An Phú lan tỏa phong trào thi đua yêu nước

Những năm qua, An Phú (An Giang) đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua theo hướng xã hội hóa, tập trung đưa phong trào về cơ sở. Huyện phát động sâu rộng các phong trào thi đua, đẩy mạnh môi trường đầu tư và sản xuất -kinh doanh, phát triển công nghiệp, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi…

Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho biết, 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức phong phú gắn với các chương trình, kế hoạch theo từng lĩnh vực công tác cụ thể, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo động lực cho huyện đạt được những thắng lợi toàn diện trên các mặt công tác, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Hàng năm, UBND huyện tổ chức phát động phong trào thi đua đến các cấp, ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân với mục tiêu phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, phát động nhiều đợt thi đua, khơi dậy tinh thần thi đua của mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, công tác xây dựng, phát động các phong trào thi đua có nhiều đổi mới, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng tham gia của đông đảo nhân dân đã đem lại hiệu quả toàn diện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn giai đoạn 2016-2020 tăng 15,70% (năm 2016 là 22,32 triệu đồng, năm 2020 là 40 triệu đồng, tăng 17,68 triệu đồng).

An Phú khánh thành cầu giao thông do Tạp chí Nông thôn Việt và nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động tài trợ

Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại 8 xã, với tổng diện tích 4.146 ha/3.978 hộ. Chủ động phối hợp thực hiện dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long (WB9) tại 3 xã bờ Đông và 3 xã bờ Tây sông Hậu, góp phần ổn định kết cấu hạ tầng, giúp nông dân phát triển sinh kế mới, tăng thêm thu nhập, thích nghi sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng, mang lại nhiều kết quả tốt. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi đáng kể, cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước cải thiện, đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đến cuối năm 2019, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Khánh An, Đa Phước, Khánh Bình, các xã còn lại đạt từ 10 - 15 tiêu chí.

Giá trị hàng hóa luân chuyển toàn ngành thương mại - dịch vụ 62.800 tỷ đồng, đạt 103,6% so nghị quyết, tăng trưởng bình quân 12,6%. Hạ tầng bưu chính - viễn thông tiếp tục được đầu tư mở rộng với công nghệ hiện đại; chất lượng dịch vụ bưu chính - viễn thông ngày càng tốt hơn. Hiện, huyện có 112 trạm thu phát sóng di động (BTS), phát triển hơn 108.000 thuê bao điện thoại (cố định và di động), tăng 101.419 thuê bao so năm 2016.

Đến nay, toàn huyện có 62 trường từ bậc mầm non, mẫu giáo đến bậc THPT, trong đó 11 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác xã hội hóa giáo dục, phong trào khuyến học, khuyến tài tiếp tục được đẩy mạnh. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt kết quả khá cao so với kế hoạch và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm so nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt 98,02%, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,05%, tỷ lệ học sinh THCS tốt nghiệp đạt 99,17%, tỷ lệ học sinh THPT tốt nghiệp đạt 99,60%.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng và nâng cao; cơ sở vật chất các trạm y tế xã, thị trấn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị; đội ngũ y tế phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ. Huyện chủ động triển khai công tác y tế dự phòng và các chương trình mục tiêu quốc gia, phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả. Khống chế và đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm (tả, sốt rét, thương hàn...), đặc biệt đã và đang thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Quản lý điều trị tốt các bệnh xã hội; chăm sóc, tư vấn cho 90% người nhiễm HIV/AIDS.

Cả hệ thống chính trị thi đua thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Nhiều mô hình đem lại lợi ích thiết thực, tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhân dân ra đời như: mô hình thân thiện “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn”; “Phân công luân phiên cán bộ không chuyên trách ngồi tại bàn để viết hộ cho người dân”; “Cử cán bộ ấp trực tiếp nhận và trả kết quả tận nhà cho người dân”; “Chuyển giao cho nhân viên bưu điện trực tiếp nhận và trả kết quả tại nhà cho người dân”, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước tiếp tục được củng cố, kiện toàn, tinh gọn, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ…

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-phu-lan-toa-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-a279424.html