Ẩn số của Amazon Go hay câu chuyện về bán lẻ hiện đại

Cửa hàng Amazon Go dựa vào hoạt động thu thập dữ liệu tinh vi để cải thiện sự trải nghiệm mua sắm, khiến các chuyên gia bảo mật lo ngại rằng người Mỹ có vẻ như chưa hiểu hết những gì họ đánh đổi để có được thứ mình cần.

Amazon Go mang đến cho người tiêu dùng một hình ảnh mới về hoạt động mua sắm.

Công nghệ bên trong cửa hàng tiện lợi Amazon Go cho phép mang lại một trải nghiệm mua sắm không nơi nào khác có được, trong đó quầy thanh toán, nhân viên thu ngân và khung cảnh dòng người chờ xếp hàng tính tiền không còn nữa.

Mua sắm nhanh hơn

Sau thời gian thử nghiệm, tập đoàn thương mại điện tử Amazon.com vừa chính thức đưa cửa hàng Amazon Go đầu tiên, đặt tại thành phố Seattle (Mỹ), vào hoạt động, nơi công chúng không còn đối mặt những trở ngại thường thấy ở một siêu thị truyền thống. Bên trong cửa hàng Amazon Go này không có nhân viên thu ngân, giỏ mua hàng hoặc hàng người đợi thanh toán để làm chậm chân người mua sắm. Dù vậy, người mua sắm ít nhiều phải chịu sự đánh đổi: Hàng trăm camera, bộ cảm biến bên trong cửa hàng theo dõi họ từ lần vuốt màn hình điện thoại đầu tiên cho đến khi họ ra khỏi cửa hàng.

Cửa hàng tiện lợi này được xem là phép thử cho phương thức mua sắm công nghệ cao có thể sớm được mở rộng ở nhiều nơi giữa lúc Amazon và các “đại gia” khác trong lĩnh vực tạp hóa tìm cách thu hút những khách hàng muốn mua sắm tiện lợi và nhanh chóng. Cửa hàng dựa vào hoạt động thu thập dữ liệu tinh vi để cải thiện sự trải nghiệm mua sắm, nhưng điều này vẫn khiến các chuyên gia bảo mật lo ngại rằng người Mỹ có thể chưa hiểu hết những gì họ đánh đổi để có được thứ mình cần.

Để vào cửa hàng, khách hàng quét một mã QR – được ứng dụng Amazon Go tạo ra trên điện thoại – trên cửa xoay điện tử. Ngay từ thời điểm đó, sự hiện diện của người mua sắm bên trong cửa hàng được gắn kết với hồ sơ Amazon của họ. Hàng trăm camera màu đen trên trần nhà theo dõi cử động của khách hàng để nhận biết họ bỏ món gì vào túi hoặc để lại món gì lên kệ bên trong không gian có diện tích gần 170 mét vuông này.

Camera cửa hàng còn được tích hợp các bộ cảm biến tia hồng ngoại, nhưng Amazon cho biết họ không sử dụng công nghệ nhận biết khuôn mặt. Một số mặt hàng có mã vạch lớn, thân thiện với camera để giúp hệ thống biết được những sản phẩm nào được lấy đi. Máy tính sau đó kết hợp thông tin này với dữ liệu từ bộ cảm biến trọng lượng được cài đặt trên mỗi kệ hàng. Amazon cho biết mỗi lần khách hàng lấy một món hàng nào đó ra khỏi kệ và bỏ vào túi mua sắm của mình, sản phẩm sẽ được tự động đưa vào giỏ hàng của tài khoản trực tuyến của họ. Nếu khách hàng đưa sản phẩm đó trở lại kệ, Amazon sẽ lấy nó ra khỏi giỏ hàng ảo của họ.

Sẽ mở rộng?

Sau khi mua sắm xong, khách hàng chỉ cần rời khỏi cửa hàng và điện thoại của họ nhanh chóng nhận được biên lai cùng thông tin về thời gian mua sắm. Tài khoản Amazon của họ tự động bị trừ tiền cho những gì được đưa ra khỏi cửa hàng. Amazon không tiết lộ chi tiết về những công nghệ được ứng dụng trong cửa hàng như cho biết nó không khác gì một số kỹ thuật được thấy trong xe tự lái, như hệ thống học máy có thể hoàn thiện dần theo thời gian, tầm nhìn máy tính, công nghệ xử lý hình ảnh được sử dụng trong thẻ ảnh Facebook.

“Các camera nhận biết người mua sắm tương tác gì với kệ hàng. Các công nghệ thị giác máy tính và thuật toán học máy giúp biết được sản phẩm nào được lấy đi”, ông Dilip Kumar, Phó chủ tịch công nghệ của Amazon Go, giải thích. Nói tóm lại, công nghệ của Amazon có thể nhìn thấy và xác định mọi hàng hóa trong cửa hàng mà không cần gắn bất kỳ con chip đặc biệt nào lên chúng.

Amazon hiện chưa tiết lộ liệu có mở rộng mô hình Amazon Go hay không dù một số nhà phân tích cho rằng khả năng này là khá cao. Công ty hiện vận hành hơn mười cửa hàng sách truyền thống và gần đây đã chi 13,7 tỉ đô la để mua hàng trăm siêu thị tạp hóa của The Whole Foods. Trong bước đi nói trên, Amazon có nhiều khả năng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh của các “đại gia” trong ngành bán lẻ, như Walmart và Kroger (chuỗi cửa hàng tạp hóa độc lập lớn nhất Mỹ). Hai công ty này đang lên kế hoạch cho phép người mua sắm tại hàng trăm cửa hàng mình không cần thanh toán tại quầy thu ngân bằng cách quét điện thoại lên các loại hàng hóa đã chọn mua.

Một mối bận tâm lúc này là chuyện thu thập dữ liệu về người mua sắm. Ông John Verdi, Phó chủ tịch chính sách tại tổ chức Future of Privacy Forum (Mỹ), cho rằng những dữ liệu được thu thập bên trong Amazon Go lúc này không nhiều hơn những gì người ta cung cấp tại các siêu thị thông thường thông qua việc sử dụng thẻ tín dụng và thẻ khách hàng trung thành. Theo ông, nhiều người tiêu dùng có lẽ thấy thoải mái với mức độ thu thập và sử dụng dữ liệu như thế. Dù vậy, một số chuyên gia bảo mật cho rằng Amazon có thể phải đối mặt nhiều sức ép hơn về vấn đề này nếu công nghệ đứng đằng sau Amazon Go tiếp tục được cải tiến và được sử dụng rộng hơn.

Lối ra vào cửa hàng Amazon Go không khác gì nhà ga tàu điện ngầm.

Sức ép từ sự tự động hóa

Một vấn đề đáng quan tâm không kém là tác động của xu hướng tự động hóa đối với công ăn việc làm của con người. Sự xuất hiện của Amazon Go – sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tinh gọn tiến trình mua sắm – hứa hẹn ít nhiều giúp người ta hình dung được về diện mạo cuộc cách mạng bán lẻ tự động hóa trong tương lai không xa.

Mặt khác, nó có thể gây sức ép không nhỏ đến triển vọng công ăn việc làm trong lĩnh vực này. Theo các số liệu được thống kê, có khoảng 3,5 triệu nhân viên thu ngân tại Mỹ trong năm 2016, trong đó khoảng 870.000 người làm việc tại các cửa hàng tạp hóa. Một số công việc này có thể bị đe dọa nếu công nghệ đằng sau Amazon Go được sử dụng rộng rãi hơn.

Trước mắt, Amazon cho biết công nghệ của mình chỉ thay đổi vai trò của nhân viên, tương tự lời mô tả của họ về tác động của tự động hóa đối với nhân viên nhà kho. Những vai trò mới có thể là bổ sung hàng hóa lên kệ và giúp khách hàng xử lý những khi gặp trục trặc kỹ thuật. Ngoài ra, cửa hàng còn có nhân viên kiểm tra thẻ căn cước của khách hàng muốn mua rượu. Dù Amazon Go chỉ mới là một khái niệm, ý tưởng đằng sau nó có tiềm năng tác động đến cuộc sống của người lao động trong lĩnh vực bán lẻ khắp nước Mỹ. Thậm chí có những lời phỏng đoán cho rằng Amazon có thể bán hệ thống cho các nhà bán lẻ khác, giống như họ đang cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho các công ty khác.

Điều đáng nói là Amazon không phải là công ty duy nhất có những bước đi đe dọa khiến vai trò của nhân viên thu ngân trở nên dư thừa. Cửa hàng tạp hóa Woodman’s Market ở bang Wisconsin giới thiệu trải nghiệm mua sắm di động, cho phép khách hàng mua và thanh toán mà không cần tương tác với nhân viên thu ngân. Đại gia Walmart cũng đang thử nghiệm cửa hàng bán lẻ hoàn toàn tự động. Chưa hết, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s gần đây công bố kế hoạch chi tiết về việc thay nhân viên thu nhân bằng những ki-ốt gọi món tự động.

Tương lai của ngành bán lẻ chắc chắn sẽ dựa nhiều vào xu hướng số hóa, tự động hóa cao độ nhưng điều này không giúp trả lời cho câu hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra với những người lao động chịu tác động của sự chuyển đổi này?

H. Minh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/269448/an-so-cua-amazon-go-hay-cau-chuyen-ve-ban-le-hien-dai.html