Ẩn số Digiworld

Nỗ lực tái cấu trúc thông qua chiến lược tập trung vào khai thác dịch vụ MES, DGW đang từng bước chuyển mình từ một nhà phân phối thiết bị ICT để trở thành nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường đa ngành.

Kết quả kinh doanh ấn tượng

CTCP Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán: DGW) đã công bố BCTC hợp nhất quý 3/2017.

Theo đó, doanh thu thuần tăng gần 10% lên 1.124 tỷ đồng. Nhờ giá vốn tăng ít, tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện và theo đó, lợi nhuận gộp tăng tới 43%, đạt 82,9 tỷ đồng. Biên lãi gộp của Công ty trong quý III đã cải thiện từ mức 5,6% cùng kỳ năm trước lên mức 7,3%.

Chi phí bán hàng tăng hơn gấp đôi, từ 15 tỷ đồng trong quý 3 năm trước lên hơn 34 tỷ đồng trong quý 3 năm nay. Do đó, lợi nhuận sau thuế của DGW đạt 27,1 tỷ đồng – tăng 14% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Digiworld đã đạt doanh thu 2.696 tỷ và lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng, qua đó hoàn thành sớm kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại thời điểm cuối quý 3, khoản phải thu của DGW tăng mạnh từ 361 tỷ đồng lên 640 tỷ đồng. Trong đó đáng kể nhất là khoản phải thu đối với CTCP Thế giới di động tăng từ 46 tỷ đồng lên 117 tỷ đồng, trả trước cho XIAOMI gần 102 tỷ đồng.

Digiworld cho biết, lý do lợi nhuận tăng trong quý III nhờ Công ty đẩy mạnh cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (Market Expansion Services – MES), mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nhóm sản phẩm mới.

Trước đó, trong quý II/2017, công ty này đạt lợi nhuận sau thuế 20,4 tỷ, tăng 77% so với cùng kỳ.

Doanh thu thuần quý II/2017 của DGW đạt 791 tỷ giảm 148,8 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, DGW đạt doanh thu 1.552 tỷ và lợi nhuận sau thuế 29 tỷ, hoàn thành 52,7% kế hoạch năm.

Vẫn còn là ẩn số

Mới đây, DGW đã không giấu tham vọng thâm nhập, mở rộng và khai thác ngành hàng FMCG khi hoàn tất thương vụ M&A với Công ty TNHH CL sau khi mua 50,3% vốn tại Công ty TNHH CL thông qua công ty con Digiworld Venture.

CL là doanh nghiệp được thành lập từ năm 1998, chuyên phân phối các sản phẩm FMCG cao cấp của Nhật Bản như: Kem đánh răng Kodomo, kem tẩy trắng răng Zact Lion, bàn chải đánh răng Systema, nước giặt quần áo Essense, bột giặt Bio Zip, nước rửa chén Bubbi King… Bên cạnh đó, CL là đối tác của tập đoàn Lion – Tập đoàn FMCG hàng đầu Nhật Bản với doanh thu năm lên tới 3,4 tỷ đô la Mỹ.

Digiworld kì vọng, hệ thống phân phối ngành hàng FMCG có sẵn của CL và danh mục hàng hóa uy tín, đa dạng của Lion sẽ giúp quá trình thâm nhập, mở rộng và khai thác ngành hàng FMCG diễn ra nhanh hơn.

Trước đó, Digiworld cũng đã chính thức bước chân vào ngành chăm sóc sức khỏe theo như kế hoạch đã trình bày trước đó tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017. Sản phẩm đầu tiên được Digiworld tung ra thị trường là một loại sản phẩm dành cho đàn ông tuổi trung niên. Digiworld là nhà phân phối độc quyền cho sản phẩm KINGSMEN - Sản phẩm được sản xuất bởi Công ty TNHH Medistar Việt Nam.

Đây chính là thị trường ngách đầy hấp dẫn của Digiworld. Chiến lược của Digiworld là sẽ chọn những sản phẩm chất lượng chưa được khai phá hết tiềm năng để đầu tư. Thị trường này đang cần một nhà trung gian ở giữa, một kênh phân phối đủ rộng và đủ năng lực xây dựng thương hiệu để nhiều người biết đến và tăng trưởng tốt hơn”, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Digiworld nói.

Về mức độ phủ sóng, DGW đặt mục tiêu đến giữa 2019, DGW sẽ phủ 20.000 nhà thuốc trong số 40.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Về phân khúc sản phẩm, DGW sẽ tham gia vào phân khúc thực phẩm chức năng và thuốc không kê toa là mảng hoạt động có biên lợi nhuận cao từ 60-65% với điều kiện DGW tham gia càng nhiều khâu, chứ không chỉ phân phối đơn thuần .

Trong khi đó, mảng kinh doanh chính của nhà phân phối thiết bị điện tử này lại có xu hướng đi xuống kể từ năm 2015, sau khi Microsoft Nokia thay đổi chiến lược kinh doanh chuyển từ phần cứng sang phần mềm khiến doanh số Digiworld giảm mạnh. Cho đến 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Digiworld tiếp tục giảm lần lượt 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đối phó với tình hình đó, nhà phân phối này cho biết công ty đang trong quá trình cơ cấu lại ngành hàng theo hướng giảm tỷ trọng các sản phẩm điện thoại và cố gắng tập trung vào những mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn như các sản phẩm mang thương hiệu Xiaomi. Bên cạnh đó, nhà phân phối này kỳ vọng bước chân vào ngành chăm sóc sức khỏe sẽ lấp được khoảng trống mà Nokia để lại.

Dù đánh giá thị trường đang phân mảnh và đầy tiềm năng, nhưng có vẻ như sắp có mộc cuộc chạm trán mới diễn ra trên thị trường bán lẻ dược phẩm và thực phẩm chức năng. Bởi số lượng DN đang ‘nhòm ngó’ lĩnh vực này đang có chiều hướng gia tăng. Thế Giới Di Động mới đây cũng đã tuyên bố nhảy vào lĩnh vực dược phẩm. Công ty này đã trình cổ đông phê duyệt khoản đầu tư trị giá 2.500 tỷ đồng để thực hiện M&A chuỗi điện máy và dược phẩm.

Tiến Minh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/an-so-digiworld-119171.html