Án phạt kỷ lục với Alibaba vẫn là 'giơ cao đánh khẽ'

Khoản phạt cho hành vi độc quyền của Alibaba là kỷ lục với một công ty tại Trung Quốc, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tối đa theo luật của nước này.

Ngày 10/4, Cục Quản lý Thị trường Trung Quốc (SAMR) thông báo phạt Alibaba 18 tỷ tệ, tương đương 2,75 tỷ USD. Trong thông báo dài 12.000 chữ, SAMR đưa ra định nghĩa về thị trường, vai trò của Alibaba trong thị trường đó, và những vi phạm của công ty này dẫn tới khoản phạt kỷ lục.

Tuy là mức phạt lớn nhất từ trước tới nay, 18 tỷ tệ chỉ tương đương 4% doanh thu của Alibaba năm 2019. Theo SCMP, luật độc quyền của Trung Quốc cho phép phạt các công ty tới 10% doanh thu.

 Alibaba đã trở thành ví dụ để Trung Quốc gián tiếp răn đe các công ty công nghệ khác. Ảnh: Reuters.

Alibaba đã trở thành ví dụ để Trung Quốc gián tiếp răn đe các công ty công nghệ khác. Ảnh: Reuters.

Bài viết của tờ báo này nhận định đây là mức phạt vừa phải với Alibaba, không chỉ là hình thức để Trung Quốc răn đe các công ty công nghệ khác, mà còn cho Ủy ban châu Âu và Mỹ một ví dụ để đối phó với những gã khổng lồ công nghệ.

Ví dụ Alibaba

Cuộc điều tra độc quyền đối với Alibaba bắt đầu từ tháng 12/2020. Sau 4 tháng, các nhà quản lý thị trường Trung Quốc dường như đã hiểu rõ hơn cách vận hành của các công ty Internet nước này. Họ cũng vạch rõ những ranh giới để các công ty không thể vượt qua.

Alibaba, công ty sở hữu nhiều nền tảng bán buôn lẫn bán lẻ, cho rằng họ không độc quyền trong lĩnh vực bán lẻ. Mỗi thương hiệu của Alibaba lại có định hướng khác nhau, như Tmall thiên về thương hiệu lớn bán lẻ (B2C) hay Taobao thiên về doanh nghiệp nhỏ (C2C).

Cơ quan chống độc quyền Trung Quốc cho rằng Alibaba đã dùng sức mạnh của mình trên thị trường để chèn ép thương gia và đối thủ. Ảnh: Xinhua.

Tuy nhiên, các nhà quản lý Trung Quốc cho rằng cả 2 lĩnh vực trên đều được coi là thị trường bán lẻ. Khi gộp cả của Tmall và Taobao, Alibaba đang chiếm lĩnh thị phần rất lớn. Theo SAMR, thị phần của Alibaba trên thị trường vượt quá 50%, cho họ sức mạnh kiểm soát thông qua ưu thế về tài chính và công nghệ.

Sự kiểm soát này khiến các nhà bán lẻ rất khó chuyển đổi từ dịch vụ của Alibaba sang các công ty khác. SAMR còn cho rằng Alibaba đã ép các nhà bán lẻ phải đưa ra những chương trình dành riêng cho nền tảng của họ. Cơ quan này nhận định phần lớn nhà bán lẻ muốn được bán trên nhiều nền tảng khác nhau, nhưng buộc phải đưa ra chương trình hấp dẫn hơn cho Alibaba vì sợ bị cô lập.

Theo nhận xét của Giáo sư Henry Gao tại Đại học Quản lý Singapore, mức phạt với Alibaba sẽ là một ví dụ để nhiều công ty Internet Trung Quốc khác nhìn vào. Đây như một cách răn đe không cần quá nhiều công sức của chính phủ Trung Quốc.

“Đã có những dấu hiệu cảnh báo từ trước, như ở Hội nghị công tác kinh tế trung ương vào năm ngoái, khi vấn đề độc quyền được đưa lên hàng đầu. Gã khổng lồ công nghệ nào có tai tiếng sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo”, ông Gao nhận xét.

Mức phạt với Alibaba gấp hơn 3 lần so với số tiền Qualcomm từng bị phạt năm 2015, nhưng vẫn thấp hơn khung tối đa theo luật.

Yếu tố giảm trừ được cân nhắc là mức độ vi phạm, cũng như thái độ tiếp thu của công ty này.

“Mức phạt với Alibaba có thể sẽ gỡ gánh nặng pháp lý mà công ty này đã phải mang theo từ khi vụ điều tra bắt đầu cuối tháng 12/2020”, nhà phân tích Vey-Sern Ling và Tiffany Tam của Bloomberg Intelligence nhận định. Do đó, đây có thể coi như một mức giá phải trả rất nhỏ nhằm vượt qua sự bất định đối với Alibaba.

Sau khi mức phạt được đưa ra ngày cuối tuần, tới phiên giao dịch đầu tuần ngày 12/4, cổ phiếu của Alibaba đã tăng tới 8%, khiến giá trị công ty tăng 48,5 tỷ USD. Theo Reuters, việc đám mây bất định phủ bóng Alibaba nhiều tháng qua bị loại bỏ đã khiến cổ phiếu công ty này tăng mạnh.

“Khi mức phạt đã được đưa ra, sự nghi ngờ của thị trường đối với Alibaba đã giảm đi rất nhiều”, nhà phân tích Kenny Ng của Everbright nhận xét.

Gã khổng lồ công nghệ nào sẽ là mục tiêu tiếp theo?

Sau Alibaba, cơ quan chống độc quyền Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và nhân sự. Theo Reuters, SAMR sẽ được bổ sung khoảng 20-30 người mới, đồng thời trao quyền nhiều hơn cho các cơ quan ở địa phương để đối phó với tình trạng độc quyền.

“Việc tăng nhân sự cũng như quyền hạn sẽ là rất quan trọng để mạnh tay hơn với độc quyền. Nếu không, cơ quan này sẽ không đủ khả năng để xử lý nhiều vụ việc cùng lúc”, Liu Xu, nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa nhận xét.

Cổ phiếu công ty này đã tăng mạnh sau khi mức phạt được công bố, loại bỏ đám mây bất định đối với nhà đầu tư.

SAMR được thành lập từ năm 2018, nhưng đến gần đây mới được bổ sung thêm quyền hạn sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng cần mạnh tay hơn với các công ty muốn thao túng thị trường, khách hàng.

Lãnh đạo nhiều công ty Internet tại Trung Quốc giờ đây là khách quen của SAMR, khi thường xuyên phải báo cáo về các thương vụ, hành vi trong kinh doanh của nền tảng. Ngoài trụ sở tại Bắc Kinh, SAMR cũng bắt đầu mở rộng hoạt động tại các thành phố lớn khác như Hàng Châu, Thâm Quyến.

Các nhà đầu tư tại Trung Quốc hiện rất tò mò gã khổng lồ công nghệ nào sẽ là đối tượng tiếp theo của cơ quan này.

“Các công ty công nghệ khác cần xác định họ có thể bị điều tra và nhận mức phạt tương tự như Alibaba. Mức phạt đối với một trong những công ty quan trọng nhất Trung Quốc cũng gửi thông điệp mạnh mẽ tới các công ty công nghệ khác, đó là Trung Quốc, giống như châu Âu, đã sẵn sàng đối mặt với các gã khổng lồ công nghệ”, Fred Hu, Chủ tịch công ty đầu tư Primavera Group nhận xét.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/alibaba-da-thanh-con-tot-thi-de-ran-de-cac-cong-ty-trung-quoc-post1203515.html