Ăn rau luộc có thực sự `lành mạnh` như ta tưởng?

Theo chuyên gia dinh dưỡng Tracy Lesht , với một số loại rau xanh nhất định, cụ thể là những loại có chứa vitamin tan trong nước không bao giờ nên luộc.

Chúng ta vẫn cho rằng luộc rau là phương pháp chế biến món ăn an toàn nhất, vừa đảm bảo chất lượng lại tránh được việc chiên xào dầu mỡ. Tuy nhiên không phải tất cả mọi loại rau luộc đều đảm bảo chất lượng. Một số chuyên gia dinh dưỡng trên Food.ndtv cho rằng việc luộc sôi lại khiến chúng mất đi chất dinh dưỡng.

Một chuyên gia dinh dưỡng tên Tracy Lesht cho biết, với một số loại rau nhất định, cụ thể là những loại có chứa vitamin tan trong nước không bao giờ nên luộc. Đó là:

- Bắp cải
- Cải bó xôi (rau chân vịt)
- Cải xoăn
- Súp lơ (bông cải xanh)
- Các loại đậu quả
- Đậu Hà Lan

"Nếu luộc các loại rau này, bạn sẽ không thu được nhiều lợi ích sức khỏe từ chúng", Lesht cho biết.

Đơn cử với rau chân vịt, khi chế biến bằng phương pháp luộc sẽ vô tình làm mất toàn bộ chất dinh dưỡng và công dụng vốn có của nó. Vì vậy, cách nấu ăn lành mạnh nhất để bảo toàn chất dinh dưỡng trong rau là xào, hấp và luộc rau củ quả với lượng ít nước.

Ngoài ra, nếu như buộc phải luộc rau củ thì có một cách tuyệt vời để tận dụng hàm lượng vitamin và khoáng chất bị tan ra trong quá trình đun sôi, là sử dụng chính nước luộc rau làm nguyên liệu nấu ăn trong các món khác như thịt, chế mì hoặc nấu canh với rau khác...

Theo nguyên tắc chung, rau được nấu trong thời gian ít nhất, ở nhiệt độ thấp và lượng nước ít có thể giữ lại được phần lớn hàm lượng chất dinh dưỡng của chúng. Đây là lý do tại sao hấp là phương pháp nấu ăn tốt hơn cả việc luộc ở hầu hết các loại rau.

Trên tạp chí khoa học Food Chemistry, đăng tải một nghiên cứu tại Tây Ban Nha cho thấy việc xào rau với dầu ô liu tinh khiết sẽ giúp tăng lượng chất chống ôxy hóa và các hoạt chất giúp phòng ngừa các bệnh như ung thư, tiểu đường, giảm thị lực… Trong khi đó, luộc lại làm hao hụt nhiều dưỡng chất trong rau.

Các nhà khoa học đã thực nghiệm chế biến các loại rau phổ biến trong chế độ ăn Địa Trung Hải như khoai tây, cà chua, bí đỏ và cà tím theo các cách nấu khác nhau gồm luộc, xào và salad (trộn nước sốt truyền thống với rau đã luộc chín). “Quá trình xào rau làm tăng lượng phenolic, hợp chất chống ôxy hóa rất mạnh vốn sẵn có trong rau. Đặc biệt, ở những rau vốn rất giàu chất phenolic, tổng lượng chất này sẽ tiếp tục tăng lên khi sử dụng dầu ô liu nguyên chất để chế biến. Điều tuyệt vời này không hề có khi luộc rau.

Tóm lại, chiên xào không chỉ giữ lại mà còn giúp tăng cường hợp chất phenolic” - GS Cristina Samaniego Sanchez, một chuyên gia của ĐH Granada, một thành viên của nhóm nghiên cứu, khẳng định. Vị giáo sư này cũng gợi ý rằng rau rưới dầu ăn đem hấp cũng rất tốt vì vừa giúp tránh được thất thoát dưỡng chất lại cải thiện lượng phenolic. Với kết quả trên, GS Cristina cho rằng đã đến lúc chúng ta phải thay đổi quan niệm trong chế biến rau như thế nào là tốt nhất cho sức khỏe.

Có thể thấy, việc luộc một số các loại rau không phải là biện pháp tốt để đảm bảo dinh dưỡng, mà hấp và xào mới giữ và tăng thêm được giá trị dinh dưỡng của món ăn.

Anh Thoa (T/H)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/an-rau-luoc-co-thuc-su-lanh-manh-nhu-ta-tuong-503873.htm