mà ông đã từng có thời gian công tác khi mới nhập ngũ. Ấn tượng sâu sắc về Lai Châu ngày đó trong ông là sự xa xôi cách trở và khắc nghiệt: Từ tháng 5 đến tháng 9, mưa lũ xối xả, có lúc ngày nóng như nung nhưng đêm đến thì giá lạnh; còn từ tháng 11 đến tháng 3 là thời tiết ẩm, lạnh.

Giao thông địa bàn tỉnh Lai Châu thời gian ấy là vấn đề đặc biệt khó khăn. Muốn đi từ thôn này sang bản khác phải đi ngựa, đi bộ cả ngày trời. Còn cơ động từ Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đến các đồn thì phải mất cả tuần lễ. Ví như: Nếu huy động dân công gùi gạo lên tuyến A Pa Chải, Leng Su Sìn, tiếp tế cho các đồn biên phòng thì mỗi chuyến đi về mất 15 ngày, mà mỗi người chỉ gùi được 15kg gạo, tức là đủ gạo ăn đường. Nhìn chung, mỗi đồn biên phòng như một ốc đảo giữa mênh mông núi rừng. Có nhiều nơi, Bộ Quốc phòng phải sử dụng máy bay trực thăng để tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc quân y, quân trang, quân dụng cho các đồn biên phòng và những nhu yếu phẩm cần thiết cho đồng bào địa phương.

Ngày ấy, mỗi khi hết năm cũ (dương lịch), Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh lại cử đoàn cán bộ, chiến sĩ dùng ngựa vận chuyển quân lương, nhu yếu phẩm ngày Tết cho các đồn biên phòng. Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng trầm ngâm nhớ lại:

- Có năm, còn hơn chục ngày nữa là đến Tết thì có cán bộ đoàn vận chuyển tuyến A Pa Chải, Leng Su Sìn về báo cáo: Do đường đi khó khăn, địa hình hiểm trở, đèo cao, suối sâu… khi đến địa bàn huyện Mường Nhé, đoàn ngựa thồ con thì chết, con kiệt sức không thể tiếp tục vận chuyển hàng hóa đến các đồn được. Nhận tin xong, theo thống nhất của Đảng ủy, chỉ huy BĐBP: Nếu tiếp tục cấp ngựa thì sợ chúng cũng không thể thực hiện nổi nhiệm vụ nên chúng tôi cử cán bộ đến đề nghị chính quyền huyện Mường Nhé cho mượn ngựa để đoàn tiếp tục thồ hàng cho các đồn biên phòng”.

Thời gian đó, trong hàng hóa chuyển đến cho cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng vui Xuân, đón Tết có những vật phẩm rất quan trọng đó là lịch, pin và sách báo. Lịch để bộ đội xem ngày, pin để bộ đội nghe đài (vì không có điện nên pin là nguồn năng lượng quý báu) và sách báo để phục vụ đời sống văn hóa, trang bị kiến thức cho bộ đội… Vì tiếp tế gặp sự cố nên các đồn biên phòng mù mịt về thời gian và thông tin, cuối cùng chỉ huy các đồn trên tuyến đó cứ đoán chừng ngày rồi tổ chức cho bộ đội ăn Tết.

Còn đoàn vận chuyển hàng hóa, sau khi mượn được ngựa của chính quyền địa phương tỉnh Mường Nhé lại tiếp tục lên đường. Khi đến các đồn hỏi ra thì biết các đồn đã ăn Tết trong khi vẫn còn cả tuần nữa mới đến Tết. Vậy là, cán bộ, chiến sĩ các đồn lại tiếp tục chuẩn bị kế hoạch vui Xuân, đón Tết lần thứ hai. Trò chuyện đến đây, giọng Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng vang lên hào sảng đầy hãnh diện: “Đấy khó khăn, gian khổ, thiếu thốn là thế nhưng cán bộ, chiến sĩ BĐBP vẫn yêu đời, xác định rõ trách nhiệm, chắc tay súng bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc”.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/an-tet-hai-lan-565720